LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng.
Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng.
Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được há
|
NSƯT Ngọc Dung nói, thuở còn sinh hoạt trong đoàn hát bội đồng ấu Cảnh Xuân những năm thập niên 1960, Thanh Hiệp với chị là đôi bạn khi cùng diễn trên sân khấu, lúc cùng nhau vui chơi những trò nghịch ngợm của trẻ nhỏ. Hiệp bị teo cơ bẩm sinh, chân đi hơi “cà nhắc”, nhưng việc đó không ảnh hưởng gì đến những hóa thân trên sân khấu của cậu.
Trở thành kép chính sau một đêm "cứu giá"
Tuồng Tấm Cám đã mở màn, khán giả đang say sưa xem lớp diễn của hoàng tử (nghệ sĩ Bảo Ân đóng) thì người nghệ sĩ ấy bị ngất xỉu ngay trên sân khấu. Anh bị ốm nhưng vẫn cố sức diễn cho tròn đêm. Lúc ấy, Thanh Hiệp đang đảm nhận vai nội giám. Không thể dừng vở diễn nửa chừng, đoàn nhanh chóng họp lại và chọn Hiệp làm người “cứu giá” vai hoàng tử. Ngay lập tức, “nội giám” vẽ lại mặt mũi, thay y phục, bước lên sân khấu diễn tiếp những phân cảnh hoàng tử còn dang dở, cùng với các nghệ sĩ Kiều Loan, Kiều Phượng (vai Tấm và Cám).
“Lúc đó tình thế cấp bách, đoàn không có lựa chọn nào khác nên tôi phải thay vai gấp. Bước lên sân khấu nhìn xuống khán giả cũng hồi hộp, nhưng tôi đã diễn vở này nhiều đêm rồi, nghe lời ca tiếng hát của anh Bảo Ân nhiều đến thuộc nằm lòng nên cứ thế mà tôi ca diễn trọn vai, khán giả cũng thương” - nghệ sĩ Thanh Hiệp nhớ lại. Đó là năm 1976, khi anh 21 tuổi, diễn ở đoàn Tiền Giang 2, thành phố Mỹ Tho.
Sáng hôm sau, cả đoàn họp biểu dương, khen thưởng người thế vai xuất sắc, đã cứu cả đoàn một “bàn thua trông thấy”. Và lối rẽ mới cho người nghệ sĩ trẻ bắt đầu từ cuộc thế vai đêm diễn ấy. Những suất diễn tuồng Tấm Cám về sau, vai hoàng tử cứ đêm trước Bảo Ân diễn thì đêm sau là Thanh Hiệp. Cái tên Thanh Hiệp được khán giả miền Tây mến mộ, qua những vở diễn mà anh là kép chính: Hoàng hậu không đầu, Phật tử Thiên Châu Đăng, Lưu Kim Đính giải giá thọ châu, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ…Có những vở khán giả cứ yêu cầu diễn đi diễn lại. Vé xem hát khi ấy khoảng 5000-10.000 đồng/suất. Đêm nào bán từ 100 vé trở lên thì nghệ sĩ được lãnh lương đủ, nếu bán chỉ chừng 50 vé thì thù lao cho nghệ sĩ cũng giảm đi một nửa.
|
Nghệ sĩ Thanh Hiệp trong vai Cao Hoài Đức, vở Lưu Kim Đính giải giá thọ châu |
Năm 1978, miền Tây gặp mùa bão, nước lụt kéo dài cả năm trời, trắng xóa trên quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A). Đoàn cải lương Tiền Giang 2 - khi ấy đoàn Tiền Giang có ba đoàn, cải lương, hồ quảng và hát bội - cứ phải “hát chạy lụt”. Nước ngập vùng dưới (thành phố Mỹ Tho) thì đoàn dọn đồ lên vùng trên hát (vùng trên, theo cách định vị của đoàn là khu vực Mỹ Thuận, Tiền Giang). Trang phục, những cây đao, cây thương… đều cũ kỹ.
Năm ấy, có những nghệ sĩ ban đêm hóa thân lộng lẫy trên sân khấu, nhưng ban ngày cũng phải lao vào cuộc mưu sinh. Như nghệ sĩ Hồng Phượng, ban ngày phải đi bán kẹo kéo kiếm đồng ra đồng vô. Trên sân khấu, Thanh Hiệp và Hồng Phượng ít khi diễn chung, vì chị Hồng Phượng thường đảm các vai phụ. Nhưng ngoài đời, chị là người bạn đời của nghệ sĩ Thanh Hiệp, đã chia ngọt sẻ bùi cùng nhau qua những năm tháng khốn khó ấy cho đến tận bây giờ. Hiện vợ chồng nghệ sĩ sống trong ngôi nhà nhỏ ở thành phố Mỹ Tho - ngôi nhà mà họ chỉ dành dụm được một ít, rồi mượn thêm và phải tích góp trả nợ trong nhiều năm ròng.
13 năm chạy xe ôm để giữ nghề
Nghệ sĩ Thanh Hiệp bộc bạch rằng, nghề hát không thể làm giàu, phải yêu, phải đam mê mới có thể gắn bó, sống chết cùng sân khấu. Ông trưởng thành cùng thời với NSƯT Ngọc Dung, trong đoàn đồng ấu Cảnh Xuân, từng được cố NSƯT Mười Vàng dạy vũ đạo, tập luyện từ bước đi tứ thiên vương, rồi được “ông giáo Út” soạn vở cho diễn, tham gia hát chầu ở đình Ông Tạ, đình Hòa Hưng (TP.HCM).
NSƯT Ngọc Dung vẫn nhớ những ngày còn sinh hoạt ca diễn chung trong đoàn cải lương hát bội đồng ấu Cảnh Xuân. Những năm ấy, Thanh Hiệp thường vào vai kép chính. Chị hay trêu người bạn có dáng đi “cà nhắc”, còn Hiệp hay ghẹo Dung là “hăng rết” vì cô bạn sún răng. “Lúc đóng Cửu nhĩ thêu trân châu kỳ, Dung vai Cửu Nhĩ, Hiệp vai vua cha. Hai đứa trẻ đứng ngang bằng nhau, tôi chưa kịp quỳ xuống thì anh Hiệp đã ấn đầu tôi thấp xuống cho hợp vai con. Lúc đó còn con nít, có vậy mà cũng giận” - NSƯT Ngọc Dung nhớ lại.
Hay trêu ghẹo giận hờn là vậy, chứ ngoài sân khấu, cả hai chơi rất thân với nhau. Họ có một tuổi thơ nghịch ngợm, như chui xuống sàn sân khấu nằm vắt chân chữ ngũ, hay rủ nhau ra đồng bắt cua câu cá… Cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng họ cứ hồn nhiên mà lớn lên cùng nhau.
Lúc còn nhỏ theo bản năng mà ca diễn, lớn hơn một chút, Hiệp theo học thầy Nguyễn Hữu Thệ (ba nghệ sĩ Hữu Danh). Rồi khi về Tiền Giang, ông lại gặp được thầy Ba Kiên (nghệ sĩ Minh Kiên). Thanh Hiệp nói ông là nghệ sĩ từ “học lỏm” mà thành, tự sáng tạo ra những lối diễn mang nét riêng, từ vai hài đến vai tướng, vai lão. “Anh Hiệp rất giỏi về tuồng truyện, gần như tuồng nào anh cũng biết, thậm chí là thuộc nằm lòng. Cho nên đóng vai nào dù đột xuất anh cũng có thể ca diễn được” - NSƯT Ngọc Dung nhận xét.
|
Nghệ sĩ Thanh Hiệp (phải) và NSƯT Ngọc Dung (thứ hai từ phải sang) trong vai Trương Hổ và công chúa phiên bang, vở Song nữ loạn viên môn diễn những năm thập niên 1990 (ảnh do NSƯT Ngọc Dung cung cấp) |
Ngọc Dung - Thanh Hiệp - Kim Hường là “bộ ba” nghệ sĩ đã gắn bó cùng nhau từ đoàn đồng ấu Cảnh Xuân, và đến giờ vẫn còn theo nghề. Những nghệ sĩ hát bội, cải lương nổi tiếng của một thời mà tôi từng biết và trò chuyện, ai cũng đều trải qua những vất vả, khốn khó trong cuộc sống riêng. Như Thanh Hiệp, ông đã từng có thời gian vá xe, chạy xe ôm để giữ nghề.
“Mỗi năm chỉ có hai mùa hát chầu, từ khoảng tháng 10-11, và tầm tháng Giêng đến tháng Ba, thời gian còn lại xem như nghỉ ngơi, tôi cũng phải làm việc khác để có thêm thu nhập. Tôi nghỉ chạy xe ôm từ ba năm nay, vì sức cũng yếu đi nhiều rồi” - nghệ sĩ Thanh Hiệp tâm sự. Ông chạy xe ôm suốt 13 năm, cuộc mưu sinh rong ruổi qua khắp con đường ở thành phố Mỹ Tho, ra đường có khi khán giả nhận ra, nhưng cũng có lúc không để ý đến bác tài xe ôm “da ngăm đen, ít nói”.
Sau này, ông vẫn diễn cho đoàn Ngọc Khanh, lúc nào có vai thì bắt xe đi từ Tiền Giang lên thành phố. Từ lúc dịch bệnh đến giờ, sân khấu ít khi được sáng đèn, người nghệ sĩ tuổi 66 về lại ngôi nhà nhỏ. Ông nói thời gian rảnh rỗi sẽ xem lại những tuồng tích xưa. Năm tháng vàng son của ký ức thi thoảng trở về. Lại thấy đâu đó trong xa xăm là những ngày theo chân ông ngoại (nghệ sĩ Sáu Kiểng) đi lưu diễn hết nơi này đến nơi khác; thấy mình trong hóa thân của những vai dũng tướng Mạnh Lương, Lưu Khánh…
Thời xa vắng của người nghệ sĩ già còn lại trong những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian, mà mỗi khi nhắc lại, trước mắt ông như còn thấy đó những khán giả của cải lương, hát bội ngồi ngoài ruộng, bên dưới những sân khấu dựng tạm mà những ngày mưa đi hát cứ phải lo lắng nhìn trời…
Bùi Tiểu Quyên