Thời tiết trở lạnh, người già dễ nhập viện

17/12/2024 - 06:05

PNO - Thời tiết mưa lạnh những ngày cuối năm đã khiến nhiều người cao tuổi phải nhập viện để điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch. Nếu không được chăm sóc đúng cách và can thiệp kịp thời, bệnh có thể sẽ trở nặng rất nhanh, gây biến chứng nguy hiểm.

Bệnh diễn tiến nặng rất nhanh

Ông P.V.H. - 75 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM - điều trị thường xuyên tại Bệnh viện Thống Nhất các bệnh tim mạch, kèm phổi tắc nghẽn mạn tính. Mới đây, khi đi khám, ông chưa có biểu hiện bất thường về hô hấp, được bác sĩ cho thuốc điều trị tim mạch và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tuy nhiên, 2 ngày sau đó, ông bị ho, sốt, khò khè. Bệnh nhân quay lại khám, hình ảnh chụp phim phổi cho thấy cả 2 phế trường trắng xóa. Xét nghiệm máu cũng thấy bạch cầu tăng cao. Tiên lượng nếu chăm sóc tại nhà sẽ không an toàn nên bác sĩ đã đề nghị ông nhập viện.

Bà N.T.K.X. - 78 tuổi, ngụ quận 10, TPHCM - thì bị bệnh huyết áp và đái tháo đường, đang được kiểm soát tốt. Cách đây 2 ngày, bà được con đưa đến bệnh viện sớm hơn so với lịch tái khám định kỳ hằng tháng do bà bị chóng mặt, nhức đầu, mệt mỏi.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ đã tăng liều thuốc huyết áp cho bà. Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thống Nhất - cho biết, thời tiết lạnh gây co mạch khiến huyết áp có sự dao động, biến thiên. Liều thuốc huyết áp cũ không hiệu quả với bệnh nhân nữa. Nếu không đi khám để điều chỉnh thuốc mà cứ chờ tới lịch tái khám thì bệnh nhân có thể bị các biến chứng do huyết áp không ổn định, thậm chí đột quỵ.

Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ khám cho bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh tim mạch
Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ khám cho bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh tim mạch

Theo thống kê của khoa, kể từ đầu tháng Mười hai, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp như phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm xoang, viêm mũi dị ứng và hen suyễn đã tăng khoảng 20% so với bình thường. Cụ thể, từ mức trung bình 100 bệnh nhân hô hấp/ngày, con số này đã tăng lên 130-150 bệnh nhân/ngày.

Tương tự, số lượng bệnh nhân tai mũi họng cũng tăng từ 220 lên 250 bệnh nhân/ngày. Điều đáng lưu ý là trung bình mỗi ngày có khoảng 5-6 bệnh nhân hô hấp cần phải nhập viện sau khi khám, có trường hợp phải cấp cứu do bệnh nặng. Hiện tại, Khoa Hô hấp của bệnh viện đang quá tải, phải tăng cường thêm giường bệnh.

Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ cho biết thêm, các bệnh nhân cao tuổi có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường tới bệnh viện trong bệnh cảnh sốt, ho, khó thở. Một số trường hợp không có bệnh nền nhưng lúc khởi phát triệu chứng giống như cảm cúm, sau đó chuyển biến thành khò khè và viêm phế quản. Khi kiểm tra, thấy nồng độ ô xy máu giảm, bạch cầu tăng cao nên bác sĩ phải cho bệnh nhân nhập viện điều trị và theo dõi.

Dự kiến đỉnh điểm bệnh vào tuần cuối năm

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Phi Hoàng - Phó trưởng khoa Khám bệnh - thông tin, trong 2 tuần nay, lượng bệnh hô hấp ở người cao tuổi đang tăng từ 30 - 40% so với bình thường. Bệnh nhân vào viện khám trong tình trạng ho, sốt, tăng tiết đàm nhớt, đàm đổi màu; chủ yếu liên quan tới bệnh viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trong đó, 1/3 bệnh nhân tới khám bệnh hô hấp phải nhập viện. Người cao tuổi khi có dấu hiệu bất thường đường hô hấp sẽ chuyển biến phức tạp rất nhanh. Nếu gia đình lơ là, tự mua thuốc về cho bệnh nhân uống sẽ khiến bệnh diễn tiến nghiêm trọng.

Như trường hợp cụ bà N.T.S. - 82 tuổi, ngụ phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TPHCM. Cách đây 3 ngày, sáng ngủ dậy, bà S. húng hắng ho, được con cháu cho uống thuốc cảm, trà gừng để ấm người. Ai ngờ, 2 hôm sau, bà sốt cao, khò khè và thở dốc. Người nhà vội đưa bà vào bệnh viện.

Phim chụp xác định bà bị viêm phổi, bác sĩ khám cũng nghe phổi có tiếng ran. Bác sĩ Nguyễn Phi Hoàng nhấn mạnh, người già miễn dịch suy giảm nên ngay khi thấy triệu chứng bất thường là phải đi khám ngay.

Bác sĩ Trương Quang Anh Vũ cũng khuyến cáo, trong giai đoạn thời tiết trở lạnh như hiện nay, con cháu nên theo dõi và nhắc các cụ già cần mang vớ khi đi ngủ, tránh đi tập thể dục vào sáng sớm, mang khẩu trang khi ra đường, luôn giữ ấm cơ thể.

Nếu trời mưa thì không nên ra ngoài, lỡ dầm mưa rất dễ bị viêm phổi. Bên cạnh đó, thói quen chăm sóc đường hô hấp như súc họng bằng nước muối, tránh uống đồ lạnh là rất cần thiết. Người đang bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, cần tuân thủ phác đồ điều trị, tái khám đúng hẹn, nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm để đi khám kịp thời.

“Dự kiến bệnh hô hấp, tim mạch... ở người cao tuổi còn gia tăng và đỉnh điểm là khoảng thời gian từ lễ Giáng sinh cho tới tết Tây. Mọi người cần đề phòng, trang bị kiến thức để chăm sóc tốt cho ông bà, cha mẹ của mình” - bác sĩ Trương Quang Anh Vũ nói.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI