Thời trang sau đại dịch, những đổi thay và cơ hội cho các nhà thiết kế trẻ

11/05/2020 - 08:40

PNO - Thay vì tập trung vào lợi nhuận, các nhà thiết kế mong muốn các thương hiệu hướng sự chú ý đến con người, cộng đồng nhiều hơn, đồng thời phát triển thời trang một cách bền vững nhất.

Celine Semaan: "Thời trang hướng đến cộng đồng"

Celine Semaan, NTK người Canada gốc Lebanon chia sẻ: “Thật không may vì đại dịch xảy đến nhưng nhờ có cú sốc lớn này, các thương hiệu thấy rõ định hướng mà bản thân họ đang xây dựng. Nếu chỉ quan tâm lợi nhuận và tăng trưởng, có thể dễ dàng bị sụp đổ bất cứ lúc nào, khi những tình huống bất ngờ xảy đến”. Nhà thiết kế cũng nhấn mạnh nên đặt thời trang bền vững, thân thiện với môi trường là trung tâm của hệ thống kinh doanh. Điều này có nghĩa là các thiết kế phải tập trung vào con người, vào cộng đồng thay vì chạy theo lợi nhuận như hiện tại.

Celine Semaan cho biết mọi người có thể học hỏi từ các mô hình kinh doanh vững chắc, bài bản mà một số nhãn hiệu đã thành công trước đó như thương hiệu thời trang nữ Eileen Fisher. Eileen Fisher đã hoạt động theo nguyên tắc thời trang chậm, hướng tới tăng trưởng bền vững nên ít chịu thiết hại hơn trong đại dịch so với các công ty khác.

Celine Semaan: Thời trang hướng đến cộng đồng
Celine Semaan hy vọng thời trang hướng đến cộng đồng nhiều hơn trong tương lai.

“Các hệ thống đang phát triển mạnh là những hệ thống được xây dựng trên nền tảng cộng đồng, lòng tốt và ý thức hệ sinh thái”, Celine Semaan khẳng định. Và để đạt được điều này, trước hết các thương hiệu phải tạo dựng được một mô hình sản xuất mà ở đó có sự đoàn kết giữa nhân viên và những người lãnh đạo. Chính sự thấu hiểu, đoàn kết tập thể là cách duy nhất giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, hậu đại dịch.

Orsola de Castro: “Một cơ hội tốt để phá vỡ quyền bá chủ”

Theo Orsola de Castro, đồng sáng lập và giám đốc Fashion Revolution, ngành công nghiệp thời trang đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn. Sau khoảng thời gian hạn chế, nhiều thương hiệu có xu hướng rơi vào tình trạng dư thừa (hàng tồn). “Tôi dự đoán rằng các hoạt động kinh doanh sẽ trở lại như thường lệ và các nhà thiết kế trẻ, mới nổi cần có sự giúp đỡ của chúng tôi” - Orsola de Castro nói.

Orsola de Castro cho rằng đại dịch là một cơ hội tốt để phá vỡ quyền bá chủ của các thương hiệu lớn.
Orsola de Castro cho rằng đại dịch là một cơ hội tốt để phá vỡ quyền bá chủ của các thương hiệu lớn.

Hậu dịch, người dân phần lớn sẽ không vung tiền mua sắm lãng phí, họ sẽ mua ít hơn, tin dùng hàng giá rẻ và chọn lọc các sản phẩm tiêu dùng rất kỹ. Theo đó, khách hàng thường có xu hướng chọn các nhãn hiệu được sản xuất tại địa phương hay các thương hiệu nhỏ. Đây là một cơ hội tốt để phá vỡ quyền bá chủ của các ông lớn dẫn đầu trong xu hướng thời trang nhanh như Zara và H&M.

Rahemur Rahman: “Hai bộ sưu tập một năm là đủ”

Rahemur Rahman, NTK nổi tiếng người Anh gốc Bangladesh, cho biết không chỉ chờ đến dịch COVID-19 bùng phát, trước đó bản thân anh cùng một vài người khác đã mong muốn có những cuộc thảo luận về sự cần thiết của việc phát triển chậm lại và đánh giá chuyên sâu về thời trang. Nhưng hầu hết các nhà sáng tạo cùng các thương hiệu đều không đồng ý.

Tuy nhiên, khi đại dịch xảy đến, lan rộng và phá vỡ nhiều hoạch định của làng mốt thế giới cũng là lúc tất cả mọi người dừng lại, ngay cả tập đoàn lớn như LVMH (Moët Hennessy Louis Vuitton) đã bắt đầu có suy nghĩ: “Thời trang thực sự có ý nghĩa gì trong giai đoạn này?”

“Nhìn nhận khía cạnh khác, đây là thời điểm thích hợp để chúng tôi xác nhận rõ định hướng thời trang trong tương lai. Tôi đã nói chuyện với Patrick McDowell, Bethany Williams và các nhà thiết kế trẻ khác ở London, chúng tôi cho rằng mỗi năm chỉ nên sản xuất 2 bộ sưu tập là đủ, không cần phải nhiều hơn” - Rahemur Rahman nói.

NTK Rahemur Rahman.
Nhà thiết kế Rahemur Rahman.

Anh cũng hy vọng các nhà thiết kế trẻ sẽ có nhiều tiếng nói hơn trong các quyết định liên quan đến ngành công nghiệp thời trang. “COVID-19 thúc đẩy mọi thứ trực tuyến, các nền tảng trực tuyến đang mang đến cho các nhà thiết kế trẻ nhiều khả năng thể hiện suy nghĩ của bản thân hơn”, Rahemur Rahman nhấn mạnh.

Cecilie Thorsmark: “Hy vọng thương hiệu có sự đổi mới toàn diện”

Chúng ta thường nói về sức mạnh của người tiêu dùng để thay đổi ngành công nghiệp thời trang theo chiều hướng tốt hơn và bây giờ thực sự là cơ hội. Trong thời gian giãn cách xã hội, trải qua một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã tàn phá nặng nề kinh tế - xã hội, Cecilie Thorsmark hy vọng các thương hiệu thời trang sẽ có suy nghĩ cho riêng mình về những điều thực sự quan trọng.

Cecilie Thorsmark hy vọng các thương hiệu có sự đổi mới toàn diện.
Cecilie Thorsmark hy vọng các thương hiệu có sự đổi mới toàn diện.

Nhà thiết kế cũng thẳng thắn chia sẻ những thay đổi của bản thân trong 5 tuần giãn cách xã hội ở Đan Mạch. Cô mua một chiếc quần dài, thay vì tập trung kỹ vào chất liệu vải, màu sắc cô lại để ý đến sự thoải mái và dễ chịu. “Tôi hy vọng sẽ có những sự đổi mới toàn diện ở lĩnh vực thời trang. Các thương hiệu có thể thoát khỏi ý nghĩ tự cho mình là trung tâm, biết quan tâm hơn đến hành tinh và con người thay vì lợi nhuận” - Cecilie Thorsmark nhấn mạnh.

Chung Thu Hương (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI