Các NTK, thương hiệu tìm cách kích cầu khách hàng
Dịch bệnh gây ra thiệt hại không nhỏ cho ngành thời trang trong nước, nhiều show diễn bị huỷ, không ít các cửa hàng đóng cửa trong thời gian cách ly xã hội. Nhưng ảnh hưởng lớn nhất là sức mua của người tiêu dùng sụt giảm nghiêm trọng, khiến các NTK, thương hiệu đối diện với không ít áp lực. Trong khi nguồn thu bị giảm, họ vẫn phải gồng gánh để trả tiền mặt bằng cửa hàng, trả lương cho nhân viên...
NTK Đỗ Long cho biết thời gian qua, lượng khách của cửa hàng anh giảm đến 70%. NTK Nguyễn Quảng, ước tính doanh số của thương hiệu Amy giảm đến 80%.
Cùng chung cảnh ngộ, NTK Adrian Anh Tuấn chia sẻ: “Dịch bệnh khiến kinh tế suy giảm, trong khi đó nhu cầu làm đẹp lại không nằm trong nhóm thiết yếu. Sức mua giảm, thương hiệu bị ảnh hưởng là điều bất khả kháng”.
Sau thời gian ngưng trệ, các NTK, thương hiệu thời trang bắt đầu hoạt động trở lại khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, tình hình dịch bệnh bước đầu được kiểm soát. Nhưng thách thức lớn của ngành thời trang là nhu cầu mua sắm vẫn chưa được quan tâm nhiều ở thời điểm này.
|
Dịch bệnh khiến ngành thời trang gặp nhiều khó khăn |
Để vượt khó, các thương hiệu, NTK đã đưa ra nhiều biện pháp để kích thích nhu cầu mua sắm. Phổ biến nhất là việc giảm giá các mặt hàng. NTK Nguyễn Quảng cho biết anh đang xem xét từng nhóm hàng để có mức giảm từ 10-50%, giải quyết những BST đã trình làng và chuẩn bị ra mắt BST mới. NTK Adrian Anh Tuấn đang áp dụng giảm giá và chương trình tri ân khách hàng thân thiết.
Theo NTK Đỗ Long: “Việc giảm giá là điều tất yếu để kéo khách hàng trở lại. Ai cũng mong muốn mặc đẹp, nhưng giờ đây ngoài mẫu mã thì giá thành sẽ là điều họ quan tâm hơn cả”.
Anh cũng cho biết trong thời gian dịch bệnh, thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi. Mua sắm online đã dần được ưa chuộng thay vì việc trực tiếp đến cửa hàng. Vì thế, anh đang đẩy mạnh việc quảng bá trên mạng xã hội.
|
NTK Đỗ Long cho biết anh đẩy mạnh quảng bá trên internet do thói quen mua sắm của người dân thay đổi sau dịch |
Do nhu cầu mua sắm còn hạn chế nên các NTK, thương hiệu chỉ cho ra mắt những BST ứng dụng, với mức giá vừa phải, khoảng vài triệu đồng trở lại. Dòng trang phục cao cấp (thường có giá vài chục triệu đồng) vẫn chưa đươc tính đến việc đẩy mạnh sản xuất. Nhóm mặt hàng này tốn nhiều nhân công, nguyên vật liệu đắt, trong khi đó đầu ra lại khó đảm bảo, trong khi thương hiệu cũng đang phải gồng gánh không ít áp lực về kinh tế.
Theo nhà thiết kế Tom Trandt, trong thời gian qua khách hàng đã có cái nhìn tổng quát, kỹ lưỡng hơn về sản phẩm. Anh cho rằng, giảm giá cũng là phương án tốt để kích thích khách hàng mua sắm, nhưng không bền. “Thay vì giảm giá sản phẩm, tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào chất lượng”, NTK chia sẻ.
Tuy nhiên, theo nhận định của các NTK, sẽ cần thêm một khoảng thời gian nữa để vận hành ổn định. NTK Đỗ Long dự đoán ít nhất 2 tháng nữa mới có thể khôi phục lại như trước. Trong khi đó, NTK Nguyễn Quảng cho rằng khi chưa tìm được vắc xin để giải quyết triệt để dịch bệnh thì sức mua của khách hàng vẫn sẽ không thể trở lại như trước. Anh dự đoán khi kinh tế phục hồi thì thị trường chỉ tăng lại ở mức 80%.
Thời trang thân thiện môi trường giá bình dân: Chuyện vẫn còn khó
Trong thời gian giãn cách xã hội, chất lượng môi trường sống được cải thiện khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của con người bị ngừng trệ. Đây cũng là thời điểm câu chuyện sống xanh được mang ra bàn luận, để cuộc sống con người chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Thời trang cũng không là ngoại lệ. Mùa Thu - Đông năm nay, nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như H&M, Calvin Klein... giới thiệu những mẫu thiết kế thân thiện môi trường như từ chất liệu tái chế, đồ thủ công, chất liệu thiên nhiên.
Tại Việt Nam, tháng 3 vừa qua, NTK Tom Trandt kết hợp với một thương hiệu thời trang ứng dụng cho ra mắt chiếc áo khoác No, thanks! gây chú ý. Chiếc áo khoác được tạo nên từ vải denim vụn trong khâu sản xuất đồ jeans. Thiết kế này có thể được biến tấu thành một chiếc túi thời trang nhờ cấu trúc độc đáo.
|
Chiếc áo khoác làm từ vải denim thừa có thể biến tấu thành túi đeo của NTK Tom Trandt |
Trước đó, khái niệm thời trang bền vững cũng nhiều lần được nhắc đến, đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường. Thống kê cho thấy, ngành thời trang tạo ra 10% khí thải, 20% nước thải công nghiệp. Bên cạnh đó, có đến 87% sản phẩm bị vứt bỏ tạo ra nguồn rác thải khổng lồ, khó phân huỷ.
Nhưng để có một sản phẩm thân thiện môi trường với giá cả bình dân là một thử thách không nhỏ, thậm chí khó thực hiện trong hiện tại.
“Việc sản xuất những chất liệu thân thiện môi trường, thậm chí có khả năng tự phân huỷ tốn nhiều công sức, dây chuyền sản xuất phải hiện đại nên sẽ đẩy giá thành lên cao. Để có trang phục vừa tốt cho môi trường, vừa đáp ứng nhu cầu mặc đẹp nhưng giá cả bình dân vẫn là bài toán đang đi tìm lời giải”, NTK Adrian Anh Tuấn chia sẻ.
Cũng theo anh, hiện tại việc sử dụng vải bằng sợi cotton thiên như linen hay tơ tằm là một giải pháp tương đối tốt. Nhưng giá thành của những chất liệu này vẫn khá đắt, cộng với nhiều khâu sau đó nên giá trang phục thành phẩm tương đối cao.
|
Hiện tại, việc sử dụng chất liệu với thành phần cotton tự nhiên cao, hoặc lụa, linen được xem là giải pháp tối ưu |
Với những loại lụa, vải được sản xuất theo phương thức truyền thống, ít dùng hoá chất hoặc dây chuyền máy móc hiện đại thì giá càng đắt, do tốn nhiều công sức, thời gian. Vì thế, giá trang phục thành phẩm cũng không thể rẻ.
Đồng quan điểm, NTK Nguyễn Quảng cho biết vẫn đang tìm hướng để có được chất liệu tốt, thân thiện môi trường, giá thành ổn hơn để cho ra sản phẩm vừa túi tiền. Nhưng đây vẫn là câu chuyện của thì tương lai.
Hay với NTK Tom Trandt, thương hiệu theo đuổi việc tái chế nguyên liệu thừa, giá sản phẩm cũng khá cao. Do tốn nhiều thời gian để xử lý chất liệu cho ra thành phẩm, một mẫu áo dao động từ hơn 1 triệu đồng đến vài triệu đồng. So với thu nhập trung bình của người Việt Nam, đây không phải là con số nhỏ.
“Mỗi sản phẩm tái chế từ vải thừa đều sẽ trải qua rất nhiều công đoạn. Việc tạo ra một sản phẩm có sự kết hợp từ những loại vải tái chế khác nhau sẽ là một quá trình đầu tư và nghiên cứu kỹ lưỡng. Những sản phẩm này lại xuất hiện rất ít, nên để làm ra một sản phẩm bình dân từ phương thức tái chế là điều khó có thể thực hiện”, NTK Tom Trandt chia sẻ.
Vì những lý do đó, việc tạo sản phẩm thân thiện môi trường ở hiện tại chỉ là sự nỗ lực để tiết chế, chứ chưa thể hướng đến những giải pháp bền vững hoàn toàn.
Trung Sơn