Các nhà thiết kế và các thương hiệu hàng đầu đã và đang tìm kiếm tác phẩm của chính họ từ những ngày đầu khởi nghiệp như một cách bảo vệ di sản đồng thời phát hành lại những mẫu thiết kế mang tính biểu tượng.
|
Khách hàng của Valentino có thể đến bán hay đổi trang phục cũ, trang phục mùa trước tại các cửa hàng Valentino Vintage |
Betsey Johnson - nhà thiết kế (NTK) người Mỹ nổi tiếng với những thiết kế đậm chất nữ tính - cho biết: “Tôi gần như đang hét lên một cách tuyệt vọng với tất cả những người buôn bán thời trang cổ điển, các nhà sưu tập thời trang cá nhân rằng nếu bạn có bất kỳ thứ gì của tôi, hãy gửi email hoặc nhắn tin cho tôi vì tôi cần nhìn lại 55 năm sự nghiệp của mình. Tôi đã không nghĩ rằng một ngày nào đó chúng có thể quan trọng đến thế đối với mình”.
Công nghiệp lưu trữ hay thú vui sưu tập thời trang hiếm?
Người đại diện của Morphew - một trang điện tử chuyên kinh doanh thời trang cao cấp - cho biết: “Trong vòng 5 đến 7 năm qua, nhiều NTK và thương hiệu hàng đầu tìm mua lại tác phẩm của họ để lưu trữ. Tôi nghĩ vì nhiều người trong số họ đang ở độ tuổi muốn nhìn lại thành quả của mình sau một chặng đường dài”.
Trong vài năm qua, Morphew đã bán chiếc đầm dạ hội Valentino thập niên 1970 tay phồng màu hồng do Gianni Versace thiết kế cho Allegra Versace (cháu gái và là người thừa kế Versace). Vào năm 2019, ông cũng bán chiếc đầm họa tiết hổ Roberto Cavalli nổi tiếng từ mùa thu năm 2000 cho chính Roberto Cavalli.
Không chỉ cá nhân NTK mà các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Dior, Gucci, Versace và Chanel đều dành nhiều thời gian, tiền bạc để xây dựng bộ sưu tập (BST) lưu trữ.
Dior có 1 BST lưu trữ đã có từ năm 1985 gồm đầm, trang sức, giày, nón, mẫu vải và bản phác thảo của chính Christian Dior cùng nhiều tác phẩm từ các giám đốc sáng tạo khác của hãng. Tương tự, Valentino có kho lưu trữ đồ sộ nhưng cũng có chương trình Valentino Vintage cho phép mọi người mang các mẫu thiết kế mùa trước của thương hiệu đến một số cửa hàng để bán hoặc giao dịch trực tuyến.
|
Chiếc đầm họa tiết hổ Roberto Cavalli được giới thiệu trong Tuần lễ thời trang Milan xuân - hè 2022 của nhà thiết kế Fausto Puglisi |
Giá tăng vọt do nhu cầu cao từ người sưu tầm
Đầu năm nay, khi lướt web, NTK Anna Sui tình cờ bắt gặp một chiếc đầm hai dây bằng nhung màu xám viền lông từ BST mùa thu năm 1998 của mình được rao bán trên Poshmark. Ngay lập tức, cô gửi thư đến người đăng bán trang phục này - DMed Casey Jackson, chủ tài khoản Instagram Seek the Finds.
Lá thư như sau: “Xin chào, tôi là Anna Sui. Tôi thấy bạn đã bán chiếc đầm này. Tôi tự hỏi liệu tôi có thể mua nó và thay thế nó bằng một chiếc đầm khác? Chúng tôi không còn mẫu này và nó có ý nghĩa rất lớn đối với tôi nếu tôi có nó trong kho lưu trữ của mình”. Thật may vì vài tháng sau, chiếc đầm này đã xuất hiện trong BST Resort 2023 của Anna Sui.
Anna Sui chia sẻ về cảm xúc khi nhìn lại thiết kế của bản thân: "Cảm giác thật kỳ lạ. Nói thật, sau khi thiết kế và bán chiếc đầm này vào năm 1998, tôi chưa bao giờ có cơ hội nhìn lại nó”. Không chỉ Anna Sui, rất nhiều NTK khác cũng đang bỏ nhiều tiền bạc và thời gian để săn lùng những mẫu thiết kế mang tính biểu tượng trong sự nghiệp của họ. NTK Betsey Johnson cảm thấy hạnh phúc khi những món đồ do mình thiết kế từ những ngày khởi nghiệp được bán với giá từ 85-125 USD hiện đã và đang được chào giá từ 1.500-2.000 USD. “Cao gấp hàng chục lần” - NTK hồ hởi.
Không chỉ các NTK lâu năm mà các NTK mới nổi cũng tìm cách mua trang phục đã bán ra thị trường từ bạn bè, người thân, chợ đồ cũ hay các nhà sưu tập thời trang. NTK Mia Vesper kể: “Tôi đã gửi tin nhắn trực tiếp cho mọi người về những món đồ tốt nhất tôi từng bán rằng bây giờ tôi đã kiếm đủ tiền để mua lại chúng”. Trong 4 năm đầu sự nghiệp, cô đã thiết kế hàng trăm món đồ nhưng chỉ sở hữu khoảng 15 món. Những món còn lại, cô buộc phải bán đi để kiếm tiền trang trải cuộc sống và xây dựng sự nghiệp.
Pfaff - chủ một trang thương mại - cho biết giá của trang phục mang tính biểu tượng ngày càng tăng vọt do việc thiết lập kho lưu trữ của các nhà thời trang ngày càng được quan tâm đầu tư. Nhu cầu càng được thúc đẩy bởi ánh hào quang của thương hiệu và các cuộc triển lãm. “Sau cuộc triển lãm tại Paris của Dior, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi, email hỏi mua các mẫu thiết kế mang tính biểu tượng của thương hiệu này” - bà nói.
Biểu tượng của sự xa xỉ
Những người nổi tiếng đang có xu hướng chọn những món đồ quý hiếm trong tủ đồ của mình hay trong kho lưu trữ của các NTK hàng đầu, các thương hiệu lớn cho các sự kiện lớn.
Tại lễ trao giải Grammy 2019, Cardi B được giới truyền thông đánh giá cao khi diện 3 thiết kế mang tính biểu tượng của thương hiệu Mugler ra đời từ năm 1995-1997. Kể từ đó, cô liên tục chọn thiết kế của thương hiệu này trong các buổi chụp hình, trên Instagram, trong các video âm nhạc… Mỗi lần như vậy, nữ rapper đều nhận được “cơn mưa lời khen” từ truyền thông và người hâm mộ.
|
Chiếc đầm hai dây bằng nhung viền lông từ bộ sưu tập mùa thu năm 1998 của Anna Sui |
Siêu mẫu Bella Hadid cũng là một trong những ngôi sao hạng A lăng xê trào lưu diện lại những trang phục cổ điển. Tại Liên hoan phim Cannes năm nay, khi tham dự buổi chiếu phim The Innocent, Hadid đã chọn chiếc váy được Gianni Versace thiết kế vào năm 1987 cho vở opera Salome. Tối cùng ngày, Hadid mặc chiếc váy Versace đen dài tay từ BST thu 2001 của cùng thương hiệu… Chia sẻ trên Instagram, cô nhấn mạnh: “Cảm ơn bạn vì những chiếc váy tuyệt vời bạn đã cho tôi mượn từ kho lưu trữ của bạn @donatella_versace. Tôi hy vọng sẽ luôn khiến bạn và Gianni tự hào”.
Glenn Martens - Giám đốc sáng tạo của Diesel đồng thời là NTK khách mời cho BST thời trang cao cấp của Jean Paul Gaultier - thừa nhận anh đã mượn họa tiết nghệ thuật thị giác mang tính biểu tượng của thương hiệu này từng xuất hiện trong BST mùa thu năm 1995 vào BST thời trang nam mùa thu năm 2022 của mình.
Giám đốc sáng tạo mới của Roberto Cavalli - Fausto Puglisi - cũng lấy cảm hứng từ kho lưu trữ của thương hiệu. Ông nói: “Những gì cũ kỹ và khó nắm bắt sẽ luôn truyền cảm hứng nhưng vào năm 2023, nó sẽ được nâng lên một tầm cao mới”.
Kate Spade - NTK và sáng lập thương hiệu cùng tên - cũng đang tìm lại các tác phẩm lưu trữ để có thêm cảm hứng sáng tạo. “Nhiều khách hàng đã gửi những mẫu túi xách của 20-30 năm trước để chúng tôi đưa vào kho lưu trữ cũng như để lấy ý tưởng cho các BST trong thời gian tới” - Kristen Naiman - Phó chủ tịch cấp cao tại Kate Spade - cho biết.
Pascal Conte-Jodra - Giám đốc điều hành của Mugler - cho hay: “Mặc dù mỗi thương hiệu có hàng ngàn tác phẩm trong kho lưu trữ của mình nhưng họ vẫn không dừng việc săn lùng các tác phẩm còn thiếu để làm phong phú BST hiện tại như một cách bảo vệ di sản của thương hiệu”.
Murray Blewett - Trưởng phòng lưu trữ tại Vivienne Westwood - giải thích: “Những thiết kế biểu tượng của chúng tôi, đặc biệt là trong thập niên 1970 và 1980, bị biến mất do bản chất thời điểm lịch sử này. Vì thế, mỗi khi cần tham khảo, trưng bày… chúng tôi phải viết thư xin mượn chúng từ các nhà sưu tập tư nhân với các quy tắc đảm bảo an toàn nghiêm ngặt”.
Huỳnh Hằng