Công nghệ tạo ra vật liệu bền vững
Người tiêu dùng trên toàn cầu, đặc biệt là thế hệ Millennials và gen Z (những người sinh từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2010) ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề nóng lên toàn cầu, bảo vệ môi trường. Nhiều cuộc khảo sát tại châu Âu và Mỹ cho thấy người dùng luôn ưu tiên sử dụng các thương hiệu biết quan tâm đến vấn đề môi trường, từ sản phẩm làm đẹp đến sản phẩm thời trang.
|
Chất liệu bền vững gắn liền với thời trang thông minh |
Điều này tạo nên tác động ngược theo nghĩa tích cực đến các nhà sản xuất, các thương hiệu từ cao cấp đến bình dân (từ Zara, H&M, adidas, Nike… đến Chanel, Louis Vuitton, Burberry…) tạo nên một kỷ nguyên vật liệu mới. Họ buộc phải dịch chuyển theo nhu cầu của người dùng nếu không muốn bị quay lưng.
Hẳn bạn đã không ít lần nghe đến việc sử dụng vải tái chế, các sản phẩm thời trang được làm từ nhựa đại dương cho đến các loại vải tổng hợp được làm từ các loại vỏ cây/trái cây, thực phẩm như nấm hay bắp, tảo biển… Năm 2017, nhà mốt Salvatore Ferragamo hợp tác với Orange Fiber giới thiệu loại vải sợi từ vỏ cam đầu tiên trên thế giới.
Với bộ sưu tập độc đáo của Mario Trimarchi, Salvatore Ferragamo đã mang lại định nghĩa mới cho thời trang bền vững: đẹp và hợp thời, thay vì thô mộc và kém tính đương đại như người ta vẫn hình dung.
AMSilk - nhà cung cấp lụa biopolyme công nghiệp tại Đức - hợp tác với Adidas giới thiệu dòng giày thể thao Futurecraft Biofabric, sử dụng sợi biosteel có khả năng phân hủy 100%.
Trong khi đó, Modern Meadow, một công ty có trụ sở tại New Jersey, đã phát triển một loại nấm men có thể chế biến và tạo ra những tấm da nhân tạo trong phòng thí nghiệm.
|
Dòng giày thể thao Futurecraft Biofabric của Adidas sử dụng sợi biosteel có khả năng phân hủy 100% |
Bolt Threads và EntoGenetics tạo ra loại vải làm từ tơ nhện siêu bền và ngày càng hoàn thiện quy trình sản xuất. Công nghệ AIRism tạo nên chất liệu thoáng mát, đẩy lùi hơi ẩm và công nghệ làm ấm Heattech mang đến cảm giác dễ chịu cho người mặc là niềm tự hào của thương hiệu Uniqlo.
Kỹ thuật in 3D cũng được nâng cấp với sự ra đời của công nghệ ColorFab 3D, được nghiên cứu tại Viện Khoa học máy tính và Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo MIT CSAIL. Công nghệ này cho phép in 3D vật thể bằng “mực quang sắc”, giúp vật thể biến đổi màu sắc khi tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím.
Google không đứng ngoài cuộc đua vật liệu mới khi đầu tư vào dự án Jacquard để tạo ra các loại sợi dẫn điện nhằm tạo nên loại chất liệu cảm ứng có thể thay đổi màu sắc tùy theo tâm trạng, nhiệt độ cơ thể người mặc hay nhiệt độ ngoài trời.
|
Loại vải của công ty LOOMIA có khả năng sưởi ấm, chiếu sáng, cảm biến và… theo dõi dữ liệu |
Hiện tại, vật liệu mới gần như là cuộc đua sống còn của các hãng thời trang. Một mặt, chúng là minh chứng hiệu quả cho cam kết bền vững toàn cầu; mặt khác, chúng tạo nên sự đa dạng chất liệu khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt và người dùng nói không với những chất liệu được cho là bóc lột thiên nhiên hoặc bóc lột sức lao động.
Người Việt có quan tâm đến phát triển bền vững không hay chỉ chạy theo xu hướng? Khảo sát của Statista vào tháng 2/2022 cho thấy một bất ngờ lớn. Người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam có ý thức về môi trường cao nhất so với 25 quốc gia khác trên toàn thế giới. Có đến 72% người mua sắm trực tuyến sống ở Việt Nam cho biết họ thường xuyên hoặc luôn mua các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Điều này lý giải tại sao các hãng thời trang của Việt Nam dù nhỏ vẫn cực kỳ quan tâm đến các loại hình tái chế hay vấn đề giảm hàng tồn kho. Tất nhiên, để ứng dụng công nghệ vào nghiên cứu hay tạo vật liệu mới còn là một khoảng cách khá dài.
Quần áo thông minh
|
Ai lại không muốn một chiếc áo khoác có thể thay đổi từ bóng sang mờ tùy theo dịp hoặc tâm trạng hay một chiếc áo khoác có thể chuyển từ mát sang ấm? |
Đồng hồ đo nhịp tim/huyết áp không còn là chuyện mới nữa. Các loại hình công nghệ này giờ đây đang được ứng dụng vào trang phục, mở ra một thế giới mới của quần áo thông minh. Nếu vải vóc có thể điều chỉnh theo nhiệt độ cơ thể, đổi màu theo tâm trạng người mặc thì quần áo cũng có thể được thiết kế đa chức năng và thích ứng với các loại chuyển động khác nhau.
Quần áo không chỉ che đậy, làm tăng giá trị thẩm mỹ hoặc thể hiện cá tính người mặc mà ở thì tương lai, chúng còn hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và có những điều chỉnh phù hợp với từng loại hoạt động.
Hexoskin đã tung ra chiếc áo thể thao đính kèm thiết bị thông minh chạy bằng pin giúp người mặc theo dõi nhịp tim và nhiệt độ cơ thể. Hãng còn tiên phong cho ra đời loại vớ giúp đếm số bước chân, lượng calo và các dữ liệu cơ thể khác của người dùng.
NADA X giới thiệu quần tập yoga tích hợp cảm biến để điều chỉnh tư thế của người mặc bằng cách rung khi tư thế của họ chưa đúng. Bằng cách đó, biết đâu vai trò của huấn luyện viên sẽ không còn cần thiết.
LOOMIA - công ty dệt tại San Francisco - tạo ra các loại vải dệt có khả năng sưởi ấm, chiếu sáng, cảm biến và… theo dõi dữ liệu.
Tuy nhiên, dẫn đầu trong xu thế quần áo thông minh phải kể đến Fuseprojects với phát minh quần áo năng lượng hỗ trợ người lớn tuổi mắc bệnh loạn dưỡng cơ (MD) có thể đi đứng và vận động lâu hơn. Bộ quần áo thông minh này còn truyền dữ liệu hoạt động của người bệnh đến bác sĩ giúp họ quan sát, theo dõi tình hình và tìm ra phương thức điều trị hiệu quả hơn cho người mặc.
|
Mẫu áo thể thao của thương hiệu Hexoskin đính kèm thiết bị thông minh chạy bằng pin giúp người mặc theo dõi nhịp tim và nhiệt độ cơ thể |
Maxim Gorky từng nói: “Mỗi cuốn sách mở ra trước mắt tôi một chân trời mới”. Ở hiện tại và tương lai, công nghệ đang mở ra rất nhiều cánh cửa cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Thời trang vốn là địa hạt bảo thủ cực độ cũng đã kịp thích ứng để chuyển mình, thậm chí có những cú nhảy vọt sau đại dịch.
Ai có thể tưởng tượng được, trong tương lai, khi người ta không còn cần ra khỏi nhà để thử một chiếc áo, ướm một đôi giày bắt mắt vẫn có thể sở hữu chúng chỉ bằng một cú… liếc mắt (không phải là nhấp chuột)? Ai có thể tưởng tượng một bộ quần áo bên cạnh những chức năng truyền thống còn có thể khoác thêm những chức năng ngỡ như không tưởng?
Thư Hiên