Thời tiết thất thường, cẩn trọng huyết áp

20/05/2023 - 06:09

PNO - Khi thời tiết thay đổi đột ngột có thể ảnh hưởng đến huyết áp, chẳng hạn như thời tiết nóng quá, lạnh quá, lúc chuyển mùa hoặc bão.

 

Thời tiết nắng nóng cần đề phòng mất nước có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể
Thời tiết nắng nóng cần đề phòng mất nước có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể

Bên cạnh đó, vi khí hậu của môi trường sống và làm việc như sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ trong phòng và ngoài phòng, ngoài trời cũng là nguyên nhân tác động lớn đến huyết áp. Các mạch máu trong cơ thể phản ứng co lại với những thay đổi đột ngột về độ ẩm, áp suất khí quyển, mây che phủ hoặc gió, từ đó dẫn đến tăng áp lực lên thành mạch, huyết áp tăng. Những thay đổi huyết áp liên quan đến thời tiết này phổ biến hơn ở người từ 65 tuổi trở lên. 

Ngoài ra, việc tăng lượng muối tiêu thụ trong thức ăn cũng như thức uống có cồn, kết hợp với giảm hoạt động thể chất góp phần cùng với các điều kiện thời tiết, vi khí hậu thất thường làm huyết áp tăng cao. Đây là nguyên nhân thầm lặng dẫn đến đột quỵ não, nhồi máu cơ tim… nếu không phát hiện và xử trí kịp thời.

Do vậy, để bảo vệ huyết áp, hạn chế các biến chứng tim mạch khi thời tiết thất thường, cần chú ý:

- Hạn chế ra ngoài trời lúc trưa nắng nóng, uống bù đủ nước điện giải. Bật nhiệt độ điều hòa vừa phải, khoảng 26-27 độ C; hạn chế hạ quá thấp nhiệt độ, gây chênh lệch cao giữa nhiệt độ trong và ngoài phòng cũng là nguyên nhân gây huyết áp tăng cao. Chú ý khi nhiệt độ trong phòng tắm thì nóng và nhiệt độ ngoài phòng thì lạnh có thể dẫn đến đột tử. Khi trời lạnh, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, hạn chế ra ngoài. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. 

- Nên ăn nhạt, lượng muối khuyến cáo là dưới 5g muối/ngày (khoảng 1 muỗng cà phê) với người trưởng thành; hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo giàu cholesterol, dưa muối, thực phẩm chế biến sẵn. Không uống rượu bia, không hút thuốc lá.

- Duy trì chế độ tập luyện thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe là rất quan trọng đối với mạch máu và huyết áp, giúp nâng cao khả năng chống chọi khi gặp thời tiết thất thường, ổn định huyết áp. Chú ý không tập luyện thể dục ở thời điểm quá sớm trong ngày vì cơ thể thường đáp ứng kém với sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài, các mạch máu kém đàn hồi hơn và khí huyết lưu thông kém hơn sau một đêm nằm ngủ.

- Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần tuân thủ việc khám, điều trị và chú ý theo dõi chỉ số huyết áp khi thay đổi thời tiết. 

Một số loại thảo dược và các công thức thảo dược như: trà hạ áp (rễ nhàu, thục địa, hòe hoa, ngưu tất, mã đề, trạch tả, toan táo nhân), bài thuốc dân gian gồm địa long, đậu xanh, đậu đen, rau ngót, gừng… với các thành phần hoạt chất có tác dụng hạ áp, chống huyết khối, bảo vệ thành mạch.

Tuy nhiên, không nên tự ý ngưng hẳn thuốc hóa dược hạ áp đang dùng để sử dụng thuốc thảo dược mà cần có sự thăm khám của thầy thuốc y học cổ truyền để đánh giá các yếu tố hàn nhiệt, hư thực… cũng như nguy cơ tim mạch để có liều lượng kết hợp đông - tây y phù hợp.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Đàn 
 Phó trưởng khoa Y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI