Thời tiết khắc nghiệt đẩy giá rau củ quả lên cao

15/05/2024 - 07:40

PNO - Nắng nóng kéo dài, mặn xâm nhập khiến rau gia vị chết héo, rau ăn lá và cây ăn trái giảm năng suất. Sự sụt giảm sản lượng, gia tăng chi phí canh tác đã đẩy giá nông sản lên cao.

Chi phí trồng tăng, sản lượng giảm

Ông Võ Văn Khanh - Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản Global Tuấn Khanh (tỉnh Long An) - cho biết, trước đây, chủ trang trại thắp đèn thâu đêm là thanh long ra hoa, đậu trái. Nhưng hiện nay, nắng nóng kéo dài nên cách làm này không còn tác dụng nữa. Các năm trước, mỗi lứa, công ty thu 14-15 tấn/ha, nay chỉ được 1 tấn và cũng chỉ 50% trái đạt chuẩn xuất khẩu.

Theo ông, trong khi sản lượng sụt giảm thì phía Trung Quốc tăng cường thu mua để chế biến nước giải khát nên giá thanh long tăng cao. Giá thanh long xuất khẩu đang là 31.000-32.000 đồng/kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 21.000 đồng/kg. Giá thanh long bán trên thị trường nội địa trước đây chỉ 2.000-3.000 đồng/kg, nay tăng lên 14.000-15.000 đồng/kg.

Do nắng nóng kéo dài, giá nhiều loại rau, củ, quả tăng khá cao - Ảnh chụp tại chợ Bà Hoa, quận Tân Bình, TPHCM
Do nắng nóng kéo dài, giá nhiều loại rau, củ, quả tăng khá cao - Ảnh chụp tại chợ Bà Hoa, quận Tân Bình, TPHCM

Ông Lê Văn Giấy - Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Mười Hai (tỉnh Long An) - thông tin: cả huyện Cần Đước chỉ có 3-4 xã chủ động được nguồn nước tưới nên vẫn trồng rau. Tuy nhiên do nắng nóng kéo dài nên một số loài rau gia vị như húng lủi, tía tô, ngò rí, hành lá chết khá nhiều khiến lượng rau thu hoạch chỉ đạt khoảng 50%, đẩy giá rau tăng gần 50% so với cùng thời điểm này năm trước. Giá cải ngọt, cải bẹ xanh cũng tăng 2.000-3.000 đồng/kg, lên mức 13.000-18.000 đồng/kg.

Ông cho hay, khi nắng nóng kéo dài, công chăm sóc, chi phí vật tư tăng nhưng sản lượng thu hoạch giảm, trong khi sức mua vẫn thấp hơn 20 - 30% so với trước khi có dịch COVID-19 nên dù giá rau tăng, nông dân vẫn không có lời. Do vậy, diện tích gieo trồng đã giảm hơn 1/3. Ông dự báo, nếu thời tiết này còn kéo dài thì giá rau vẫn tiếp tục tăng do nguồn cung khan hiếm.

Ông Hoàng Thanh Hải - Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Hải Nông (TPHCM) - cho biết, TPHCM không thiếu nước tưới nhưng do nắng nóng kéo dài, rau sinh trưởng kém khiến giá thành nhiều loại rau tăng khoảng 30 - 50%. Khi thời tiết thuận lợi, 1 liếp rau 30m2 cho thu hoạch 50kg, giờ thì chỉ thu được 30kg. Giá rau ăn lá thu mua tại vườn từ 10.000 đồng/kg tăng lên 15.000 đồng/kg, giá bầu, bí, dưa leo cũng tăng khoảng 30 - 40%. Do đó, thương lái tăng cường nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc để bù đắp nguồn cung.

Lượng hàng về chợ giảm, giá tăng sốc

Ông Lê Phúc Hậu - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Hóc Môn - thông tin: do nắng nóng kéo dài, lượng rau, củ từ các tỉnh về chợ giảm nhưng giá tăng, có loại tăng giá gấp đôi, gấp ba so với dịp tết Giáp Thìn 2024. Chẳng hạn, giá cải bó xôi Đà Lạt tăng từ 12.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, củ su hào tăng từ 4.000 đồng/kg lên 8.000 đồng/kg, xà lách búp tăng từ 10.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg, xà lách xoong tăng từ 25.000 đồng/bịch lên 60.000 đồng/bịch, cà chua tăng từ 7.000 đồng/kg lên 30.000 đồng/kg, rau tần ô tăng từ 8.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg.

Cũng theo ông Lê Phúc Hậu, giá rau, củ từ tỉnh Tây Ninh, từ huyện Củ Chi (TPHCM) về chợ này cũng tăng: bầu tăng từ 3.000 đồng/kg lên 10.000 đồng/kg, khổ qua tăng từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg; giá cà tím tăng 70%, giá dưa leo, bí đao, đậu bắp tăng 30 - 40%. Giá rau quế, rau om, rau má từ tỉnh Tiền Giang về chợ tăng hơn 50%. Giá chuối, mãng cầu, nhãn, sầu riêng tăng từ 20 - 30% so với lúc tết.

Theo ghi nhận của chúng tôi, do giá rau tăng cao, chất lượng rau xấu, bị héo nhiều trong khi sức mua chưa hồi phục nên tiểu thương các chợ truyền thống ở TPHCM hạn chế nhập rau về bán.

Cần dự báo thị trường

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre - cho biết, hằng năm, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn thường xảy ra từ tháng Ba đến tháng Năm. Do đã từng bị thiệt hại nặng nề từ các mùa vụ trước nên năm nay, nông dân trồng rau ít hơn. Chính quyền địa phương đã chuẩn bị các phương án để ứng phó như tổ chức tập huấn về chọn giống phù hợp, thời điểm xuống giống, vận động nông dân chủ động nạo vét kênh mương để tăng dự trữ nước ngọt.

Đại diện Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh Long An (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cho biết thêm, tỉnh có 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc chuyên trồng rau ăn lá. Do huyện Cần Giuộc có hệ thống giếng khoan nên diện tích trồng và sản lượng thu hoạch năm nay chỉ giảm khoảng 20%. Riêng huyện Cần Đước bị giảm diện tích trồng và sản lượng từ 70 - 80% do vừa bị hạn, vừa bị nhiễm mặn. Các loại trái cây như thanh long cũng cho sản lượng thấp, giá tăng nhưng chất lượng trái phần lớn không đạt chuẩn xuất khẩu.

Theo ông Hoàng Thanh Hải, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, thị trường cũng ngày càng khó đoán. Do đó, các ngành nông nghiệp, công thương cần thường xuyên cung cấp thông tin dự báo về thị trường, giá cả hàng hóa cho nông dân; hướng dẫn nông dân chuyển sang trồng những loài cây, rau ít chịu ảnh hưởng của thời tiết chứ không trồng theo phong trào; điều phối, tư vấn để nông dân vừa được mùa, vừa được giá. Nắng nóng kéo dài khiến lượng nước dự trữ trong ao hồ, kênh mương rút nhanh hơn so với dự tính, tình trạng nhiễm mặn nghiêm trọng nên chính quyền địa phương cần hỗ trợ kinh phí nạo vét kênh mương sâu hơn để tăng lượng nước ngọt dự trữ bởi nông dân không đủ khả năng tài chính để tự làm.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI