Thời tiết khắc nghiệt đe dọa nước xuất khẩu điện hàng đầu thế giới

28/11/2024 - 06:55

PNO - Sản lượng thủy điện ở Canada đang giảm mạnh do thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu, đặc biệt là những thay đổi đột ngột giữa hạn hán và lũ lụt, đe dọa đến kết cấu của các con đập.

Đập Daniel-Johnson ở Manicouagan, Quebec, nơi các kỹ sư cho biết họ bắt đầu cảm nhận được tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất
Đập Daniel-Johnson ở Manicouagan, tỉnh Quebec, hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu khi ghi nhận mực nước trong đập khá thấp - Ảnh: AFP

Theo thống kê của chính phủ Canada, quốc gia dẫn đầu thế giới về thủy điện, nước này đã buộc phải cắt giảm xuất khẩu điện sang Mỹ, vốn đã đạt mức thấp nhất trong 14 năm qua.

Trong 3 tháng liên tiếp vào đầu năm nay, Canada thậm chí còn phải nhập khẩu năng lượng từ Mỹ, lần đầu tiên sau 8 năm.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết năm 2023 đánh dấu sự sụt giảm kỷ lục trong sản lượng thủy điện toàn cầu. Bên cạnh Canada, các nhà sản xuất lớn khác như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng. IEA cho rằng sự sụt giảm này do tác động từ hạn hán nghiêm trọng và kéo dài, ở các khu vực sản xuất chính.

Tại Canada, hạn hán đã ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh sản xuất điện chính ở British Columbia, Manitoba và Quebec.

Kỹ sư Pierre-Marc Rondeau của công ty Hydro-Quebec cho biết, mực nước thấp kỷ lục đã được ghi nhận tại một số hồ chứa.

Hydro-Quebec cũng đã phải cắt giảm xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước trong năm 2023 và năm 2024. Đây được xem là một thất bại của công ty này, khi họ đã đầu tư vốn lớn vào việc lắp đặt các đường dây truyền tải điện mới và ký hợp đồng dài hạn cung cấp điện với khách hàng ở New York và Massachusetts, nhưng không thể thực hiện được vì thiếu điện.

Reza Najafi, giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học Western, cho biết tác động kết hợp của hạn hán khắc nghiệt và lũ lụt nghiêm trọng đang "làm tăng theo cấp số nhân" những thách thức mà ngành thủy điện phải đối mặt.

Ông cho biết các chuyên gia đã phát hiện ra một số lỗ hổng nghiêm trọng trong cả khâu thiết kế và quản lý quy hoạch đập và đê. Đồng thời nhấn mạnh hiện 50% số đập của Canada đã hơn 50 năm tuổi và không được thiết kế để ứng phó với những thay đổi khắc nghiệt của thời tiết.

Thu Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI