Thời tiết dị thường - cách hạn chế đau thương

06/04/2022 - 06:27

PNO - Nhiều chuyên gia khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống theo dõi các yếu tố khí tượng và hệ thống cảnh báo sớm.

 

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp cả về tần suất và mức độ ảnh hưởng - Ảnh: TTXVN
Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp cả về tần suất và mức độ ảnh hưởng - Ảnh: TTXVN

Nhiều năm trước, khi những cơn gió lạnh cuối đợt rét mùa xuân bùng trở lại vào cuối tháng Ba dương lịch, các tỉnh ven biển Bắc Trung bộ xuất hiện những trận mưa cuối xuân. Lượng mưa thường không lớn, chỉ vừa đủ cho người nông dân có nước để chuẩn bị đất cho vụ mùa mới - vụ hè thu. 

Thế nhưng, những ngày cuối tháng Ba, đầu tháng Tư năm nay, trên dải đất miền Trung (từ tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Phú Yên), đột nhiên xuất hiện những ngày mưa quá lớn, kéo dài hơn một tuần. Mỗi ngày, mưa xấp xỉ 100mm, thậm chí vào ngày 1/4, lượng mưa ở nhiều nơi vượt qua 250% mức mưa rất to (150mm/ngày, theo quy định của Tổ chức Khí tượng Thế giới - WMO). Như lượng mưa đo ở xã Hải Lâm, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là 335mm, ở Lộc Tiến, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế là 397mm, ở Bà Nà, H.Hòa Vàng, TP.Đà Nẵng là 408mm. Ngoài những cơn mưa lớn gây úng ngập nhiều nơi, các hiện tượng lốc, sét, gió giật mạnh, sóng lớn, nước dâng, lũ quét, sạt lở đất đều được ghi nhận. 

Hầu hết các chuyên gia khí tượng đều nhận định, đây là một điển hình về hiện tượng thời tiết dị thường mà nhiều nơi ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt và chống chịu. Tổn thất về người, tài sản, hoa màu, cơ sở hạ tầng qua đợt thiên tai này chắc chắn là không nhỏ. Đến nay, thống kê thiệt hại vẫn chỉ mới ở mức ghi nhận ban đầu nhưng đã cho thấy có người chết, bị thương, mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng, đường sá sạt lở, hoa màu gần như mất trắng, nhiều lồng cá bị thất thoát, hàng chục ghe thuyền đi biển bị vỡ chìm, các hệ thống giao thông liên lạc bị gián đoạn nhiều giờ… 

Nếu xem biến đổi khí hậu và nước biển dâng là những nguy cơ cho các giai đoạn lâu dài thì thiên tai dị thường như bão nhiệt đới, lốc xoáy, mưa cực lớn, lũ quét, sạt lở, lũ bùn, hạn hán gay gắt, nước mặn xâm nhập… là hiểm họa tiềm năng, có thể đột ngột hình thành trong những giai đoạn ngắn, với sự gia tăng về cường độ và tần suất xuất hiện.
Bao giờ và ở đâu cũng vậy, thiên tai tác động nặng nề như là thảm họa đối với người nghèo, người dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người già, người có bệnh mạn tính, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều chương trình, dự án nhằm xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống và tiện nghi xã hội cho các cộng đồng nghèo, nhóm dễ rủi ro trong xã hội. Chỉ với vài trận thời tiết dị thường, các hoạt động đưa người dân nông thôn vượt qua cái nghèo có nguy cơ bị đình đốn, thậm chí người mới vượt qua ngưỡng nghèo lên cận nghèo, hay từ mức cận nghèo lên mức khá có thể quay trở về điểm xuất phát, hoặc có thể trắng tay và nghèo khổ hơn trước. 

Phòng tránh rủi ro thiên tai cho một quốc gia cận nhiệt đới, đối diện với vùng biển Thái Bình Dương đầy biến động như Việt Nam phải luôn là một chiến lược quốc gia, ngoài đầu tư ngân sách cho các kế hoạch trong chuỗi hoạt động theo các giai đoạn trước, trong và sau thiên tai. Nếu thiên tai dồn dập tiếp tục kéo dài trong những năm tới mà không có sự phòng bị nào, dự báo Việt Nam có thể bị thiệt hại đến 4% GDP, tổn thất từ 6 - 7 tỷ USD/năm do thiên tai, điều này có thể tác động đến khoảng 40% dân số. 

Việt Nam đã có Luật Phòng chống thiên tai năm 2013, nhưng quan trọng là trong việc đối phó thiên tai, yếu tố con người đóng vai trò tích cực, đòi hỏi phải có những chuyên gia, nhà kỹ trị, nhà khoa học về khí hậu, nhà xã hội, môi trường và nhiều tổ chức tình nguyện như Hội Thanh niên, Hội Chữ thập đỏ, Hội LHPN, Hội Nông dân, các đơn vị hướng đạo. 

Việc nâng cao nhận thức cộng đồng trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống rủi ro thiên tai, kể cả huấn luyện cứu nạn, cứu hộ cũng cần được chuẩn bị chu đáo. Nhiều chuyên gia khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống theo dõi các yếu tố khí tượng và hệ thống cảnh báo sớm.

Đã có nhiều bài học đắt giá cho thấy, nếu chúng ta bỏ ra 1 đồng cho các hoạt động phòng ngừa rủi ro thiên tai hôm nay thì trong tương lai, chúng ta có thể tiết kiệm 6 - 8 đồng ngân sách quốc gia và tài sản, sức lực cho việc khắc phục hậu quả, phục hồi thiệt hại do thiên tai. 

Lê Anh Tuấn (chuyên gia về môi trường)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI