Thời trang ngoại ồ ạt vào Việt Nam

12/06/2017 - 06:00

PNO - Không chỉ những thương hiệu đã vào thị trường Việt Nam từ lâu như Gap, Mango, Ralph Lauren, Warehouse, CK, Oasis,… mà gần đây còn có thêm hàng loạt thương hiệu mới như Zara, Old Navy hay H&M.

Ngoại tràn ngập

Thương hiệu thời trang Old Navy chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Trung tâm thương mại Vincom Center, Quận 1, TP.HCM, giới thiệu các sản phẩm chủ đạo từ trang phục và phụ kiện cho nam giới, nữ giới đến trẻ em và em bé.

Thoi trang ngoai o at vao Viet Nam
Hàng loạt thương hiệu ngoại đã có mặt tại Việt Nam.

Bà Jenifer Steichen – Phó Chủ tịch Tập đoàn Gap Inc. - đơn vị sở hữu thương hiệu Old Navy – cho biết thương hiệu này đang tập trung đi sâu vào thị trường Đông Nam Á, là khu vực mà Gap và Banana Republic cũng thuộc Tập đoàn Gap đã phát triển khá thành công từ năm 2007. Thế mạnh của  Old Navy được nhấn mạnh là sản phẩm đa dạng, thời trang dành cho gia đình và cả yếu tố vui nhộn được thể hiện trong thiết kế sản phẩm.

Trước đó, sức hút của thương hiệu Zara đối với người tiêu dùng Việt Nam dường như không còn quá xa lạ khi doanh số bán hàng khủng lồ 5,5 tỉ đồng chỉ trong ngày đầu khai trương cửa hàng vào cuối năm 2016. Đây còn là mức doanh số kỷ lục trên toàn thế giới trong ngày đầu khai trương của tập đoàn thời trang này.

Bắt đầu từ tháng 4 vừa qua, thương hiệu thời trang Zara có nguồn gốc Tây Ban Nha cũng chính thức bán hàng online trên website tiếng Việt. Điều này tạo cơ hội mang hàng Zara đến với người tiêu dùng khắp nơi ở VN nhưng cũng khiến các đối thủ lo lắng.

Ngay khi bước vào đầu tháng 6, H&M – thương hiệu có xuất xứ Thụy Điển đã chính thức thông báo sẽ mở cửa hàng đầu tiên vào mùa thu này tại Trung tâm thương mại Vincom ở TP.HCM. Thậm chí sau Zara, H&M, giới thời trang còn kháo nhau có thể trong tương lai gần, thương hiệu đến từ Nhật Bản là Uniqlo cũng sẽ đặt chân vào Việt Nam và thêm nhiều nhãn hàng may mặc khác.

Thoi trang ngoai o at vao Viet Nam
Thời trang ngoại chiếm hơn 60% thị phần tại Việt Nam, từ hàng trung bình đến cao cấp.

Miếng bánh lớn rơi vào túi nước ngoài

Sự tham gia của hàng loạt thương hiệu thời trang lớn trên thế giới càng khẳng định thêm thị trường tiêu dùng trong nước đang phát triển mạnh.

Theo ước tính, giá trị tiêu dùng hàng dệt may Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 4-5 tỉ USD, tương đương khoảng 91.000 – 115.000 tỉ đồng. Nhưng thực tế có thể còn lớn hơn rất nhiều bởi trên thị trường hàng không rõ xuất xứ, hàng nhái,… cũng được bày bán tràn lan, đặc biệt ở những vùng nông thôn.

Thị trường nội địa được dự báo có mức tăng trưởng đều đặn 15 – 20%/năm, đặc biệt khi tầng lớp trung lưu tại VN đang gia tăng và họ sẵn sàng chi tiền cho thời trang. Theo số liệu điều tra, mức chi tiêu dành cho quần áo của người Việt đứng thứ 3, chỉ sau chi tiêu dành cho thực phẩm và tiền tiết kiệm.

Một con số khác cho thấy đã có khoảng 200 thương hiệu thời trang ngoại đang có mặt tại Việt Nam và chiếm hơn 60% thị phần, từ hàng trung bình đến cao cấp. Ở phân khúc thương hiệu cao cấp thì một số bộ phận người dùng sẵn sàng chi tiêu hàng trăm triệu đồng cho những sản phẩm D&G, CK, Gucci, Ralph Lauren… thì ở phân khúc thấp hơn cũng là các tên tuổi nước ngoài như Karen Millen, Warehouse, Mango, Gap, Topshop, Zara…

Thoi trang ngoai o at vao Viet Nam
Chen chúc mua hàng ngoại khi có đợt giảm giá tại TP.HCM.

Ở phân khúc còn lại cũng không dành hẳn cho các doanh nghiệp trong nước mà bị chia sẻ cho hàng không có nguồn gốc, hàng nhái, hàng nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ngoài ra, thị trường hiện nay còn có hàng loạt cửa hàng mua bán đồ xách tay, hàng thời trang đặt mua online từ các nước. Doanh số của phân khúc hàng xách tay này không có con số thống kê nào nhưng cũng đang gia tăng khá mạnh.

Chị Thu Hồng, nhân viên văn phòng tại Quận 3 cho biết thời gian gần đây, chị thường xuyên canh các đợt giảm giá (sale) mạnh ở nước ngoài để đặt mua trực tiếp quần áo cho cả nhà. Cộng tất cả công người mua (order), phí ship (cân nặng) về tới VN vẫn còn khá rẻ nếu muốn mua hàng hiệu đang bán sẵn ở VN.

Thậm chí có nhiều đợt, những món hàng chị mua về còn rẻ hơn một số thương hiệu trong nước như vào đợt sale cuối tháng 6 và đầu tháng 7 ở nhiều nước Châu Âu hay đợt Black Friday vào cuối tháng 11 của Mỹ.

“Một cái áo đầm Zara ở Tây Ban Nha canh mua sale cuối mùa về tới tay mình chưa tới 400.000 đồng. Hay hàng Mango, H&M ở Đức, Anh,… đều khá rẻ. Hàng đẹp, giá rẻ thì tội gì không mua. Trong khi một áo đầm nữ hàng Việt Nam mà của doanh nghiệp có thương hiệu cũng từ 400.000 đồng trở lên mà chắc chắn kiểu dáng thường không bằng. Những sản phẩm cho trẻ con của Mango, H&M hay Carter, Gym… khi sale còn chưa tới 100.000 đồng/áo thì không phải là giá đắt”, chị Hồng chia sẻ.

Hàng chất lượng, kiểu dáng mẫu mã thay đổi liên tục, giá cả đa dạng từ phân khúc bình dân đến cao cấp của các thương hiệu ngoại đã và đang dần dần thu hút người tiêu dùng Việt Nam là điều dễ hiểu.

Lê Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI