Cầm cự trong khó khăn
Dạo một vòng quanh các tuyến “phố thời trang” ở TPHCM như Hai Bà Trưng, Quang Trung, Nguyễn Trãi… và một số trung tâm thương mại (TTTM) , siêu thị, chợ truyền thống, có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng ảm đạm của ngành hàng thời trang khi hàng loạt cửa hàng, sạp chợ quần áo, giày dép đóng cửa, trả mặt bằng.
|
Các chuyên gia cho rằng, thời trang Việt sẽ sớm phục hồi nếu quan tâm khâu thiết kế và giá cả - Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Tại chợ Bến Thành, chợ Bà Chiểu, rất nhiều sạp bán quần áo, giày dép, túi xách... đóng cửa im lìm từ nhiều tháng nay và vẫn chưa mở cửa lại. Một số tiểu thương còn mở cửa cho biết, do không tốn chi phí thuê sạp nên họ cố duy trì việc buôn bán, được đồng nào hay đồng nấy, lấy công làm lời.Nhiều sạp treo bảng cho thuê suốt mấy tháng mà vẫn chưa tìm được người thuê.
Những cửa hàng thời trang trong các TTTM, siêu thị cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ở tầng trệt TTTM Menas Mall (đường Trường Sơn, Q.Tân Bình), nhiều điểm bán quần áo, giày dép đã nghỉ kinh doanh, một số thương hiệu còn lại thì liên tục bán hàng giảm giá. Các cửa hàng thời trang outlet chuyên bán sản phẩm qua mẫu tại TTTM Vincom (đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp) cũng đã đóng cửa...
Ở các “phố thời trang”, một số cửa hàng nhỏ cố trụ, cầm cự. Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh - Chủ cửa hàng thời trang San San (đường Hai Bà Trưng, Q.1) - cho biết doanh số bán hàng trong năm 2020 sụt giảm hơn 50% so với năm 2019, đến nay vẫn chưa phục hồi. Để cầm cự, chị Linh phải trực tiếp bán hàng để giảm chi phí thuê nhân viên (hơn 10 triệu đồng/tháng) và đầu tư các mẫu mới có thiết kế riêng, thay đổi chất liệu để thu hút khách.
Theo chị Thảo - chuyên doanh thời trang Linen tại trung tâm mua sắm Taka (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.1) - lượng khách giảm sút khiến chị phải đóng cửa bớt gian hàng ở Lucky Plaza, chỉ duy trì gian hàng ở Taka và trực tiếp bán hàng, không thuê nhân viên để giảm tối đa
chi phí.
Các nhãn hiệu thời trang Việt như Elise, Labella, Hữu La La... phải liên tục tung ra những chương trình giảm giá sâu đến 50 - 70% để kéo sức mua lên. Hệ thống cửa hàng Labella cũng đóng cửa bớt các điểm bán ở TTTM Vincom (đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp), cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, Q.1. Hiện, nhãn hàng này chủ yếu bán ở cửa hàng trên đường Pasteur, Q.1.
Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Việt Nam Q & Me, có đến 60% người được hỏi cho biết, đã phải cắt giảm mua sắm các sản phẩm thời trang, làm đẹp, giải trí, ăn ngoài... do thu nhập giảm, công việc bấp bênh. Ông Quách Phong - Giám đốc bộ phận tư vấn, Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos - cho biết, khảo sát của công ty cho thấy, ngành bán lẻ thời trang Việt Nam vẫn còn khó khăn do thu nhập của người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa tăng trở lại sau các đợt dịch và phần lớn chỉ mua những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống mà thôi.
Tình hình bắt đầu sáng sủa hơn
Việc quản lý, kiểm soát nguồn hàng nhái, hàng giả, hàng nhập lậu cần phải được thực hiện thường xuyên, không thể làm kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”. Có như vậy, mới mong bảo vệ được ngành thời trang trong nước. Để có thể thắng ngay tại sân nhà, các doanh nghiệp thời trang Việt phải đi trước về thẩm mỹ, nắm bắt xu hướng thời trang thế giới để cho ra những sản phẩm chất lượng, hợp thời. Đặc biệt, thời trang Việt phải đầu tư thiết kế để cho ra sản phẩm phong phú, đa dạng, liên tục.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang
|
Theo các nhà sản xuất và bán lẻ thời trang trong nước, ngoài khó khăn do dịch COVID-19, nhiều năm trước, ngành hàng này luôn phải chịu sức ép rất lớn từ nguồn hàng thời trang giá rẻ nhập lậu, chủ yếu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã liên tục triệt phá các “tổng kho” hàng nhập lậu này (có điểm, doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi tháng), mở ra cơ hội vươn dậy cho các nhà sản xuất, bán lẻ trong nước.
Sự kiện NTD bức xúc, kêu gọi tẩy chay thương hiệu H&M do H&M chấp nhận bản đồ có hình đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc cũng cho thấy tinh thần dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền của NTD rất cao, hứa hẹn sẽ là lực lượng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt.
|
Thiết kế đẹp, mẫu mã mới, giá cả vừa phải là những yếu tố sẽ giúp thời trang trong nước chinh phục người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Cẩm |
Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM - phân tích dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp ngành dệt may gặp khó khăn trong xuất khẩu, phải xoay qua thị trường nội địa trong khi nhu cầu của NTD Việt Nam không cao. Thu nhập giảm sút, nhiều người mất việc làm khiến NTD không nghĩ tới việc mua sản phẩm thời trang. Nếu có mua quần áo, phần lớn NTD cũng chọn sản phẩm có giá bình dân, hợp túi tiền chứ không mua sản phẩm có giá cao.
“Mấy tháng gần đây, tình hình khả quan hơn. Các cửa hàng của các thương hiệu bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng cũng chỉ ở mức độ cầm cự, chờ xuất khẩu thuận lợi trở lại và người lao động có thu nhập khả quan hơn” - ông Hồng nhìn nhận.
Theo ông Hồng, thời trang Việt có phục hồi, phát triển tốt trở lại hay không, còn tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng đối với hàng thời trang nhập lậu, hàng gian, hàng giả. Mặc dù có nhiều vụ kiểm tra, tạm giữ quần áo nhập lậu, nhái, giả nhưng thị trường vẫn đang còn rất nhiều sản phẩm “trôi nổi” kiểu này.
“Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư bài bản để phát triển thương hiệu thời trang Việt, tập trung vào chất lượng, thiết kế, nhưng để trụ vững, xây dựng được thương hiệu, cần thời gian dài chứ không thể “ăn xổi ở thì”. Để làm được điều này, chủ doanh nghiệp cũng cần phải có đam mê, nhiệt huyết với thời trang Việt Nam. Việt Nam được thế giới biết đến với nhiều di tích lịch sử. Thời trang Việt có thể dựa vào, ăn theo những điểm sáng đó để phát triển, không chỉ chinh phục NTD trong nước mà còn vươn ra thế giới” - ông Hồng khuyến nghị.
Tận dụng mọi cơ hội, dù nhỏ
“Những mẫu thời trang do người Việt thiết kế dư sức chinh phục NTD, hàng Trung Quốc rẻ tiền không có cửa cạnh tranh. So với thời trang ngoại thì hàng Việt Nam có giá mềm hơn, đẹp không kém, NTD dễ lựa chọn” - chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, chủ cửa hàng thời trang San San - chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hồng cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt không nên quá tập trung vào các sản phẩm thời trang cao cấp, giá bán cao mà nên phát triển những sản phẩm thời trang phù hợp với nhu cầu của NTD về mẫu mã, kiểu dáng, giá cả. Ở phân khúc sản phẩm thời trang cao cấp, hàng thời trang Việt có thương hiệu, được đầu tư bài bản về thiết kế, chất lượng vẫn có thể cạnh tranh được do giá cả “mềm” hơn. Thế mạnh của doanh nghiệp Việt là hiểu rõ tâm lý, thị hiếu của NTD trong nước hơn.
Theo ông Hồng, một trong những trở ngại cho ngành thời trang Việt Nam là vẫn còn nhiều NTD có tâm lý sính hàng ngoại dù thực tế, nhiều sản phẩm ngoại có chất lượng, mẫu mã không mấy đặc sắc và người tiêu dùng chọn mua chỉ vì thương hiệu. Điều này đòi hỏi nhà sản xuất trong nước phải đẩy mạnh làm thương hiệu. Nhà nước nên khuyến khích, ủng hộ, đầu tư nhiều hơn cho ngành thời trang Việt Nam bằng việc giảm thuế, tăng cường kiểm soát hàng thời trang nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.
Ông Quách Phong cho rằng, trong giai đoạn này, các đơn vị nên đẩy mạnh việc bán hàng thời trang qua kênh online để giảm bớt chi phí. Phương thức bán hàng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Ông nói: “Trước giờ, thời trang Việt Nam vẫn chưa có sự đột phá, bứt phá mạnh. Các cuộc khảo sát, nghiên cứu trước đây cho thấy, khi chưa có nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới vào Việt Nam thì hàng Trung Quốc áp đảo, chiếm tới 70% thị phần. Thời trang ngoại vừa đầu tư kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu, vừa lồng vào đó câu chuyện, lịch sử phát triển để khơi gợi cảm xúc của NTD. Đây là cách làm hay mà các doanh nghiệp thời trang Việt Nam nên tham khảo. Cơ hội để các doanh nghiệp thời trang Việt cạnh tranh với hàng ngoại chính là ưu thế hiểu rõ tâm lý, thị hiếu của NTD Việt”.
Nguyễn Cẩm