Một thập niên trước, hầu hết các cuộc thảo luận xoanh quanh thảm họa sinh vật biển thường liên quan đến những con rùa bị “trói” trong vòng nhựa đựng lon nước ngọt, những con chim chết vì ăn phải rác thải nhựa trên biển. Tuy nhiên, hiện tại, cụm từ “nhựa đại dương” đã trở thành một thuật ngữ thời trang.
|
Một mẫu giày của thương hiệu Adidas được làm từ lưới đánh cá |
Lưới đánh cá, vỏ chai nước ngọt bước vào thế giới thời trang
Bạn có thể tìm thấy những mảnh chai nước ngọt đã qua sử dụng, lưới đánh cá trong giày thể thao của Sperry, túi xách của Rothy, bikini của Reformation, kính râm của Norton Point, quần legging từ Girlfriend Collective, thậm chí là áo khoác dài (trench coat) của Burberry. Dự kiến, cuối năm 2021, Prada sẽ loại bỏ hoàn toàn chất liệu ni-lông nguyên bản để chuyển sang dùng loại ni-lông tái chế từ lưới đánh cá.
Theo Edited, một công ty chuyên nghiên cứu về bán lẻ ở Mỹ, số lượng sản phẩm chứa thành phần rác thải đại dương hoặc nhựa đại dương đã tăng lên 21% trong năm 2020. Nhựa đại dương gây chú ý nơi người tiêu dùng vào thời điểm lệnh cấm ống hút nhựa trở nên phổ biến tại một số quốc gia trên thế giới.
James Carnes, Phó chủ tịch chiến lược toàn cầu của Adidas, cho biết: “Rác thải đại dương là biểu tượng hoàn hảo để chỉ ra vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu”. Công ty này đã sản xuất hơn 35 triệu đôi giày sử dụng chỉ và sợi có nguồn gốc từ rác thải nhựa ven biển, lưới đánh cá bất hợp pháp giăng dưới biển để tạo ra bộ sưu tập Parley dành tặng tổ chức phi lợi nhuận Oceans.
|
Một mẫu kính mát được làm từ nhựa đại dương |
Một chiến thuật mới để đẩy mạnh doanh số?
Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu môi trường bền vững đặt câu hỏi rằng liệu nhựa từ đại dương, ngoài việc là biểu tượng ô nhiễm toàn cầu, có đang được định nghĩa thành một thuật ngữ khác giúp các thương hiệu đẩy mạnh doanh số chẳng giúp gì nhiều cho môi trường?
Theo Ocean Conservancy, mỗi năm, thế giới có khoảng tám triệu tấn nhựa được thải vào nước, gồm chai lọ, bao bì, lưới, các loại rác… Chúng phải mất hàng triệu năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Trong thời gian đó, loại rác thải này có thể giết chết bất kỳ sinh vật nào ăn phải. Những người chỉ trích ngành công nghiệp thời trang dùng nhựa đại dương lập luận rằng chính sự bùng nổ của quần áo làm từ chất liệu này khiến vấn đề về rác thải nhựa đại dương bị pha loãng và tạo cảm giác ỷ lại nơi người tiêu dùng.
|
Ngay cả những chiếc áo bơi rực rỡ cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn nạn “nhựa đại dương” |
Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế Hoa Kỳ dự đoán sản phẩm làm từ nhựa đại dương tái chế sẽ tăng 40% trong thập niên tới. Mặc dù vậy, ngay cả khi nhựa đại dương có thể thay thế một nửa polyester và ni-lông trong quá trình sản xuất quần áo toàn cầu, đó cũng chỉ là một “vết xước” trên bề mặt vấn đề.
|
Một mẫu túi xách của Prada sử dụng chất liệu ni-lông tái chế từ lưới đánh cá |
Đừng nhầm lẫn “nhựa đại dương” và “nhựa gắn với đại dương”
Trong hầu hết trường hợp, các công ty không thực sự nạo vét nhựa từ đại dương vì chúng thường bị phân hủy quá mức thành các hạt vi nhựa hoặc bị các sinh vật biển làm bẩn khiến khó có thể tái chế thành một loại polymer hữu ích. Khi các thương hiệu đề cập đến cụm từ “nhựa đại dương” là đang nói đến “nhựa gắn liền với đại dương”, một thuật ngữ mô tả bất cứ thứ gì, từ lưới đánh cá trôi dạt trên Thái Bình Dương cho đến chai nước ngọt ai đó vừa uống xong và ném xuống biển.
Trong khi đó, nhựa đại dương là nhựa ở đáy biển, nơi chúng có thể vướng vào san hô và cản trở các vùng biển khác, thậm chí bị chôn vùi dưới lớp trầm tích, khiến việc dọn dẹp trở nên vô cùng khó khăn, đặc biệt là do diện tích phân tán của chúng rất rộng so với xác tàu đắm.
Rất ít chứng nhận từ bên thứ ba để người tiêu dùng có thể phân biệt được những sản phẩm làm từ nhựa đại dương và “gắn liền với đại dương”. Phần lớn, người tiêu dùng chọn tin tưởng vào thương hiệu. Công ty Waste2Wear ra mắt loại vải từ nhựa đại dương có thể truy nguyên nguồn gốc nhờ công nghệ blockchain. Số khác như Nixon, Mara Hoffman cam kết dòng sản phẩm Repreve Our Ocean chỉ sử dụng chai nhựa thu gom trong phạm vi 50km đường thủy/bờ biển ở các nước đang phát triển…
|
Những mẫu túi xách của thương hiệu Rothy là biểu tượng của thời trang bền vững |
Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường và các nhà nghiên cứu tin rằng, rác thải nhựa sẽ được sử dụng nhiều hơn nếu chúng được chuyển vào các ngành công nghiệp có quy mô lớn, ít hào nhoáng hơn và có thể tái chế được nhiều lần như ngành công nghiệp bao bì, và tốt nhất là nên tái chế tại nguồn. Bởi lẽ quần áo, giày dép làm từ rác thải nhựa đại dương cũng thải ra nhiều hạt vi nhựa như các chất tổng hợp khác. Chúng bong ra khỏi vải nhân tạo trong quá trình giặt, đi qua bộ lọc nước thải và cuối cùng đổ ra sông. Ở trạng thái này, chúng sẽ khó làm sạch đồng thời khó thu gom. Nỗ lực tái chế hóa ra lại trở nên tốn kém mà chẳng thể giải quyết vấn đề triệt để.
Thư Hiên (theo WWD)