Thời tiết thất thường, đề phòng nguy cơ đột quỵ

03/05/2017 - 08:11

PNO - Thời tiết thay đổi, nắng mưa thất thường gây ra những biến động về nhiệt độ môi trường buộc cơ thể phải thích ứng.

Vì thế, những người khả năng thích nghi kém dễ bị ảnh hưởng huyết áp, tim mạch, thân nhiệt, dẫn đến nguy cơ bị đột quỵ. Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng - Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, BV Nhân dân 115 TP.HCM, ai cũng có thể bị đột quỵ nên mọi người cần có ý thức phòng tránh, nhận biết sớm những dấu hiệu để hạn chế hậu quả. Thông thường, vào giai đoạn chuyển mùa, lượng bệnh nhân (BN) bị đột quỵ vào khoa Bệnh lý mạch máu não điều trị lại tăng từ 10-15%.

Thoi tiet that thuong, de phong nguy co dot quy
Các BS Khoa Bệnh lý mạch máu não, BV 115 đang hội chẩn cho một trường hợp đột quỵ - Ảnh: Thanh Huyền

Trẻ cũng… “dính”

Nhiều người vẫn nghĩ, đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi (NCT), nhưng thật ra thì trẻ tuổi vẫn… “dính”. Tại khoa Bệnh lý mạch máu não, chị T.T.K., 41 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM vừa thoát khỏi tay thần chết. Tối 25/4, chị đột ngột bị yếu liệt nửa người trái, phải nhập viện cấp cứu.

Kết quả chụp CT scan cho thấy BN có huyết khối làm tắc một mạch máu trong não. Lập tức chị được phẫu thuật lấy huyết khối ra. Theo BS Thắng, Chị K. đã may mắn đến BV kịp trong bốn tiếng đầu kể từ khi có dấu hiệu yếu liệt. Sau phẫu thuật, BN đã phục hồi tốt, tay và chân bên trái cử động được. 

Không may mắn như chị K., chị N.T.D., 37 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM đã thành người tàn phế chỉ sau một cơn choáng. Chồng chị D. kể: “Vợ tôi không có tiền sử bệnh lý tim mạch, hoàn toàn khỏe mạnh.

Lúc 5g sáng thứ Bảy vừa rồi (21/4), cô ấy than bị choáng, đau vùng thái dương bên trái, sau đó nửa người bên phải không cử động được”. Khi chị D. được đưa tới BV 115 thì đã sáu tiếng kể từ lúc xuất hiện triệu chứng.

BS Thắng nhận định, BN nhập viện quá trễ, não bị tắc động mạch lớn, nửa người bên phải bị liệt khó hồi phục được.

Tai biến tái phát đến… 5 lần

Liên quan đến đột quỵ, NCT chiếm đa số BN tại khoa Bệnh lý mạch máu não. Hiện khoa này đang điều trị cho 160 BN thì đến 80% ở độ tuổi khoảng 60. BS Thắng nhấn mạnh, thời tiết thay đổi đột ngột khiến NCT khó thích nghi.

Đã vậy, NCT còn bị đột quỵ tái phát do tự ý ngưng thuốc. Những BN này, sau khi điều trị tại BV, đa số phải dùng thuốc kháng tiểu cầu liên tục, một số còn được chỉ định dùng thuốc kháng đông máu; nhưng chỉ vừa thấy khỏe lại là tự ý bỏ thuốc không uống nữa.

Cụ thể như ông P.V.S., ngụ Q.6, TP.HCM, bị tai biến, đã nhập viện đến lần thứ năm. BS Thắng bức xúc: “Cứ đi lại được là BN lại bỏ thuốc. Tôi đã nhắc gia đình rất nhiều lần rồi. Ông cụ có tiền sử tim bị rung nhĩ, phải uống thuốc kháng đông, nhưng gia đình không tuân thủ lời dặn của BS”. Cụ S. bị tái phát quá nhiều lần, ½ não đã “chết”, chẳng thể làm gì được nữa.

Đột quỵ là bệnh có thể phòng ngừa bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Mọi người phải luôn giữ huyết áp của mình dưới mức 140/90 bằng cách kiểm tra thường xuyên để điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

Với người lớn tuổi, khả năng thích nghi kém, cần uống nhiều nước, tránh ra đường lúc nắng nóng, ăn nhiều rau xanh và trái cây. Khi thấy người thân bỗng dưng có triệu chứng yếu, liệt nửa người, gia đình phải nhanh chóng đưa vào BV.

Thời gian vàng của một ca tai biến là ba tiếng đầu kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Nếu được xử lý trong khoảng thời gian này, khả năng hồi phục của BN rất cao.

Những trường hợp tai biến bị đưa đến BV quá trễ gần như không can thiệp được gì, chỉ có thể chăm sóc nâng đỡ và điều trị các biến chứng sau đột quỵ. Khi bị đột quỵ, BN phải đối diện với các di chứng như mất chức năng về ngôn ngữ và nhận thức, thậm chí tử vong.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI