Thời trang lên nền tảng trực tuyến: Đâu chỉ là cơ hội của nhà thiết kế

20/03/2020 - 19:27

PNO - Các dịch vụ trực tuyến như Netflix, Amazon Prime Video và Quibi đã và đang tung ra hàng loạt chương trình truyền hình về thời trang với định hướng đa dạng nội dung truyền phát và kết nối thời trang với trực tuyến.

Xu hướng tương lai

Ban giám khảo của chương trình Next in fashion - Ảnh: Netflix
Ban giám khảo của chương trình Next in fashion - Ảnh: Netflix

Ra mắt cuối tháng Một, Next in fashion được xem là chương trình truyền hình thực tế về thời trang đầu tiên trên Netflix. Dưới sự dẫn dắt của hai nhà thiết kế Alexa Chung và Tan France, 18 thí sinh là các nhà thiết kế mới vào nghề lần lượt thực hiện các thử thách để tạo ra bộ sưu tập phù hợp với xu hướng thời trang thế giới và nổi bật được phong cách cá nhân.

Người chiến thắng cuối cùng sẽ nhận 250.000 USD và có cơ hội ra mắt bộ sưu tập với Net-a-porter - nhà bán lẻ thời trang trực tuyến nổi tiếng của Ý. 

Nền tảng Prime Video của Amazon dự kiến ra mắt chương trình Making the cut vào ngày 27/3 tới. Vượt qua hàng ngàn thí sinh tại vòng loại, 12 nhà thiết kế tài năng sẽ tham gia cạnh tranh tại New York, Paris và Tokyo để giới thiệu và đưa thương hiệu của họ lên một tầm cao mới.

Thí sinh chiến thắng tại đêm chung kết sẽ nhận được 1 triệu USD để đầu tư phát triển thương hiệu, đồng thời có cơ hội xây dựng kênh bán lẻ độc quyền tại trang thương mại điện tử Amazon. Making the cut không chỉ là chương trình về thiết kế thời trang mà còn là quá trình đưa bộ sưu tập của các thí sinh trở thành thương hiệu toàn cầu và gắn liền với tính thương mại. 

Ngoài ra, Quibi - một nền tảng video di động dạng ngắn của Mỹ sẽ ra mắt ngày 6/4 - cũng đang gấp rút hoàn thiện các chương trình về thời trang như Potty talk, Fashion is a brake. Đây là những series dài tập, mỗi tập không quá 10 phút nói về các đêm diễn thời trang, quan điểm thời trang của người nổi tiếng, sự thay đổi của ngành công nghiệp thời trang hoặc các cuộc trò chuyện ngắn với các nhà thiết kế, người mẫu, stylist…

Ban giám khảo của Making the cut  trong một cảnh quay ở Paris
Ban giám khảo của Making the cut trong một cảnh quay ở Paris

Có thể nói, việc sản xuất các chương trình thực tế về thời trang là không mới. Trên thế giới vốn có nhiều chương trình gây được tiếng vang như Next top model, The face, Project runway… Song ở hầu khắp các nước, những chương trình ấy do các đài truyền hình phối hợp với các thương hiệu, các nhà mẫu tổ chức và phát trên sóng truyền hình truyền thống.

Hiện tại, xu hướng của người xem đang dần thay đổi, các dịch vụ trực tuyến chiếm ưu thế và dĩ nhiên, các chương trình tạo được sức hút trước đó cần được triển khai trên các nền tảng này.

Dự kiến thời gian tới lĩnh vực trực tuyến sẽ còn phát triển, vượt mức 167 triệu thuê bao trên Netflix và 150 triệu thuê bao trên Amazon Prime trong hiện tại. Vì vậy, các nền tảng này phải không ngừng đầu tư và phát triển nội dung.

Sản xuất nhiều chương trình về thời trang là cách đáp ứng nhu cầu của bộ phận lớn người xem, vừa góp phần đưa lĩnh vực này hòa cùng xu thế của thời đại trực tuyến.

Thương mại hóa chương trình thực tế

Show trình diễn bộ sưu tập Savage X Fenty của Rihanna phát trên Prime video
Show trình diễn bộ sưu tập Savage X Fenty của Rihanna phát trên Prime video

Đây là điểm khác biệt cơ bản của các chương trình thực tế về thời trang trên sóng truyền hình và trên nền tảng trực tuyến. Với Making the cut, sau mỗi tập phát sóng, các bộ sưu tập chiến thắng sẽ được sản xuất và đưa lên hệ thống bán hàng trực tuyến của Amazon để bán.

Người chiến thắng chung cuộc, bên cạnh các giải thưởng và cơ hội phát triển thương hiệu thì một kênh bán lẻ thời trang độc quyền trên Amazon được xem là phần thưởng lớn nhất. Còn Netflix thông qua quan hệ đối tác với các thương hiệu thời trang lớn như Net-a-porter cũng mang đến cơ hội tìm kiếm thành công thương mại cho các thí sinh của Next in fashion.

Nhà thiết kế, siêu mẫu Heidi Klum - người dẫn dắt của Making the cut - chia sẻ với The Hollywood Reporter: “Sẽ rất tuyệt vời khi bạn vừa xem một chương trình có các nhà thiết kế mà bạn yêu thích, vừa có thể đặt mua các bộ trang phục do chính họ vừa thiết kế xong. Điều này không chỉ đặc biệt với người xem mà còn rất ý nghĩa với những nhà thiết kế như chúng tôi”.

Một cảnh trong chương trình Next in fashion của Netflix - Ảnh: Netflix
Một cảnh trong chương trình Next in fashion của Netflix - Ảnh: Netflix

Theo Alison Bringé - Giám đốc tiếp thị và nghiên cứu phát triển thương hiệu của Công ty Launchmetrics: “Thị trường truyền phát trực tuyến là cơ hội mới cho các thương hiệu thời trang. Thông qua các chương trình thực tế như thế, nhiều nhãn hàng có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư và tạo ra một mạng lưới rộng lớn hơn để tiếp thị sản phẩm ra thế giới”.

Bên cạnh đó, việc các “ông lớn trực tuyến” sản xuất nhiều nội dung liên quan đến thời trang là cơ hội để các nhà thiết kế, người mẫu cũng như những người nổi tiếng trong giới có thể kết nối gần hơn với công chúng.

Nhà thiết kế Alexander Wang - người dẫn chương trình chính của Potty talk trên Quibi - bày tỏ sự vui mừng vì trong bối cảnh các chương trình thời trang truyền thống và tạp chí thời trang đang dần suy giảm, các chương trình như Potty talk là cơ hội để anh tiếp cận với một nhóm đối tượng người xem mới và đưa thiết kế đến gần hơn với các nhãn hiệu cũng như các tín đồ thời trang. 

Hồng Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI