LTS: Việc quảng bá văn hóa được Đảng và Nhà nước xem như “mũi nhọn”, là “sức mạnh mềm” góp phần định vị giá trị, tạo nên thương hiệu quốc gia trước bạn bè quốc tế. Cùng với đó, “Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (được Chính phủ ban hành vào ngày 12/11/2021). Và, nội dung Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 cũng nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Bằng nhiều cách, câu chuyện văn hóa Việt đang được kể với thế giới.
Bài 1: Ẩm thực Việt tìm đường ra biển lớn Bài 2: Dấu ấn quốc tế của múa rối nước, xiếc tre... Bài 3: Điện ảnh nỗ lực vì chiều sâu văn hóa, con người |
Ứng dụng tinh tế và khéo léo
Từ khóa “sculpture” (tạm dịch: điêu khắc) đã khuấy động thời trang Việt trong 2 tháng qua. Sculpture đã xuất hiện đầy kiêu hãnh tại Milan - 1 trong 4 kinh đô thời trang của thế giới. Người đứng sau bộ sưu tập (BST) là nhà thiết kết (NTK) Phan Đăng Hoàng - một tài năng trẻ Việt Nam. Các thiết kế lấy cảm hứng từ Điềm Phùng Thị - người đã có đóng góp lớn cho mỹ thuật Việt Nam và những tác phẩm điêu khắc của bà.
Trong những năm học, hoạt động tại Ý, hình ảnh quê nhà luôn khắc khoải trong Phan Đăng Hoàng. Nghề đan tre nứa truyền thống, những trò chơi dân gian… cũng theo đó vào các BST của anh. Hoàng nói đó là cách tạo nên “DNA thương hiệu”, dễ ghi dấu ấn giữa thị trường thời trang thế giới rộng lớn, mang theo niềm tự hào của một người Việt Nam trong quá trình hội nhập.
|
Nhà thiết kế Hồ Trần Dạ Thảo và bộ sưu tập vừa được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang London năm nay - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chừng chục năm trước, khi nhắc đến thời trang Việt ra quốc tế, người ta thường mặc định là áo dài với hoa sen, đồng lúa, rồng phượng… Nhưng giờ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. 25 thiết kế trong BST Di sản xuyên không gian được NTK Hồ Trần Dạ Thảo giới thiệu tại Tuần lễ thời trang London, sử dụng họa tiết trên gấm bào thế kỷ XVI-XIX. Bên cạnh áo dài là áo yếm, bà ba cách điệu, đầm, váy… làm từ vải sợi sen, tơ tằm, chiffon, đũi - những chất liệu rất gần gũi với đất nước hình chữ S. Trong hậu trường, dàn người mẫu ôm chị, bày tỏ sự thích thú với BST giúp họ đến gần với một nền văn hóa xa xôi. Giới mộ điệu, chuyên môn cũng dành nhiều lời tán thưởng.
Trước đó, ở Tuần lễ thời trang New York 2022, công chúng đã được thưởng lãm hình ảnh đậm đặc chất Á Đông như: hoa sen, chim công, rồng, phượng… xuất hiện trên những mẫu trang phục jeans cá tính, hiện đại của NTK Thế Huy, Hải Long. BST Lúa, Em hoa của Nguyễn Công Trí với hình ảnh áo dài, áo bà ba, cây lúa… cách tân hết sức sinh động tại Tuần lễ thời trang Tokyo cách đây vài năm cũng khiến giới mộ điệu xuýt xoa, tự hào.
Văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, dân tộc đều độc đáo, khác biệt. Vì thế, chúng dễ trở thành điểm nhấn cho các NTK Việt khi bước ra quốc tế. Đặc điểm nổi bật của thời trang là tính xu hướng. Vì thế, khi thời trang Việt ra quốc tế, ngoài bản sắc, văn hóa, còn phải đáp ứng được điều này mới có thể tồn tại. NTK Dạ Thảo cho rằng, không khó để các NTK cập nhật các xu hướng, nhưng phải giữ được nét riêng bằng kỹ thuật ngày một cải tiến.
Tất cả đều phải trải qua thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu công phu. Thế Huy, Hải Long mất nửa năm để thực hiện BST trên. 4 năm là thời gian NTK Dạ Thảo nghiên cứu để đưa các họa tiết gấm bào, di sản của Huế vào BST của mình.
Uyển chuyển theo xu hướng của thế giới
Bên cạnh những NTK chọn khai thác chất liệu truyền thống, vẫn có một nhánh khác đi theo hướng hiện đại, đang được thế giới đón nhận. Điều này phụ thuộc vào phong cách, cá tính thời trang và chiến lược của NTK ở từng thời điểm. Khi hòa vào dòng chảy chung, họ phải đối diện với áp lực cạnh tranh lớn hơn.
|
Bộ sưu tập của nhà thiết kế Trần Hùng vừa được giới thiệu tại Tuần lễ thời trang London gồm 20 thiết kế, mang thông điệp về bình đẳng giới - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tại Tokyo, Công Trí gây ấn tượng với Lúa, Em hoa mang đậm bản sắc Việt, nhưng khi tham gia Tuần lễ thời trang New York, các thiết kế của anh lại mang tính hiện đại, phá cách. Gần đây nhất, NTK Đỗ Mạnh Cường tham gia Tuần lễ thời trang New York với BST lấy cảm hứng từ hình ảnh các fashionista tại đây.
NTK Trần Hùng cũng thường chọn dòng trang phục hiện đại, dạ hội để giới thiệu tại Tuần lễ thời trang London. Nhiều thiết kế của Công Trí, Trần Hùng đã được các ngôi sao thế giới chọn lựa.
Một số NTK khác, tuy chưa có show diễn phạm vi quốc tế nhưng cũng được nhiều ngôi sao thế giới chọn như: Chung Thanh Phong, Lê Thanh Hòa, Đỗ Long, Nguyễn Minh Tuấn, Linh Trà...
Các NTK Việt đang nỗ lực định vị thời trang Việt bằng những sáng tạo đa sắc màu văn hóa. Hướng đi nào cũng có lợi thế, khó khăn riêng, nhưng mọi nỗ lực đều đáng ghi nhận và trân trọng.
Văn hóa bản địa - sự “trở về” tất yếu Văn hóa bản địa không chỉ là xu hướng mà còn là sự “trở về” tất yếu của những người làm thời trang nói riêng và làm sáng tạo nói chung. Lý giải sự trở về này, nhà thiết kế (NTK) Huỳnh Anh Thư cho rằng, sau khi tiếp nhận quá nhiều văn hóa nước ngoài và có phần “bội thực”, người trẻ sẽ đi tìm cảm hứng từ văn hóa Việt Nam. Chỉ mới rời ghế giảng đường nhưng Thư đã nhanh chóng ghi dấu ấn với bộ sưu tập Nét, đồng thời là đồ án tốt nghiệp lấy cảm hứng từ nghệ thuật thư pháp Việt Nam. “Vẻ đẹp truyền thống chính là gốc rễ để người trẻ sáng tạo, dựa trên sự kế thừa và phát huy, tiếp nối và khai phóng mạnh mẽ hơn nữa cho lớp trẻ mai sau” - Thư cho biết. | Những dòng chữ Việt chạy trên sàn catwalk và trên thiết kế của Peter Do tại show diễn của Helmut Lang, Tuần lễ thời trang New York 2023 - Nguồn ảnh: Vogue |
Về phương thức biểu đạt khi thể hiện văn hóa Việt qua thời trang, một số NTK chọn họa tiết từ các vùng miền của đất nước hoặc các họa tiết nổi bật trong lịch sử như mây ngũ sắc, tranh Hàng Trống, hoa sen, tranh Tứ Bình… Trong đó, Thủy Nguyễn, Vũ Ngọc & Son, Vũ Việt Hà, Ngọc Hân, Hulos Prive, Hồ Trần Dạ Thảo... là những gương mặt điển hình. Một số NTK thể hiện qua các chất liệu thuần Việt như lụa, thổ cẩm, tơ tằm, Lãnh Mỹ A… Số khác thể hiện qua cách tân về phom dáng, duy trì kỹ thuật thêu, may truyền thống. Trường hợp này khó hơn và đòi hỏi nhiều dụng công cũng như sự am hiểu sâu sắc của các NTK về kỹ thuật may và văn hóa. 2 gương mặt tiêu biểu nhất phải kể đến là Nguyễn Hoàng Tú và Phan Đăng Hoàng. Bộ sưu tập Thu - Đông 2023 của Nguyễn Hoàng Tú lấy cảm hứng sáng tạo từ hình ảnh Hòn Vọng Phu trong văn chương. Vẫn là chiếc áo 2 tà, vẫn là chiếc khăn mỏ quạ nhưng được Tú cách điệu bằng ngôn ngữ thời trang hiện đại, thể hiện một cái nhìn khác về vẻ đẹp của sự đợi trông và tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ Việt. Sản phẩm của Nguyễn Hoàng Tú được đặt hàng đều đặn, có mặt khắp các thị trường Âu - Mỹ. Phan Đăng Hoàng cũng liên tục gặt hái thành công tại thị trường châu Âu. Trong năm 2024, Hoàng sẽ tham gia Tuần lễ thời trang Milan với tư cách NTK độc lập, có digital show trình chiếu cùng các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Prada, Fendi… Thông qua những hình thức thiết kế khác nhau như thêu, đính kết và cả sơn mài, Hoàng cho biết anh muốn thể hiện sự tự do, phóng khoáng và duy nhất của người phụ nữ. Để có thể cạnh tranh và đứng vững trong thị trường có quá nhiều thương hiệu quốc tế lớn, NTK Nguyễn Hoàng Tú cho rằng, việc tập trung chất xám, hàm lượng sáng tạo cao và bản sắc riêng biệt cực kỳ quan trọng. Nếu không, hoặc sẽ rất khó cạnh tranh về giá, hoặc sẽ bị mất hút trong vô vàn thương hiệu. Do đó, để có thể đi xa, NTK Việt không chỉ cần điểm tựa từ văn hóa bản địa mà còn phải không ngừng trau dồi, cập nhật kiến thức mới. n Tuần đầu tháng 9/2023, cả thế giới như “dậy sóng” khi chứng kiến màn kết hợp của Helmut Lang và Ocean Vuong. Đảm nhận vai trò Giám đốc sáng tạo của Helmut Lang là Peter Do - NTK gốc Việt. Những dòng chữ được viết bằng tiếng Anh và Việt in ở mặt sau chiếc áo sơ mi được cài cúc ngược và ngay cả trên sàn catwalk, vừa gợi nhắc đến tác phẩm sắp đặt của Jenny Holzer ở cửa hàng Helmut Lang đầu tiên, vừa là dấu ấn cá nhân đầy tính đương đại của một người Việt thành danh trên đất Mỹ. Văn hóa Việt được biểu đạt qua sự xuất hiện đầy tự hào của tiếng Việt trên sàn diễn mang tầm cỡ quốc tế. Nhã Ca |
Trung Sơn
Kỳ tới: Âm nhạc bước chân ra “biển lớn”