Dạy học là nghề vun bồi nhân cách cho thế hệ tương lai. Trong những bài học về nhân cách mà giáo viên (GV) dạy cho học sinh (HS), không bài học nào có sức thuyết phục bằng chính tấm gương của GV. Thế nhưng, hiện vẫn có không ít GV và ban giám hiệu (BGH) ở nhiều trường vẫn quen thói hành xử phản giáo dục với HS và phụ huynh (PH). Cách hành xử này chính là những bài học lệch chuẩn đối với HS.
"Trồng người" nhưng ứng xử phản sư phạm
Tuần qua là thời điểm diễn ra đại hội PHHS các trường ở TP.HCM. Tại trường tiểu học T. ở Q.10, GV vận động PH góp tiền gắn máy lạnh cho lớp không hợp lý nên bị PH phản ứng. Trong lúc sự việc chưa giải quyết xong, GV này tiếp tục gợi ý HS góp tiền gọi là để mua quà tặng cho ba bạn nghỉ bệnh mới đi học trở lại.
Cũng tại trường này, PH còn phản ứng về việc trường đã sử dụng nước uống cho HS không đảm bảo chất lượng, thu tiền điện máy lạnh của PH quá nhiều so với mức điện năng tiêu thụ, thu tiền tài trợ giáo dục không theo nguyên tắc tự nguyện.
PH đã phản ánh những bức xúc trên với GV và BGH qua email, nhưng GV không tiếp thu, BGH thì bao che khi cho là PH đã quá khắt khe và quan trọng hóa vấn đề, đồng thời đòi hỏi PH phải có “bằng chứng”. Chưa hết, trường còn xin xác nhận của một số PH khác để “chứng minh” cô giáo vô tội.
|
Các mối quan hệ học đường dù phức tạp đến đâu, nhưng nếu GV và BGH ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, có thiện trí, đồng cảm và tôn trọng nhau, tôn trọng PHHS thì phức tạp cũng hóa đơn giản |
Không chấp nhận kiểu hành xử bao biện và thiếu sư phạm của trường, PH đã phản ánh sự việc lên Phòng Giáo dục - Đào tạo Q.10. Trong phiên làm việc với PH, GV và BGH trường cuối tuần qua, Phòng GD-ĐT Q.10 kết luận: những gì PH phản ánh là hoàn toàn đúng, GV và nhà trường đã cư xử sai. Trường phải thay ngay nước uống cho HS, chấm dứt chuyện vận động gắn máy lạnh và vận động HS đóng góp tiền quà… Sự “lắng nghe” của lãnh đạo Phòng GD-ĐT là rất thuyết phục nhưng một số PH vẫn quyết định chuyển con sang trường khác vì không còn tin tưởng vào nhà trường.
Vài tuần trước, hiệu trưởng một trường THCS ở Q.3 cùng GV đến tận nhà HS để xin lỗi về việc GV đã đánh HS. Chuyện xảy ra vào giờ ngủ trưa, em H. không ngủ mà chọc phá các bạn. GV đã dùng roi đánh HS này, chẳng may trúng chỗ hiểm khiến PH lo lắng, đến trường làm lớn chuyện. Đây là một minh chứng cho tình trạng “GV đánh HS, PH đánh GV” thỉnh thoảng vẫn xảy ra. Lỗi ban đầu có thể từ HS, nhưng do GV ứng xử chưa chuẩn mực đã làm cho PH nổi giận.
Một bài học khác về ứng xử trong học đường là chuyện bé Bo (lớp 3), con chị Thu, bị bạn xé gần đứt rời tay áo. Chị Thu gọi điện nhờ cô giáo tìm hiểu sự việc và yêu cầu bạn xin lỗi bé Bo, nhưng cô giáo không quan tâm. Sau vài tuần, chị Thu gọi điện nhắc, cô giáo nói trớ: “Chờ đến bài học đạo đức rồi làm luôn thể”.
Chị Thu bức xúc: “Không phải là mình khó khăn, chấp nhặt trẻ con, nhưng người lớn chúng ta luôn dạy trẻ phải biết cám ơn khi ai đó giúp mình và biết xin lỗi khi có lỗi với ai đó. Tôi nhờ cô giáo tìm hiểu thêm sự việc là để biết con mình có lỗi gì không. Còn bạn phải xin lỗi con tôi cũng là để nhắc nhở con tôi về bài học phải biết xin lỗi; trong hành xử phải tránh làm điều có lỗi. Nếu bạn không xin lỗi cháu thì sau này cháu cũng sẽ không xin lỗi người khác”.
Cũng mới đây, tại một trường THPT ở Q.9, khi PH có ý kiến bức xúc chuyện tiền nong thì hiệu trưởng cho PH là “ếch ngồi đáy giếng”, không biết gì. Trình bày sự việc với chúng tôi, PH này bức xúc: “Vấn đề không chỉ là tiền bạc mà ở thái độ tiếp nhận sự việc và cách ứng xử phản cảm của một nhà giáo”. Không chỉ cư xử thiếu chuẩn mực với HS và PH, nhiều GV còn cư xử thiếu chuẩn mực cả với đồng nghiệp.
Cuối năm ngoái, tại một trường tiểu học ở Q.Phú Nhuận, vào giờ tan học, nhiều GV, HS và PH đã ngơ ngác trước cảnh một thầy giáo phóng xe máy vào trường, đá chống xe, cởi áo gió, vứt nón bảo hiểm, xông vào đòi đánh một cô giáo. May là sự việc được can ngăn kịp thời, chưa xảy ra hậu quả.
Cô Hà Thị Kim Sa, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp) cho biết: BGH và GV nhiều trường còn thiếu cầu thị, thiếu dân chủ. Họ luôn chủ quan là mình đúng, nên thường quy chụp, lớn tiếng với PH và HS. Cô Sa thừa nhận, từng có thành viên trong BGH từ một trường công chuyển về, quen nếp cũ, thường quát nạt, khi nói chuyện, thậm chí còn chỉ tay vào mặt GV trước mắt HS.
Thầy cô bệnh là học sinh... vỗ tay
Theo tiến sĩ (TS) Võ Văn Nam (ĐH Sư phạm TP.HCM), trong ứng xử sư phạm có các nguyên tắc mà người GV phải tuân thủ mọi lúc mọi nơi. Đó là đảm bảo tính mô phạm (ý thức mình là GV), tôn trọng nhân cách HS và PH vô điều kiện, đồng cảm với PH và HS bằng cả tâm hồn (biết đặt mình vào hoàn cảnh và vị trí của PH), thiện chí (để dìu dắt PH và HS cùng hợp tác giúp giáo dục HS ngày càng tiến bộ).
Đối chiếu với thực tiễn, TS Nam cho rằng, cách ứng xử của GV và BGH Trường tiểu học T. là rất phản sư phạm. HS bị bạn xé rách áo là một tình huống giáo dục đạo đức rất hay, nhưng cô giáo lại “đợi đến bài đạo đức mới xử lý” thì chuyện đã thành nguội lạnh; trẻ bị bạn xé áo sẽ cảm thấy mình bị xem thường, còn trẻ xé áo bạn thì nghĩ mình làm vậy cũng có bị gì đâu!
Việc “chạy” cái giấy xác nhận của những PH khác là không có chuyện GV đứng ra vận động góp tiền gắn máy lạnh của trường cũng là không tôn trọng, thiếu thiện chí, thậm chí còn mang tính bài xích PH. Ứng xử như vậy không những không tạo được niềm tin cho PH mà còn khiến cả trường mang tiếng xấu.
TS Nam tâm sự, thỉnh thoảng ông vẫn xuống các trường dự chào cờ và nhận thấy: “Trường nào cũng vậy, trong buổi chào cờ đầu tuần GV thường thị uy, quát tháo HS. Khi phát biểu, hiệu trưởng cũng chủ yếu “vạch lá tìm sâu”, bắt các em “gặm nhấm” những lỗi lầm của tuần trước mà không đặt các em vào một tâm thế mới để đón một tuần học tập mới, khiến các em chán nản. Phê bình là cần thiết nhưng phải phê sao đó để các em cảm thấy vui và tiến bộ”.
Nhà giáo ưu tú Phạm Thị Huệ - nguyên hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng (Q.3), cho rằng: “Trong giáo dục, việc nhà trường phải kết hợp gia đình để giáo dục HS là rất quan trọng. Dù chưa biết ai đúng ai sai, nhưng nếu GV và nhà trường ứng xử không đúng mực sẽ khiến PH có ấn tượng xấu và truyền suy nghĩ xấu đó cho trẻ, khiến trẻ cũng sẽ có cái nhìn không tốt về thầy cô giáo của mình. Giáo dục như thế là thất bại”.
Tại sao trong nhiều trường hợp, các trường dù biết mình và GV của mình sai nhưng không chịu thừa nhận? Cô Huệ lý giải: “Họ phải tìm cách bao biện nhằm tránh để chuyện xấu lan rộng, ảnh hưởng thi đua. Nhưng, càng bao biện thì PH càng giận dữ và càng mang tiếng”.
Nhiều GV hiện có tâm lý hay “làm nặng tội của HS” nhằm đe nẹt, dọa dẫm, nhưng cô Kim Sa cảnh báo: “Mọi ứng xử trong trường phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng, dù với một em HS hay một người tạp vụ. Hiệu trưởng không được xem thường cấp dưới, bởi HS sẽ nhìn vào đó mà lớn lên”.
TS Võ Văn Nam cũng nhận xét, cách ứng xử trên là đi ngược lại nguyên tắc “tôn trọng nhân cách”: “Thầy cô phải mang đến niềm vui cho HS và lấy bớt nỗi buồn của các em hàng ngày. Có như vậy thì mỗi ngày đến trường mới là một ngày vui”. Tiếc thay, ngày nay hôm nào nghe thầy cô bệnh, được nghỉ, là HS vỗ tay, thậm chí còn mong thầy cô bị bệnh lâu hơn. “Cách HS thể hiện là rất lệch lạc, nhưng vì thầy cô giáo đang là hung thần của các em, nên mới như vậy” - TS Võ Văn Nam nói.
Minh Nhật - Tiêu Hà