Thời trang xanh, bạn biết chưa?

03/08/2016 - 05:47

PNO - Một trào lưu mới đang được phụ nữ trên thế giới và cả ở Việt Nam yêu thích, đó là Eco fashion, hay còn gọi là “thời trang sinh thái”, “mặc xanh”, không gây tổn hại môi trường và con người...

Hai phụ nữ tiên phong

Khó có thể nói trào lưu Eco fashion bắt đầu từ đâu, có thể là từ những trào lưu bảo vệ môi trường, sống xanh, sống chậm, nhưng rõ rệt nhất có lẽ là vào năm 2013, sau thảm họa sập tòa nhà Rana Plaza kinh hoàng tại Bangladesh, làm chết hơn 1.137 thợ may, hầu hết là phụ nữ, những người đang làm việc cật lực cho các thương hiệu “thời trang nhanh” (fast fashion) phương Tây trong điều kiện lao động xuống cấp trầm trọng. Ngành thời trang đã hướng đến một phương thức kinh doanh mới: “slow fashion”, tức kéo dài thời gian sản xuất, kéo dài thời gian tiêu thụ để giảm thiểu những tác động, thiệt hại đến môi trường và con người.

Tham gia vào xu hướng này có nhiều nhà thiết kế (NTK) Việt Nam như Li Lam chẳng hạn, là người truyền cảm hứng cho những người yêu sinh thái, môi trường. Công Trí, Võ Việt Chung cũng là những người góp công vào thời trang eco, khi sử dụng chất liệu vải không ảnh hưởng đến môi trường. Năm 2014, Võ Việt Chung đã đưa bộ thời trang làm bằng lãnh Mỹ A (với tên gọi “Huê khôi xứ Nam kỳ”) và lụa mặc nưa trình diễn tại Mỹ. Tháng 3/2016, Công Trí đã gây tiếng vang tại Tokyo Fashion Week với bộ sưu tập Lúa, cũng sử dụng lãnh Mỹ A.

Cùng truyền cảm hứng cho Eco fashion là Erwan Perzo và Florence Mussou, bộ đôi này đã thiết kế không gian cửa hàng của mình tại Hội An, Quảng Nam (thương hiệu METISEKO) với ao bèo, cỏ cây xanh mát. Sản phẩm của họ dùng chất liệu vải shantung và habutai Việt Nam hoặc vải nhập khẩu từ Ấn Độ có quy trình sản xuất an toàn từ sợi bông; quy trình nhuộm của họ cũng “nói không với acid”.

Nhưng để làm nên một thương hiệu, có thể nói Linda Mai Phùng là người đầu tiên. Từ Pháp trở về Việt Nam, Linda Mai Phùng dấn thân vào thế giới Eco fashion khi sáng lập thương hiệu cùng tên. Cô rong ruổi khắp các miền cao phía Bắc, tìm kiếm loại vải dệt thủ công không gây tổn hại môi trường. Cùng với việc am hiểu về xu hướng thời trang thế giới, các thiết kế của Linda Mai Phùng khi ra đời gây tiếng vang lớn và nhận nhiều giải thưởng quan trọng như the Eco-fashion Designer Award của tạp chí Néoplanète (Pháp) năm 2011, Creativity Prize of the Ethical Fashion Show tại Paris năm 2011, và Innovation Source Award của Diễn đàn Ethical Fashion (London, Anh) năm 2012.

Thoi trang xanh, ban biet chua?
NTK Lan Vy

“Tại các nước châu Âu và Nhật Bản, người ta thích trang phục eco, một phần vì góp tiếng nói bảo vệ môi trường, một phần khác, chất liệu làm nên một bộ quần áo khiến họ thấy an toàn khi mặc lên người”, Linda Mai Phùng nhận định. Đến nay, thương hiệu của cô có mặt tại Pháp, Nhật Bản, Đức.

Thoi trang xanh, ban biet chua?
Những đôi giày với họa tiết rồng phượng của Fashion4freedom đang được các nghệ nhân tỉ mỉ tạo hình

Cùng theo đuổi dòng thời trang Eco fashion, phải kể đến Lan Vy, chủ thương hiệu Fashion4freedom. Rời Việt Nam từ khi còn nhỏ, Lan Vy chọn trở về Huế, gắn bó với người dân địa phương, tạo công ăn việc làm và sáng tạo nên những mẫu giày, phụ kiện đậm chất truyền thống. Các thiết kế giày và phụ kiện của cô sử dụng nhiều họa tiết rồng phượng - biểu tượng hoàng gia xưa. Ngoài giày chạm rồng, với phần đế giày được chạm trổ tinh xảo kết hợp giữa nghệ thuật điêu khắc và sơn mài của các nghệ nhân Huế, Lan Vy còn thành công với bộ sưu tập (BST) áo khoác, áo đầm được may bằng vải Zèng và họa tiết đặc thù của của tộc người Tà Ôi.

Mới đây nhất là BST trang sức được chế tác từ kim loại lấy từ rác thải công nghệ: điện thoại hỏng, máy tính và tablet của Lan Vy cũng làm sững sờ giới yêu thích eco fashion. Lan Vy chia sẻ: “Eco fashion hay Suitable fashion được hiểu là dòng thời trang sinh thái và có tính bền vững. Chất liệu sử dụng hoàn toàn không gây tổn hại đến thiên nhiên trong quá trình sản xuất, ngoài ra còn tạo việc làm cho người lao động địa phương. Eco fashion cũng nói không với việc giết hại động vật, thải không khí độc hại trong quá trình sản xuất”.

Hiện, sản phẩm thời trang của Lan Vy chủ yếu được bán cho người nước ngoài đến Huế du lịch, hoặc bán tại các cửa hàng nhận ký gửi ở Mỹ và châu Âu.

Không dễ dàng với con đường riêng

Thoi trang xanh, ban biet chua?
NTK Linda Mai Phùng

Từ theo đuổi lý tưởng đến con đường kinh doanh là một hành trình không mấy dễ dàng. Linda Mai Phùng đã phải đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc cũng như ngược về đồng bằng sông Cửu Long, sống cùng người dân, học làm vải, tìm hiểu về chất liệu vải và trở về, nghiên cứu, xử lý từng khâu một để có thể cho ra sản phẩm hợp xu hướng và khiến người mặc cảm thấy an toàn. Lan Vy cũng vậy, việc tìm kiếm lại những nghệ nhân của nghề đóng giày, điêu khắc khiến cô phải rời bỏ công việc kinh doanh tại Mỹ, sục sạo khắp xứ Thần kinh mới tìm ra một đội ngũ cho riêng mình, ngồi từng giờ, từng ngày với họ để truyền đạt những điều mình mong muốn. “Có lúc tôi muốn khóc, và tự hỏi tại sao mình phải khổ cực như vậy, tại sao mình phải tốn thời gian nhiều quá vậy? Và rồi nhìn một thành phẩm ra đời, nhìn nụ cười của người nghệ nhân, mọi mệt mỏi tiêu tan, vậy là lại tiếp tục”.

Những ngày đầu, Linda và Lan Vy đều tự tiếp thị sản phẩm của mình, qua facebook, qua truyền thông, thậm chí đến từng cửa hàng để trao đổi việc đặt sản phẩm bày bán. Tất nhiên, việc chọn đặt sản phẩm cũng phải theo tiêu chuẩn riêng: khách hàng đến nơi này thường hiểu rõ thế nào là Eco fashion, chấp nhận bỏ một số tiền cao hơn khoảng 1/3 giá một sản phẩm bình thường.

Thoi trang xanh, ban biet chua?
Bộ sưu tập Eco của Linda Mai Phùng

NTK Linda Mai Phùng chia sẻ: “Giá cả của một sản phẩm eco đôi khi cũng khiến người tiêu dùng e ngại, nhưng làm thế nào để người tiêu dùng nhận thức được Eco fashion, cổ vũ và sử dụng mới là việc khó. Chính các vấn đề môi trường gần đây đã giúp mọi người nhận thức rõ ràng hơn về sự tổn hại của trái đất, của nguồn nước, do vậy, tôi có niềm tin, rằng khách hàng của chúng tôi sẽ ngày một nhiều hơn”.

Hiện Linda Mai Phùng hay Lan Vy không còn đơn độc trên hành trình của mình, họ có những người giỏi cùng hợp tác để phát triển thương hiệu. Những người yêu thích Eco fashion tuy vẫn còn gặp nhiều rào cản như mua sản phẩm với giá cao hơn, cửa hàng không nhiều, mẫu mã bày bán chưa phong phú… nhưng họ cũng đang nhận được rất nhiều sự chia sẻ và đồng hành của gia đình, bè bạn và con số này đang dần tăng lên. Nhiều NTK đã nhận được các giải thưởng lớn, giúp họ có thêm niềm vui và động lực để tiếp tục theo đuổi con đường của mình.

Những con số báo động

NTK Linda Mai Phùng chia sẻ một số thông tin về mặt trái của ngành công nghiệp thời trang: - Tại Trung Quốc, mỗi năm, người ta tạo ra 300 tấn muội than trong việc sản xuất quần áo. Tại châu Âu, cứ mỗi chiếc túi da cá sấu được làm ra là có ba con cá sấu bị giết hại.

- Gần 70 triệu thùng dầu được tiêu thụ mỗi năm để làm ra polyester, sợi tổng hợp phổ biến nhất của ngành công nghiệp may mặc mà phải mất tới 200 năm mới phân hủy.

- Trung bình mỗi người Mỹ thải bỏ khoảng 32kg quần áo mỗi năm.

- Quần áo “Fast fashion” (trung bình được mặc không quá năm lần, được giữ không quá 35 ngày) tạo ra một lượng khí thải cao gấp bốn lần so với các trang phục khác (được mặc 50 lần và giữ trong suốt một năm).

- Quá trình tổng hợp sợi rẻ tiền thải ra các loại khí như N2 O, độc hại gấp 300 lần khí CO2 .

- Cần tới 2.700 lít nước để sản xuất ra một chiếc áo T-shirt.

- Hơn 70 triệu cây xanh bị đốn mỗi năm để làm ra tơ nhân tạo, sợi viscose, modal hay lyocell.

- Thời trang là ngành công nghiệp gây ảnh hưởng tiêu cực thứ nhì tới nguồn nước sạch toàn cầu.

- 1/4 chất hóa học sản xuất ra trên thế giới được dùng trong ngành công nghiệp dệt may. - Cotton - một trong những chất liệu may mặc phổ biến nhất - theo quy trình truyền thống, tiêu thụ đến 25% lượng thuốc bảo vệ thực vật của toàn thế giới. Để có một chiếc áo T-shirt bằng cotton, trung bình người trồng bông sử dụng 150ml hóa chất độc hại mà chỉ cần một giọt trong số đó là đủ khiến bạn chết.

Thư Quân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI