Thời vàng son của nhạc hùng ca

02/01/2023 - 09:06

PNO - Sau "Một thời Hà Nội hát" khảo cứu về chuyện giải trí của đô thị Hà Nội trước và sau năm 1954, mới đây tác giả Nguyễn Trương Quý đã giới thiệu "Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc", cho thấy mối quan hệ giữa tân nhạc, các bài hùng ca với sự chuyển biến của dòng lịch sử và các hội văn hóa.

Âm nhạc - lịch sử 

Cách viết du khảo của Nguyễn Trương Quý vừa gần gũi lại vừa quen thuộc. Nếu Một thời Hà Nội hát bám theo cuộc đời nhạc sĩ Đoàn Chuẩn thì Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc cũng theo cách tiếp cận tương tự, nhưng thay vào đó là Lưu Hữu Phước - vị nhạc sĩ nổi tiếng với những hành khúc, bài ca yêu nước... đã đi vào trong tâm thức của nhiều thế hệ.

Tác phẩm Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc
Tác phẩm Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc

Theo đó, bắt đầu từ cuối thập niên 1930, khi đời sống chính trị mở cửa, ban âm nhạc Tổng hội Sinh viên của Đại học Đông Dương thành lập thì những bài ca tân nhạc cũng bắt đầu xuất hiện. “Tân nhạc” thuở ấy là một khái niệm để chỉ những bài hát chịu ảnh hưởng Tây phương, khác biệt so với “cổ nhạc” mang đậm văn hóa truyền thống. Những năm đó bắt đầu xuất hiện những bài ca ái quốc như Việt Nam bất diệt (Hoàng Gia Lịnh) hay Trời thanh (Thẩm Oánh)…
Nguyễn Trương Quý cũng đã cho thấy những dấu ấn khác biệt của âm nhạc thời này: tuy mang dáng vẻ hành khúc, ca từ của chúng vẫn còn lãng mạn như Thơ mới và thường chịu nhiều ảnh hưởng Tây phương, do đó được gọi là “bài ta 
điệu Tây”.

Giai đoạn này cũng cho ra đời những bài tình ca như của Đặng Thế Phong, Lê Thương... vận dụng trở lại âm điệu cổ truyền, có cảm giác như những bài thơ êm ả, mơ màng. Dù vậy, do không phản ánh ý chí chiến đấu cũng như bối cảnh lịch sử nên những bài tình ca chưa được coi trọng, mà như cố nhạc sĩ Phạm Duy gọi là thời kỳ “văn nghệ salon”, “văn nghệ bỏ túi”.

Khi Thế chiến thứ 2 nổ ra, Pháp và Nhật tranh nhau ảnh hưởng quyền lực ở Đông Dương, chính quyền Decoux kiểm duyệt chặt chẽ các tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng bằng cách “tương kế tựu kế”, sinh viên hay những nhà lãnh đạo cách mạng trẻ tuổi đã tận dụng được Phong trào thể dục và thanh niên để đưa tinh thần cách mạng vào tác phẩm. Thông qua những cuộc về nguồn ở các di tích lịch sử, hàng loạt bài hùng ca được lấy cảm hứng từ quá khứ của Lưu Hữu Phước (hay nhóm Hoàng Mai Lưu) đã ra đời, có thể kể đến như Ải Chi Lăng, Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ...

Vệt bài “siêu anh hùng ca” nổi tiếng từ Bắc tới Nam thường có kết cấu 3 phần, như Nguyễn Trương Quý chỉ ra, là đi từ khung cảnh hiện thực, về lại quá khứ, và kết bằng lời kêu gọi ái quốc. Nói về những tác phẩm này, cố nhạc sĩ Phạm Duy gọi đây là một công cụ để tạo ra không gian chuyên chở “ý niệm quốc gia dân tộc”.

Khác với tân nhạc ở thời kỳ đầu, những bài ca này “không còn bị đóng khung trong khuôn khổ thơ lục bát, nhạc điệu bay bổng trên những cung bực tân kỳ, nghệ thuật âm thanh biến đổi, nhạc khúc không còn tính chất gợi cảm nhẹ nhàng mà là những tác phẩm tả thực”.

Thời kỳ rực rỡ của trình diễn nghệ thuật 

Bên cạnh ban nhạc Tổng hội Sinh viên của Đại học Đông Dương, thời gian này cũng xuất hiện nhóm Đồng Vọng mà cố nhạc sĩ Văn Cao là một thành viên và đã rực sáng sau đó. Thông qua các bài ái quốc, Nguyễn Trương Quý cũng cho thấy đời sống tinh thần phong phú, với Thơ mới, văn xuôi Quốc ngữ đóng vai trò chủ đạo và liền sau đó là giải trí, tân nhạc, 
kịch nói…

Tác giả Nguyễn Trương Quý (hàng sau, bìa phải) chụp ảnh cùng hậu duệ của nhóm  Hoàng Mai Lưu, những người đóng vai trò quan trọng trong thời vàng son của nhạc ái quốc
Tác giả Nguyễn Trương Quý (hàng sau, bìa phải) chụp ảnh cùng hậu duệ của nhóm Hoàng Mai Lưu, những người đóng vai trò quan trọng trong thời vàng son của nhạc ái quốc

Giai đoạn đầu những năm 1940 cũng chứng kiến sự phát triển vượt bậc của kịch tân thời, với những tên tuổi lớn như Thế Lữ, Khái Hưng… Đỉnh cao của thể loại này có thể kể đến vở Tục lụy (1942), chuyển thể văn xuôi của Khái Hưng thành thơ-hát, qua sự chuyển soạn của Thế Lữ và Lưu Hữu Phước. Tác phẩm được xem là dấu ấn đầu tiên của thể loại kịch cũng như tuyên ngôn nữ quyền của các nữ sinh tiến bộ…

Như vậy, giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám, Hà Nội trở thành “cái nôi” của tân nhạc ái quốc. Nguyễn Trương Quý giải thích, đây là vùng đất của học thuật, thu hút rất nhiều “nhân tài” khi Đại học Đông Dương là trường duy nhất ở cấp bậc này được Pháp lập ra lúc còn thuộc địa. Ngoài ra, xung quanh chốn thị thành này, các yếu tố dân tộc cũng thường xuất hiện, làm thành một sự hòa trộn độc đáo giữa hiện đại và truyền thống, giữa cách tân và cổ truyền.

Vì sao nhạc ái quốc lại chiếm thế chủ động trong giai đoạn này? Bên cạnh yếu tố không thể tránh khỏi là bối cảnh lịch sử - chính trị, các đặc trưng hướng đạo cũng như tinh thần ái quốc khi đất nước bị xâm lược đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tầng lớp sinh viên, thanh niên.

Bên cạnh quá trình hình thành và phát triển tân nhạc ái quốc gắn với lịch sử, Nguyễn Trương Quý cũng đã xây dựng thành công chân dung của người đi đầu cho thể loại này - cố nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Qua những tìm tòi cũng như tổng hợp thông tin, những giai thoại cá nhân hay hành trình làm cách mạng, chân dung một nhạc sĩ, người phê bình âm nhạc… với những cái “nhất” và cái “đầu tiên” đã hiện ra vô cùng sống động và gần gũi.

Với Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc, một mảng âm nhạc quan trọng đã được khôi phục, đào sâu, từ đó tìm ra những mối liên kết thú vị với dòng lịch sử.  

Thuận Phát

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI