Thời tiết khắc nghiệt sẽ ảnh hưởng đến 70% dân số thế giới

17/09/2024 - 06:00

PNO - Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Geoscience dự đoán gần 3/4 dân số toàn cầu sẽ phải đối mặt với những thay đổi thời tiết khắc nghiệt trong vòng 2 thập kỷ tới.

Đám cháy rừng bùng phát dọc theo xa lộ Ortega ở dãy núi Santa Ana, California, Mỹ vào ngày 9/10 - Ảnh: Wally Skalij/Los Angeles Times
Đám cháy rừng bùng phát dọc theo xa lộ Ortega ở dãy núi Santa Ana, bang California, Mỹ vào ngày 10/9 - Ảnh: Wally Skalij/Los Angeles Times

Nhà khoa học khí hậu Carley Iles của Trung tâm Nghiên cứu khí hậu quốc tế (CICERO) và các đồng nghiệp đã mô hình hóa và phát hiện ra rằng nếu con người tiếp tục gây tác động xấu đến môi trường như hiện tại, những thay đổi nguy hiểm sẽ ảnh hưởng đến 70% dân số thế giới.

Mô hình của họ cũng cho thấy rằng phần lớn những gì sắp xảy ra dường như là điều khó tránh khõi.

Dữ liệu từ dịch vụ khí hậu Copernicus của Châu Âu cho thấy Trái Đất vừa trải qua mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận ở Bắc Bán Cầu. Kỷ lục trước đó là vào năm 2023. Nam Bán Cầu cũng đang trải qua một mùa đông ấm áp kỷ lục.

Nhiệt độ toàn cầu tăng lên kéo theo các vụ cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán gây tử vong, tàn phá mùa màng và dẫn đến nạn đói ngày càng lan rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại bệnh lây lan nhanh hơn.

Mô hình của Iles và nhóm nghiên cứu cho thấy những thay đổi thời tiết khắc nghiệt hơn sẽ xảy ra thậm chí còn nhanh hơn những gì chúng ta đã thấy cho đến nay. Điều này làm tăng khả năng xảy ra các hiện tượng cực đoan nguy hiểm hơn về nhiệt độ, mưa và gió. Chúng có thể xảy ra liên tiếp hoặc đồng thời.

Ví dụ, sự gia tăng của dông sét kết hợp với điều kiện khô hạn hơn đang tạo ra các vụ cháy rừng thường xuyên và dữ dội hơn trên khắp thế giới. Vào năm 2022, một đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Pakistan được tiếp nối bởi lũ lụt chưa từng có, ảnh hưởng đến hàng triệu người.

Nhóm nghiên cứu giải thích: "Xã hội dường như đặc biệt dễ bị tổn thương trước tốc độ thay đổi cực đoan cao, đặc biệt là khi nhiều mối nguy hiểm gia tăng cùng một lúc.

Sóng nhiệt có thể gây ra tình trạng căng thẳng do nhiệt và tử vong quá mức ở cả người và vật nuôi, gây căng thẳng cho hệ sinh thái, giảm năng suất nông nghiệp, khó khăn trong việc làm mát các nhà máy điện và gián đoạn giao thông.

Tương tự, lượng mưa cực đoan có thể dẫn đến lũ lụt và thiệt hại cho các khu định cư, cơ sở hạ tầng, cây trồng và hệ sinh thái, gia tăng xói mòn và giảm chất lượng nước".

Theo tình hình phát thải cao hiện tại, vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới nói riêng, nơi mà hầu hết con người sinh sống, sẽ phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt nhất.

Với việc cắt giảm mạnh lượng khí thải, thế giới có thể giảm một số tác động tiêu cực, nhưng điều này phải đi cùng việc giải quyết các vấn đề cấp bách hơn ở một số khu vực.

Một cảnh sát điều khiển giao thông bên cạnh một cái cây bị gió mạnh quật ngã khi cơn bão Bebinca quét qua Thượng Hải, ngày 16 tháng 9 năm 2024. Hector Retamal/AFP qua VCG
Một cảnh sát điều khiển giao thông bên cạnh thân cây bị gió mạnh quật ngã khi cơn bão Bebinca quét qua Thượng Hải, Trung Quốc vào sáng ngày 16/9 - Ảnh: Hector Retamal/AFP

Linh La (theo Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI