|
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi bị viêm phổi đang điều trị tại Phòng Cấp cứu, Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 |
Đến bệnh viện đã phải thở máy
Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết: số lượng trẻ em nhập viện do các bệnh hô hấp đang có xu hướng gia tăng. Từ đầu năm đến nay, có 4.693 trẻ bị viêm tiểu phế quản, 8.176 trẻ bị viêm phổi. Tại các bệnh viện có khoa nhi khác ở TPHCM, tình hình cũng tương tự.
Riêng trong khoảng 2 tuần nay, số lượng bệnh nhi tại Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tăng từ 20% đến 25%. Khoa đang điều trị cho khoảng 210 trẻ nhập viện vì viêm phế quản, viêm phổi, hen suyễn… Ngoài ra, số lượng trẻ mắc các bệnh liên quan đường hô hấp khám ngoại trú cũng đang có dấu hiệu tăng. Trong đó, có nhiều trẻ tái đi tái lại, thậm chí có trẻ mắc bệnh hô hấp sau đó chuyển biến qua viêm amidan, viêm tai giữa… Trẻ càng nhỏ càng có diễn tiến nặng nhanh hơn trẻ lớn.
Đang chăm con trai 3 tuổi bị viêm phổi tại Phòng Cấp cứu, Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, chị Phạm Thị Thủy (33 tuổi, ở tỉnh Bình Phước) thở phào khi bác sĩ cho biết sức khỏe con trai chị đã ổn định. Chị cho biết do mưa nhiều ngày, thời tiết chuyển lạnh nên bé bị ho, sổ mũi. Chị ra tiệm thuốc tây mua thuốc cho con uống nhưng bé cứ ho, sốt tái đi tái lại. Đến ngày thứ 5 sau bệnh, bé đang chơi thì mệt, thở gấp, quấy khóc liên tục. Vợ chồng chị đã đưa con đến bệnh viện địa phương khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm phổi, phải nhập viện điều trị.
“Qua trưa hôm sau, bệnh của con tôi diễn tiến nặng, được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Đến nơi, con tôi đã thở hổn hển, mệt mỏi, phải thở máy nhiều ngày” - chị Thúy chia sẻ. Sau 5 ngày điều trị tích cực, hiện tại bé trai đã đỡ bệnh, ho ít, hạ sốt, đã được cai máy thở. Tuy nhiên, bé bị viêm phổi nặng, nên đang được theo dõi sát.
Vừa gọi điện thoại về thông báo cho gia đình, chị Phan Kim Ngọc - mẹ của bé N.T.K.N. (2 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) - vừa dỗ dành cho con ngủ. Chị nhớ lại, ban đầu, bé gái chỉ ho nhẹ vài tiếng nên chị để con ở nhà theo dõi bệnh. Như mọi khi, chị cho bé uống si rô ho dành cho trẻ em, thuốc hạ sốt. Đến ngày thứ ba, thấy con vẫn còn sốt hầm hập, chị định hôm sau sẽ đưa bé đi khám bệnh.
Tuy nhiên, đến chiều tối, con gái chị đột ngột quấy khóc, rồi có biểu hiện khó thở, tím người. Gia đình chị vội vàng đưa con đi bệnh viện gần nhà cấp cứu. Bé được chẩn đoán viêm tiểu phế quản, viêm phổi, bác sĩ tư vấn gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp tục điều trị. Tại đây, bé ho nhiều, người tím tái, thở khó, bỏ ăn. Bác sĩ cho biết bé viêm phổi nặng, biến chứng đường hô hấp, nên cho thở ô xy, điều trị
kháng sinh…
Dự báo trẻ mắc bệnh hô hấp tiếp tục tăng
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 - thông thường, sau khi học sinh nhập học được 2 tuần, bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ sẽ tăng dần. Bên cạnh đó, TPHCM và các tỉnh thành phía Nam đang ở mùa mưa, thời tiết thay đổi thất thường, không khí se lạnh, làm cho trẻ bị nhiễm siêu vi với các dấu hiệu như cảm ho, sổ mũi, sốt. Nặng hơn, trẻ khó thở, suy hô hấp phải thở ô xy, thở máy. Hiện Phòng Cấp cứu của khoa có 20 trẻ mắc hô hấp nặng, thường là trẻ dưới 5 tuổi.
Thời gian tới, số trẻ mắc bệnh hô hấp có thể tiếp tục tăng bởi sau mùa mưa, mùa lạnh lại đang đến. Do đó, phụ huynh không nên xem bệnh liên quan đường hô hấp là bệnh thông thường. Có trẻ bệnh rất nặng, nguy cơ biến chứng cao do bị bỏ qua sự chăm sóc, theo dõi sát giai đoạn đầu.
Nhiều người do quá quen thuộc với bệnh nên dần lơ là, chủ quan, nghĩ rằng chỉ cần uống thuốc thông thường vài ngày trẻ sẽ khỏi bệnh.
Thậm chí, có trường hợp trẻ bị viêm hô hấp đến hơn 7 ngày, đến khi chuyển biến nặng, có dấu hiệu suy hô hấp mới được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Điều này khiến những bé mắc hô hấp “âm thầm” (biểu hiện không quá nặng, diễn tiến bệnh mức độ trung bình nhưng lặp đi lặp lại nhiều ngày) không được thăm khám, điều trị kịp thời, chuyển biến qua viêm tiểu phế quản, viêm phổi nặng.
Vì vậy, nếu trẻ bị sốt, ho kéo dài nhiều ngày, hoặc tiếng ho nặng nề, âm thanh gắt, cao, ho nhiều đàm xanh, nước mũi có màu xanh, ho dai dẳng, thở nhanh, thở co kéo, lõm ngực… phải đưa ngay vào bệnh viện vì bệnh đang xấu đi.
“Khi con em mình mắc bệnh, người lớn cần theo dõi sát, kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện điều trị. Dự báo sắp tới, số lượng trẻ mắc bệnh hô hấp vẫn tiếp tục tăng. Bệnh viện đã chuẩn bị các phương án dự phòng tình huống trẻ nhập viện nhiều” - bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong nói thêm.
Theo hệ thống giám sát ca bệnh viêm hô hấp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, trung bình mỗi tuần thành phố có khoảng 17.000 ca bệnh viêm hô hấp cấp tính, diễn tiến dao động theo mùa. Những tuần có số ca viêm hô hấp thấp nhất trong khoảng thời gian tháng Hai, tháng Ba; tuần có số ca bệnh cao nhất trong khoảng thời gian từ tháng Mười đến tháng Mười hai (hơn 20.000 ca/tuần). 60% tổng số ca bệnh là trẻ em. |
Phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong cho biết, để phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cho trẻ, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường. Tránh đưa trẻ đến nơi đông người, tránh khói thuốc lá, môi trường nhiều bụi bẩn. Cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo uống đủ nước, nghỉ ngơi đúng giờ, ngủ đủ giấc, học tập và vui chơi hợp lý. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần tránh việc thay đổi môi trường từ nóng sang lạnh một cách đột ngột. Nơi bé ngủ, sinh hoạt phải thoáng khí nhưng tránh luồng gió thổi trực tiếp vào đường hô hấp của trẻ. Phụ huynh và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ trong việc chăm sóc trẻ, đặc biệt nếu có trẻ mắc bệnh trên 3 ngày nên cho trẻ ở nhà tránh lây lan cho các trẻ khác. |
Phạm An