Thời trang bền vững có thật sự bền vững?

12/09/2020 - 07:00

PNO - Đây chính là phản đề được rất nhiều tạp chí, các tổ chức nghiên cứu về môi trường đặt ra tại những hội nghị thời trang khi thực tế cho thấy các mặt hàng thời trang dán mác “bền vững” đã tăng lên gấp 5 lần trong suốt hai năm qua, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu McKinsey.

Nhiều rào cản từ chuỗi cung ứng

Như bạn đã biết, thời trang bền vững giờ đây không còn là xu hướng mà đã trở thành lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Theo thống kê từ McKinsey, 16% trong số 6.000 người tiêu dùng ở Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha chọn mua các sản phẩm may mặc thân thiện với môi trường, 21% dự định tái chế quần áo cũ. Trong mùa đại dịch, thời trang bền vững càng được quan tâm. Thay vì chú trọng tính hợp mốt, người tiêu dùng đề cao sự tiện dụng, tính bền chắc của trang phục hơn nhằm tránh lãng phí cũng như dễ phối quần áo. 45% người được khảo sát cho biết họ sẽ dành ưu tiên cho các thương hiệu bền vững ngay khi các cửa hàng mở cửa trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.

Sức ép này buộc các hãng thời trang từ cao cấp đến bình dân buộc phải tập trung hơn vào tính bền vững của sản phẩm. Có rất nhiều phương thức bền vững được các hãng lựa chọn hiện nay như: tận dụng nguyên liệu thừa, tái chế sản phẩm, không tiêu hủy hàng qua mùa, đầu tư nghiên cứu các nguyên vật liệu mới được làm từ cây cỏ trong tự nhiên… 

Việc sản xuất vượt xa nhu cầu của người dùng, dẫn đến thực trạng hàng tồn kho hoặc bị vứt bỏ trở nên khổng lồ
Việc sản xuất vượt xa nhu cầu của người dùng, dẫn đến thực trạng hàng tồn kho hoặc bị vứt bỏ trở nên khổng lồ

Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm nhất của ngành thời trang chính là việc sản xuất vượt xa nhu cầu của người dùng, dẫn đến thực trạng hàng tồn kho hoặc bị vứt bỏ trở nên khổng lồ. Tờ The Guardian cho biết, mỗi năm ngành may mặc sản xuất 150 tỷ mặt hàng thời trang nhưng 87% trong số đó bị vứt bỏ. Điều này cho thấy sự thất bại của ngành thời trang trong việc định hướng sản phẩm và xác định nhu cầu của khách hàng. “Chúng ta phải giải quyết vấn đề hàng tồn kho dư thừa trước khi nghĩ tới phát triển bền vững” - ông John Thorbeck, Chủ tịch Công ty Tư vấn Chainge Capital, chia sẻ với Forbes và nhấn mạnh: “Ngành công nghiệp này hiện đang thiếu tính hiệu quả nghiêm trọng. Việc chuyển trọng tâm từ hàng tồn kho sang phát triển bền vững mà không tìm ra giải pháp cho cả hai thì chỉ là sự giả tạo”.

Theo báo cáo của Ellen MacArthur Foundation năm 2017, các công ty như H&M, Madewell… đã có các chương trình thu hồi, phân loại, đánh giá hàng dệt may trước khi đưa ra quyết định tái sử dụng, tái chế hoặc được xử lý để lấy năng lượng. Nhưng chưa đến 1% nguyên liệu trong số đó được tái chế thành quần áo mới. Thay vào đó, quần áo đã qua sử dụng sẽ được xuất khẩu sang các nước có thu nhập thấp, thường là châu Phi - một vấn đề gây tranh cãi từ bấy lâu nay - hoặc được sử dụng cho các chức năng có giá trị thấp hơn như làm đế cách nhiệt, giẻ lau hoặc… nhồi nệm. Thực tế, việc các thương hiệu tái chế sản phẩm của họ thành quần áo mới thể hiện bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp thời trang, nhưng các rào cản trong chuỗi cung ứng và trong chất liệu trang phục lại là thách thức đáng kể.

Tại Ấn Độ và Uzbekistan, thay vì đến trường, nhiều trẻ em phải dành thời gian làm việc trên cánh đồng và các công xưởng may để giúp đỡ gia đình
Tại Ấn Độ và Uzbekistan, thay vì đến trường, nhiều trẻ em phải dành thời gian làm việc trên cánh đồng và các công xưởng may để giúp đỡ gia đình

Nỗ lực bền vững không thể chỉ của riêng những cá nhân

“Tuy nhiên, cũng có không ít thương hiệu đang cố gắng đảm bảo rằng những mặt hàng bỏ đi nào đó trở lại với họ sẽ được tái chế thành sợi, thay vì cố tình phớt lờ rồi đẩy sang một nơi nào đấy ít người biết” - Leslie Harwell, đối tác quản lý tại Alante Capital, cho biết.

Các thương hiệu đang kiên trì với hình thức này có thể kể đến: Páramo Clothing, Project PlanB, 1083, Girlfriend Collective… Họ đảm bảo các nguyên vật liệu được thu gom từ chai nhựa, vải vụn, quần áo đã qua sử dụng… sẽ được tái chế để tạo ra quần áo, phụ kiện mới, nhằm giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên. Louis Vuitton đã tìm cách cải thiện lượng khí thải carbon của mình bằng cách mời nhà thiết kế có ý thức về môi trường Stella McCartney làm cố vấn. Hãng Adidas tung ra những đôi giày thể thao tái chế. Mỗi năm, H&M cung cấp Bộ sưu tập có ý thức - bên cạnh dòng hàng thời trang nhanh chủ lực…

Các thương hiệu lớn, từ thời trang nhanh đến các nhà sản xuất xa xỉ, muốn trấn an người tiêu dùng rằng họ quan tâm đến môi trường, nhưng sản xuất và phân phối thời trang thực sự “xanh” không phải là điều dễ dàng
Các thương hiệu lớn, từ thời trang nhanh đến các nhà sản xuất xa xỉ, muốn trấn an người tiêu dùng rằng họ quan tâm đến môi trường, nhưng sản xuất và phân phối thời trang thực sự “xanh” không phải là điều dễ dàng

Tuy nhiên, Quang Dinh, nhà sáng lập thương hiệu Girlfriend Collective, nói rằng việc làm này của các hãng còn hướng đến việc khuyến khích hành vi tiêu dùng của khách hàng: “Hãy mua một món đồ khi thấy nó cần thiết vì hầu hết các nỗ lực bền vững chỉ hiệu quả khi mọi người cùng chung tay”.

Mặc dù vậy, đó chỉ là một mắt xích nhỏ trong vòng tuần hoàn của thời trang bền vững, tác động giảm thiểu của chúng lên môi trường vẫn còn vô cùng khiêm tốn. Ở khía cạnh tồi tệ hơn, các chuyên gia môi trường đánh giá, những chương trình tái chế đồ đã qua sử dụng vô hình trung tạo nên hai vấn đề nổi cộm mà nếu không giải quyết triệt để sẽ dễ tạo thành vết hằn khó thay đổi về sau. Thứ nhất, việc tái chế những món đồ đã qua sử dụng, đặc biệt là các vật dụng nhựa, xốp… có thể gây hại đến môi trường nhiều hơn, bởi để xử lý chúng, cần các loại hóa chất chuyên dụng hơn và nếu việc giải phóng dòng chất thải mới này để các quốc gia có cơ sở hạ tầng xử lý chất thải kém vận hành thì coi như phản tác dụng. Thứ hai, nó tạo cho người tiêu dùng tâm lý chủ quan trong việc thoải mái loại bỏ quần áo cũ (với tâm lý: khi ta bỏ ra sẽ có người thu gom và rồi chúng sẽ được tái chế mới ngay thôi!). Điều này không giải quyết triệt để hành vi mua sắm và vứt bỏ có trách nhiệm của người dùng mà tạo nên sự ỷ lại, mua sắm thả ga hơn.

Hơn thế nữa, tính bền vững trong thời trang còn được quan tâm ở chính sách dành cho người lao động, đặc biệt là công nhân ngành dệt may. Do vậy, để có thể bền vững lâu dài, rõ ràng và thật sự, các nhà mốt còn phải ngồi lại, tạo thành một hệ thống liên kết chặt chẽ hơn là những giải pháp tiên phong nhưng manh mún như hiện tại. 

Theo một kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi tổ chức môi trường Greenpeace, hằng năm, trung bình mỗi người Đức mua 60 chiếc quần áo - tính trung bình khoảng 5 món/tháng hoặc 1-2 món/tuần. Đồng thời, đáng ngạc nhiên và đáng sợ là phần lớn món đồ này không bao giờ được mặc (87%, như Viện Nghiên cứu Người tiêu dùng đã nêu). Tổ chức Hòa bình xanh ước tính rằng, hơn một triệu tấn hàng dệt bị loại bỏ mỗi năm. Bên cạnh đó là số lượng quần áo khổng lồ bị vứt vào các thùng rác gia đình…

 

Thư Hiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI