Thời trang từ vải vụn

15/12/2023 - 12:44

PNO - Một số nhà thiết kế trẻ Việt Nam đã chọn cách thực hiện trang phục từ vải thừa - rác thải của ngành thời trang. Đó là cách làm sáng tạo, nhiều ý nghĩa trong bảo vệ môi trường, được đánh giá cao.

Tại Elle Fashion Show 2023 sắp tới, Ngô Hoàng Kha sẽ giới thiệu bộ sưu tập (BST) mới, với một trong những điểm nhấn là tận dụng vải thừa. Trước anh, nhà thiết kế (NTK) Trần Hùng cũng từng dùng cách này trong một số BST giới thiệu tại Tuần lễ thời trang London. Bộ trang phục anh thực hiện cho người đẹp Hương Ly dự thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 từng khiến công chúng ngỡ ngàng, không tin được may từ những mảnh vải vụn.

NTK gốc Việt (sống ở Hà Lan) Xuân Thu Nguyễn cũng làm trang phục từ các mảnh vải vụn, đồ tái chế trong BST In Alignment giới thiệu ở Tuần lễ thời trang Quốc tế Việt Nam 2023. Tom Trandt - người sáng lập Môi Điên, một thương hiệu thời trang - cũng là một trong những cái tên đồng hành cùng phương thức sản xuất này nhiều năm qua.

Trang phục làm từ vải thừa của nhà thiết kế Ngô Hoàng Kha  - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trang phục làm từ vải thừa của nhà thiết kế Ngô Hoàng Kha - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất thế giới. Việc giảm thiểu tác động của thời trang nhanh, hướng tới thời trang xanh, bền vững được xem là một trong những vấn đề “nóng” của ngành này nhiều năm qua. Việc tận dụng vải thừa để sản xuất thành trang phục mới là một trong những hướng đi.

Theo NTK Trần Hùng, tùy vào thiết kế, kỹ thuật xử lý chất liệu vải, thời gian hoàn thành 1 mẫu trang phục từ 3-5 ngày hoặc có thể hơn 1 tháng. “Thiết kế sử dụng vải vụn, nhưng thành phẩm không được trông như vải vụn nên cần tính toán chi tiết, tỉ mỉ trong khâu lên ý tưởng, thiết kế” - anh nói.

NTK Ngô Hoàng Kha cho biết thêm, nguồn vải thừa được góp nhặt ở nhiều nơi, sau đó sẽ phân loại dựa trên màu sắc, tính chất, độ dày mỏng để kết hợp dễ dàng hơn. Kỹ thuật xử lý thường là thêu, đan móc thủ công, chắp nối… tốn nhiều thời gian, đòi hỏi thợ lành nghề. “Chúng tôi không tốn tiền nguyên liệu, nhưng công sức xử lý lại nhiều. Vì thế, giá trị của thành phẩm thường rất lớn” - anh chia sẻ. 

Trả lời câu hỏi liệu có khả năng phát triển mô hình này hay không, NTK Ngô Hoàng Kha cho biết: “Hướng sản xuất này được gọi là thời trang chậm. Nếu sản xuất quy mô lớn, không còn đảm bảo được yếu tố bền vững. Thời trang chậm chỉ phù hợp với những thương hiệu thời trang nhỏ, độc lập. Tuy nhiên, sức mạnh lớn nhất mà chúng mang lại là việc nâng cao ý thức cho cộng đồng, người tiêu dùng”.

NTK Trần Hùng quan niệm, việc phát triển một thương hiệu tùy vào mục đích, mục tiêu mà họ đặt ra. Những việc này đôi khi cũng phụ thuộc từng thời điểm. Sáng tạo của NTK chỉ là một phần của câu chuyện. Điều quan trọng không kém là ý thức của người tiêu dùng - cái quyết định sức mạnh của thị trường. “Thay đổi thói quen sinh hoạt, tiêu dùng, mua sắm của một thế hệ không thể là 1, 2 năm mà là một quãng thời gian dài. Kết quả này cũng không thể chỉ là sức của 1 người, thương hiệu” - anh nói.

Yếu tố bền vững không dừng lại ở 1 BST hay qua 1 mùa mà phải là phương châm phát triển lâu dài và không thay đổi. Đây là sự cam kết chứ không phải chiêu thức PR theo trào lưu. NTK Trần Hùng cho rằng, cần hiểu đúng mới có định hướng phát triển đúng cho thời trang bền vững. 

Hà Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI