Thời trang bền vững - những chiếc áo bận 100 ngày không cần giặt

28/07/2019 - 06:30

PNO - Để dần hạn chế những tác hại không tốt với môi trường từ dệt may - ngành gây ô nhiễm môi trường thứ hai thế giới, các thương hiệu bắt đầu giới thiệu những trang phục từ thiên nhiên hay quần áo không cần giặt.

Phải mất khoảng 2.700 lít nước, tương đương lượng nước một người uống trong 3 năm, để làm ra một chiếc áo thun. Mỗi năm, ngành công nghiệp thời trang xài đến 93 tỷ mét khối nước, số lượng đủ cho 5 triệu người dùng. Nửa tấn hạt vi nhựa tổng hợp có trong sợi vải đã trôi ra đại dương hằng năm, sau quá trình giặt quần áo. Đó là những con số giật mình, khẳng định điều nhiều người đã biết: dệt may là ngành gây ô nhiễm môi trường thứ hai thế giới, chỉ sau dầu mỏ.

Gạt đi nỗi lo giặt giũ?

Pablo Isla - Giám đốc điều hành hãng Zara, trực thuộc Công ty Inditex - vừa tuyên bố về kế hoạch sản xuất xanh của hãng. Đây là hành động cụ thể  nhất của “ông lớn” thời trang này trong việc thực hiện cam kết hạn chế sản xuất gây tác hại đến môi trường. Theo đó, cuối năm nay, danh mục Join Life - những sản phẩm thân thiện với môi trường của Zara - sẽ chiếm 20% tổng lượng hàng cung ứng.

Năm 2020, hãng sẽ không dùng hóa chất độc hại, những sợi vải có nguồn gốc từ rừng già, bao bì nhựa xài một lần và cam kết đến năm 2025 sẽ sử dụng 100% sợi cotton, linen bền vững, 100% sợi polyester tái chế được. Mục tiêu “xanh” còn hướng tới việc các cửa hàng trưng bày sẽ sử dụng những thiết bị điện ít gây ô nhiễm môi trường nhất, đảm bảo nguồn năng lượng tái sử dụng đạt 80% ở các cửa hàng, lắp đặt những thùng tặng đồ cũ tại tất cả điểm bán hàng.

Đưa ra cột mốc thời gian cụ thể cho hành động bảo vệ môi trường cũng là cách làm của thương hiệu thời trang Stella McCartney. Nhà thiết kế Stella McCartney cam kết, đến năm 2020, sẽ loại bỏ hoàn toàn việc dùng nguyên liệu ni-lông truyền thống và đến năm 2025 sẽ không còn dùng polyester.

Hãng sản xuất đồ dùng thể thao lớn thứ hai thế giới của Đức - Adidas đặt mục tiêu đến năm 2024 chỉ sử dụng vải sợi polyester tái chế chứ không dùng sợi polyester thô, dù giá sợi polyester tái chế cao hơn 10-20% so với nguyên liệu thô.

Một cách làm nữa để bảo vệ môi trường mà các hãng thời trang đang theo đuổi là dùng các loại nguyên vật liệu giúp quần áo không cần giặt thường xuyên vẫn sạch. Thương hiệu Pangaia năm ngoái tung ra áo thun len giá 85 USD, dệt bằng sợi rong biển, được xử lý bằng dầu bạc hà để khử mùi, khiến áo luôn thơm tho sạch sẽ giữa hai lần giặt, giúp tiết kiệm khoảng 3.000 lít nước so với những áo thun thông thường khác. Tài tử Jaden Smith - con trai diễn viên Will Smith hay ca sĩ Justin Bieber là fan của dòng áo này.

Tất cả sản phẩm của thương hiệu thời trang Wool & Prince cũng không cần giặt thường xuyên, có thể mặc 100 ngày liên tục. Một nhãn hàng thời trang khác cũng có sản phẩm không cần giặt là Unbound Merino. Bớt giặt giũ, tiết kiệm nước cũng là lời kêu gọi của nhà thiết kế Stella McCartney, giám đốc điều hành thương hiệu quần jeans nổi tiếng Levi's Chip Bergh. Cả hai đều cho rằng, một số loại trang phục không cần giặt, như quần jeans - chỉ cần phủi bụi là đủ.

Thoi trang ben vung - nhung chiec ao ban 100 ngay khong can giat
Áo thun nữ của Unbound Merino có thể mặc cả trăm ngày mà không cần giặt.

Nói dễ làm khó

Cuộc đua hướng đến thời trang sinh thái, thời trang bền vững bắt đầu tăng nhiệt trong thời gian qua, vì không hãng nào có thể nhắm mắt làm ngơ mãi trước việc môi trường ngày càng bị họ làm ô nhiễm, khiến khách hàng bất bình và dần quay lưng. Những sản phẩm thời trang “mì ăn liền” thường dùng 60% vật liệu sợi tổng hợp như ni-lông, polyester và acrylic, vì chúng có tính bền, mềm, nhẹ và rẻ. Rất tiếc, chúng không hề thân thiện với môi trường.

Anh là quốc gia châu Âu tiêu thụ thời trang nhanh nhiều nhất khi có khoảng 300.000 tấn quần áo bị vứt như rác hoặc bị tiêu hủy hằng năm. Theo tính toán của các nhà khoa học, mỗi ký quần áo cũ bị tiêu hủy sẽ thải ra môi trường 3,6kg chất khí gây hiệu ứng nhà kính.

Trước thực trạng trên, đầu năm nay, một nhóm nghị sĩ Anh thuộc nhiều đảng phái đã đề xuất đánh thuế thời trang nhanh, để buộc các nhãn hiệu thời trang và nhà bán lẻ ý thức trách nhiệm về sản phẩm của mình. Tuy nhiên, đề xuất trên đã không được chấp thuận.

Giá rẻ là lợi thế lớn nhất của thời trang nhanh. Chỉ cần bỏ ra 4,99 euro, bằng giá một ly cà phê, khách hàng đã có thể mua được một chiếc quần jeans hoặc áo thun của hãng Pull & Bear và chỉ mất 9,99 euro - tương đương một chiếc bánh pizza - là đã có món đồ tương tự của hãng Zara. Mẫu mã được cập nhật liên tục cũng là thế mạnh của thời trang nhanh. Trung bình, Zara tung ra 500 mẫu mới/tuần, 20.000 mẫu/năm.

Đặc tính của thời trang là luôn thay đổi, nên để hướng tới thời trang bền vững là chuyện khá khó. Cốt lõi vấn đề không nằm ở chỗ nguyên vật liệu làm ra xanh, sạch đến đâu mà nằm ở nhu cầu tiêu thụ. Một khi người dùng vẫn còn xài hoang thì môi trường vẫn bị ảnh hưởng. Giảm lượng quần áo sản xuất mới chính là giải pháp bền vững. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI