Thời trang nhanh: Mưu cầu cái đẹp và sự tàn phá đang bị phớt lờ

16/05/2020 - 15:00

PNO - Thời trang là ngành công nghiệp làm đẹp cho con người, nhưng nó cũng đang góp phần giết chết dần thiên nhiên bằng chính sự thờ ơ của con người.

Cụm từ fast-fashion hay thời trang nhanh, thời trang mì ăn liền được dùng để chỉ xu hướng thời trang được sản xuất với số lượng lớn liên tục và thay đổi không ngừng, nhằm chạy theo các mốt mới. Xu hướng này đang ngày càng phổ biến vì số đông công chúng rất ưa chuộng việc sở hữu những trang phục model mới nhất. 

Những hãng thời trang nổi tiếng đang đi theo xu hướng này có thể nhắc đến là Zara, H&M, Forever 21... Họ ra mắt sản phẩm mới liên tục với giá thành khá mềm. Nhưng cái giá phải trả về mặt môi trường lại rất lớn. Thời trang là ngành công nghiệp làm đẹp không thể thiếu, nhưng thời trang cũng đang giết chết dần thiên nhiên và con người. 

Zara, H&M, Forever 21- 3 trong số các thương hiệu fast-fashion nổi tiếng
Zara, H&M, Forever 21- 3 trong số các thương hiệu fast-fashion nổi tiếng

Ngành thời trang là một trong những ngành công nghiệp tiêu thụ nước nhiểu nhất thế giới và góp phần không nhỏ trong việc làm ô nhiễm không khí cũng như nguồn nước, từ các quá trình vận chuyển, nhuộm giặt vải...

Để sản xuất một chiếc áo thun bình thường tiêu tốn một lượng nước đủ để một người uống trong hơn 2 năm. Bên cạnh đó là các vấn đề về nhân quyền trong ngành may mặc toàn thế giới, với nhiều cáo buộc có đầy đủ chứng cứ về môi trường làm việc tệ hại, lương rất thấp và thậm chí là sử dụng lao động trẻ em. 

Vì sự theo đuổi không ngừng với những xu hướng thời trang mới nhất, ngày càng nhiều quần áo được làm ra và vứt bỏ trong thời gian rất ngắn, tạo nên nhiều bãi rác thời trang ở nhiều nơi. Nếu từng phản ứng với những vấn đề về ô nhiễm môi trường, liệu mỗi người có cần theo đuổi mù quáng các xu hướng thời trang, nếu như sự lựa chọn ấy đang gây ra những tác động lớn về môi trường và sẽ rất sớm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính chúng ta?

Xây dựng tủ thời trang bền vững, thân thiện với môi trường, đơn giản chỉ với 4 bước:

1. Bài toán 30 lần

Như đã nói quá trình làm ra một sản phẩm thời trang tiêu tốn rất nhiều nước, năng lượng và làm ra nhiều khí thải trong quá trình vận chuyển. Vì thế hãy cân nhắc khi bạn lựa chọn quần áo. Một khi bắt đầu mua sắm, hãy tự hỏi: “Mình có thể mặc được thứ này ít nhất 30 lần không?". Bạn sẽ ngạc nhiên với số lần bạn nhận được câu trả lời là "Không"!

Nên cân nhắc trước khi quyết định mua sắm trang phục
Nên cân nhắc trước khi quyết định mua sắm trang phục

Cố gắng hạn chế mua những thứ bạn biết rõ chỉ có thể mặc trong vài dịp mà chỉ chi tiêu cho những món đồ bạn có thể giữ và mặc trong thời gian dài. Lựa chọn những trang phục có tính linh hoạt, có thể mặc và phối với nhiều cách khác nhau, hơn là một món đồ thời trang đang rất “hot” và sành điệu hiện tại nhưng sẽ sớm lỗi thời.

2. Tìm hiểu về các nhãn hàng

Hiện nay Việt Nam đã xuất hiện nhiều nhãn hàng sản xuất “thời trang chậm và bền” theo châm ngôn thân thiện với môi trường mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội hoặc các công cụ tìm kiếm. Cố bỏ chút thời gian để tìm hiểu về nguồn gốc nguyên liệu của quần áo bạn đang mặc như cách kiểm tra xuất xứ của thức ăn trên bàn mỗi ngày. Điều này không chỉ là cách bạn bảo vệ môi trường, mà còn là cách bảo vệ bản thân khỏi việc mua phải các sản phẩm làm từ nguyên liệu kém chất lượng và nhiều hóa chất. Dần dần bạn sẽ thu thập được  các nhãn hiệu phù hợp.

Nhiều chất lịu của thời trang mất đến 2 thế kỷ đê phân hủy
Nhiều chất liệu của thời trang mất đến 2 thế kỷ để phân hủy

3. Thay đổi thói quen và góc nhìn khi mua sắm của bạn

Bạn đừng nghĩ rằng những thứ thân thiện với môi trường trông thùng thình và xấu xí. Các nhãn hàng thời trang luôn cố gắng cải thiện mẫu mã để cho ra đời các thiết kế độc, lạ và bắt mắt.

Khi mua hàng hãy kiểm tra các yếu tố về độ bền, độ co giãn, độ thấm hút… Đầu tư nhiều hơn vào các sản phẩm phù hợp với thời tiết nơi bạn sống và có khả năng sử dụng qua nhiều mùa khác nhau.

Ví dụ, TP.HCM chỉ hai mùa mưa nắng, đừng tốn quá nhiều vào những món đồ mùa đông mà bạn mãi để dành trong góc tủ. Thử cân nhắc việc mua sắm ở các cửa tiệm đồ second-hand. Các cửa tiệm này đang xuất hiện khá phổ biến và nhiều nơi có quá trình tuyển chọn, khử khuẩn quần áo rất an toàn. Có thể dễ dàng tìm được qua một cú nhấp chuột.

Đừng ngại đầu tư hơn cả về thời gian lẫn tiền bạc để chọn những sản phẩm chất lượng, có thể dùng được lâu dài và đúng theo sở thích.

Trong tủ quần áp có bao nhiêu thứ từ khi mua về  bạn mới chỉ mặc một vài lfan, thậm chí chưa mặc lần nào?
Trong tủ quần áo có bao nhiêu thứ từ khi mua về bạn mới chỉ mặc một vài lần, thậm chí chưa mặc lần nào?

.4. Xử lý tủ đồ 

Dành thời gian xem lại tủ quần áo của bạn và chia chúng thành ba nhóm: đồ mặc thường xuyên; đồ không dùng thường, nhưng chắc chắn sẽ phải sử dụng trong một vài dịp; đồ không thích và không muốn giữ nữa. Kiểm tra tình trạng của chúng.

Học vài cách sửa quần áo đơn giản như vá lỗ rách, sửa đường chỉ, hoặc có thể đem đến cho các thợ may chỉnh sửa lại những thứ bạn muốn để quần áo vừa vặn, gọn gàng hơn. Cũng có thể thử những cách làm mới quần áo đơn giản như cắt, vẽ, cột thắt nút các kiểu khác nhau, hay tìm những ghim cài xinh xắn để làm cho quần áo trông mới mẻ lạ mắt, khiến bạn muốn giữ chúng dài lâu hơn nữa.

Với nhóm đồ bạn không còn thích, đem đến ký gửi ở các tiệm quần áo second-hand, nơi sẽ làm trung gian giúp bạn bán những thứ này. Hoặc đơn giản là đem cho các tổ chức từ thiện, cho những người khác đang cần. Nhớ giặt sạch sẽ trước khi cho, tặng bất kỳ ai! 

Luyện tập thói quen suy nghĩ kỹ hơn khi mua sắm. Điều này giúp bạn tiết kiệm được tiền bạc, mua được sản phẩm chất lượng và góp phần không nhỏ cho môi trường. Thời trang vốn dĩ là thứ được tạo ra để làm bạn trở nên đẹp hơn, được làm ra để chạy theo con người. Vì thể bạn không cần mải miết đuổi theo các xu hướng mà vô tình tiếp tay tàn phá môi trường, làm hại chính bản thân. 

 Những số liệu giật mình của ngành công nghiệp thời trang thế giới 

  • Ngành thời trang sản sinh ra 10% tổng lượng khí thải cac-bon của toàn thể nhân loại và là ngành công nghiệp tiêu thụ nước lớn thứ hai trên thế giới.

  • Thời trang nhanh thải ra không khí khoảng 1.2 tỉ tấn CO2 mỗi năm.

  • Thế giới đang tiêu thụ 80 tỉ sản phẩm quần áo mỗi năm, tăng 400% so với hai thập kỉ trước.

  • Trong quá khứ, chỉ có 2 mùa thời trang chính: Xuân Hạ - Thu Đông, nhưng hiện nay ngành thời trang thế giới đã sản sinh ra 52 mùa mỗi năm với tần suất cập nhật xu hướng gần như mỗi tuần.

  • Gần 7000 lít nước sẽ được sử dụng để làm ra một chiếc quần jean, tương đương với lượng nước một người trung bình sẽ uống trong 5 đến 6 năm 

  • Fast-fashion đang góp phần hủy hoại môi trường sống
    Fast-fashion đang góp phần hủy hoại môi trường sống

     

  • Sản xuất một chiếc áo thun cotton cần 2700 lít nước, tương đương với lượng nước một người trung bình uống trong 900 ngày.

  • Quần áo làm từ polyester có thể mất đến 2 thế kỷ để phân hủy. Khi giặt, những sản phẩm polyester sẽ rơi ra nhiều sợi nhựa mảnh nhỏ, đi theo đường dẫn nước, có thể ra biển, gây ô nhiễm nghiêm trọng, nguy hiểm cho những loài sinh vật biển và ngay cả con người.

  • Các hạt nhựa, mảnh nhựa tí hon (microplastic) chiếm 31% trong tổng số nhựa gây ô nhiễm ở biển và 35% trong số này là các hạt nhựa siêu nhỏ từ các sản phẩm thời trang làm từ vải tổng hợp.

  • Sau dầu mỏ, ngành thời trang được xem là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất trên thế giới bởi Diễn đàn Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

  • Chúng ta sẽ có thể làm giảm sự đào thải khí carbon đến 400% nếu lựa chọn mặc một chiếc áo 50 lần thay vì chỉ 5 lần

  • 93 tỉ mét khối nước (lượng nước này đủ để cho 5 triệu người sử dụng) được sử dụng cho ngành công nghiệp thời trang thế giới mỗi năm, trong khi đó có 750 triệu người đang thiếu nước sạch.

  • Ước tính có hơn một nửa trong tổng số sản phẩm may mặc sẽ bị vứt đi trong cùng năm được sản xuất

  • Quy trình nhuộm vải dùng lượng nước đủ để bơm đầy 2 triệu hồ bơi theo chuẩn Olympic mỗi năm, hóa nhất dùng trong nhuộm vải là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước.

Khánh Vân (tổng hợp)

                                                                         

 

 

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI