|
Những chuyến đi ra ngoài giúp trẻ trải nghiệm kỹ năng sống (Ảnh minh họa) |
Cổ nhân dạy: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Cho nên việc đào tạo và đánh giá nhằm tuyển chọn hiền tài là một trọng trách được quốc gia giao phó cho những ai chăm lo sự học của đất nước.
Mỗi nền giáo dục có cách đánh giá học sinh khác nhau. Thông thường là dùng điểm số như thang điểm tối đa là 10; 20; 40… Hoặc xếp loại như A-F có thêm dấu cộng hay trừ để phổ xếp hạng rộng hơn. Hoặc đánh giá thẳng là giỏi, khá, trung bình và cuối cùng là không đạt (phải kiểm tra lại hay thi lại).
Ngày xưa, tôi đi học điểm số khác bây giờ. Điểm tuyệt đối 20/20 hiếm khi được nhận. Có chăng là những điểm bài tập Toán, Lý, Hóa. Các môn xã hội nhất là môn Văn không bao giờ có điểm tuyệt đối. Bạn bè hỏi nhau lý do. Có đứa cho rằng không có điểm tối đa vì không thể nào bằng các bậc tôn sư như Khổng Tử, Chu Văn An, Võ Trường Toản…
Đến bây giờ tôi cũng không biết chính xác tại sao, nhưng lúc đó điểm không quan trọng. Điểm chỉ là sự đánh giá của từng thầy/cô cụ thể đối với học sinh mình dạy. Dùng điểm để so sánh hay không chỉ là đối với các bạn cùng lớp hay cùng lắm là những bạn lớp khác nhưng cùng học thầy/cô đó.
Chuyện học sinh nói với nhau thầy/cô này rộng rãi, thầy/cô kia “kẹo” chẳng ảnh hưởng gì mấy đến đường đời của học sinh. Học chung với nhau ai giỏi, ai dở, cả lớp đều biết không cần điểm. Điểm, chỉ quan trọng lúc thi tuyển vào lớp Sáu (rớt thì phải nghỉ học hay đi đóng tiền học bán công hay tư thục). Và đặc biệt quan trọng khi thi lấy bằng tú tài (rớt là không được học cao đẳng, đại học hoặc phải bị bắt đi quân dịch ngay).
Sau ngày giải phóng, điểm số của từng học sinh còn là để đánh giá tập thể học sinh trong lớp, đánh giá giáo viên giảng dạy, đánh giá trường, thậm chí đánh giá ngành giáo dục của địa phương. Các báo cáo có nội dung về giáo dục đều có tỷ lệ học sinh khá, giỏi. Tùy theo từng cấp mà trong báo cáo có xác định tỷ lệ của từng lớp, từng tổ bộ môn, từng trường, từng xã, huyện, tỉnh... Vì vậy, để học sinh được điểm cao không chỉ là trách nhiệm của học sinh mà còn là của tập thể lớp, trách nhiệm của quý thầy/cô, của tổ bộ môn, và của các cấp cao hơn.
Muốn lớp mình có tỷ lệ cao điểm khá, giỏi thì bạn học phải giúp đỡ nhau học bài, làm bài, kể cả trong lúc kiểm tra hay thi học kỳ. Thầy/cô trong tổ bộ môn phải thống nhất nhau ba-rem chấm điểm cụ thể thế nào để học sinh mình đạt điểm cao. Đối với các môn học bài thì giới hạn bài học cho mỗi lần kiểm tra. Đối với các môn có bài tập thì dạy bài khó, kiểm tra/thi bằng đề dễ. Từ đó sự học của lớp, trường, xã, huyện, tỉnh… không vươn lên mới lạ.
Tất nhiên tôi, một người không trong ngành giáo dục, không thể biết hết các phương pháp để có nhiều học sinh điểm cao vời vợi. Nhưng căn cứ vào học bạ để tuyển sinh vào đại học như hiện nay e rằng sẽ có thêm nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học với bằng cử nhân, kỹ sư… đi chạy xe công nghệ hay cất bằng để được nhận vào xí nghiệp làm việc như lao động phổ thông. Chỉ mong sao ngành giáo dục có giải pháp nào tốt hơn để con cháu chúng ta không phí hoài những năm tháng tuổi xuân học hành.
Nguyễn Huỳnh Đạt