edf40wrjww2tblPage:Content
Theo ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cơn giông vừa xảy ra cực kỳ mạnh và rất nguy hiểm, sức gió giật đo được ở trạm Láng là cấp 8, ở Hà Đông cấp 9 (75-88 km/g), tương đương với cấp gió bão. Ông Hải cho biết, suốt 30 năm ở Hà Nội, ông chưa từng chứng kiến một cơn giông nào mạnh, mưa giông diện rộng như thế.
Trận mưa giông bất thường ngày 13/6 tại Hà Nội làm đổ nhiều cây xanh. Ảnh: internet. |
Các nghiên cứu của đồng nghiệp trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ cho thấy, giông ở thành phố thường mạnh hơn vùng ngoại ô, nông thôn. Theo nguyên lý, những nơi có nhiều vật liệu bằng bê tông, sắt thép sẽ hấp thụ nhiệt nhiều và cũng tỏa nhiệt nhiều, góp phần làm cho mây đối lưu phát triển mạnh.
Ông Hải dự báo, tình hình giông lốc sẽ tiếp tục xảy ra trong tháng Sáu, tuy nhiên, khả năng những cơn giông lốc cực kỳ nguy hiểm như vừa diễn ra sẽ ít hơn.
“Theo thống kê của chúng tôi, hàng năm, tình hình giông lốc thường tập trung vào tháng Năm, tháng Sáu. Trung bình mỗi tháng có tới 10-15 ngày có khả năng xảy ra giông lốc, chủ yếu vào buổi chiều” - ông Hải chia sẻ thêm. Chuyên gia này cho biết, tại huyện Yên Thành, Nghệ An ngày 13/6 cũng đã xảy ra một trận giông lốc rất mạnh, gây thiệt hại lớn.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, lãnh đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia khuyến nghị người dân, nhất là người đi đường cần đề phòng và tìm chỗ ẩn nấp an toàn, tránh những rủi ro đáng tiếc.
Sáng 14/6, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tiếp tục kiểm tra hiện trường và chủ trì làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện. Lãnh đạo Hà Nội xác định đây là tình huống khẩn cấp và yêu cầu huy động tối đa các lực lượng khắc phục hậu quả.
Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trận mưa giông làm gần 1.300 cây xanh bị đổ. Có hai người bị chết và ít nhất bảy người khác bị thương, gần 140 nhà tốc mái, 25 ô tô và khá nhiều xe máy bị hư hại trong cơn mưa giông. Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho hay, trong hơn 900 cây xanh bị đổ ở khu vực nội thành, có 38 cây xà cừ cổ thụ bị bật gốc, gãy (đều là những cây có đường kính lớn từ 50-150cm).
Ông Dục cho biết thêm, Sở Xây dựng đã huy động tám đơn vị tham gia di chuyển cây xanh gãy đổ, dự kiến trong ngày 14 và 15/6 sẽ cơ bản khắc phục về cây xanh đổ. Theo đại diện của Tổng công ty Điện lực Hà Nội, toàn TP xảy ra 108 vụ ảnh hưởng trên hệ thống lưới điện, gây mất điện trên hầu hết các địa bàn quận, huyện và đến sáng 14/6, các sự cố cơ bản đã khắc phục xong.
Tại TP.HCM, Theo ghi nhận của chúng tôi, dù mùa mưa bão đã đến nhưng tình hình ứng phó vẫn còn nhiều điều đáng lo lắng. Trên đường Lê Văn Lương (đoạn từ góc đường Nguyễn Văn Linh - Lê Văn Lương kéo dài khoảng 10 km hướng về huyện Nhà Bè) cứ đi vài km, lại bắt gặp một cây cao chết khô trên đường. Điển hình, đoạn gần đối diện Trường mầm non Họa Mi (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè), một cây bàng cổ thụ với hàng loạt nhánh to đã chết khô từ lúc nào, lá rụng sạch.
Cách đó khoảng ba km, một cây bàng khác cao gần chục mét cũng đã trụi lá. Trên thân cây nhiều chỗ vỏ bong tróc. Tương tự, trên đường Huỳnh Tấn Phát, gần nhà số 24/8 xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, một cây cao quá mái nhà người dân cũng chết khô từ lâu, nhưng không được đốn hạ. Trên đường Hoàng Sa, Trường Sa (kéo dài từ Q.1 đến Q.Tân Bình) nhiều cây xanh có cành chết khô không được cắt tỉa cành nhánh.
Trong khi đó, tình trạng sạt lở lại đã bắt đầu xuất hiện nhiều nơi khiến người dân sống trong phập phồng lo sợ. Nhiều điểm dọc bờ sông chợ Đệm, xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh đang có nguy cơ sạt lở cao, nhưng giải pháp hiện nay chủ yếu chỉ… gắn biển cảnh báo. Các hộ dân tại đây cho biết, nhiều hôm mưa to gió lớn, họ phải đến nhà người thân ngủ tạm để đảm bảo an toàn.
Cách đó khoảng năm km, tại ấp 1, xã Phước Kiểng, H.Nhà Bè có khoảng 20 hộ dân sống dọc sông Phước Kiển cũng đang trong tình trạng mất ăn, mất ngủ vì lo sạt lở. Từ hẻm 261 đường Lê Văn Lương đi thẳng đến bờ sông Phước Kiển có thể nhìn rõ nhiều điểm sạt lở. Nhiều hộ dân tại đây cho biết, họ chỉ dám ở nhà ban ngày, ban đêm phải tạm lánh đến nhà người quen ngủ nhờ. Tương tự, tình trạng sạt lở đang có nguy cơ xuất hiện nhiều nơi như: P.28, Q.Bình Thạnh; P.Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông, Q.12; ấp Rạch Lá, xã An Phú Đông, H.Cần Giờ…
Điều đáng lo, theo Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn TP.HCM, trong năm tháng tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM mới xảy ra hai đợt mưa giông lớn nhưng đã làm tốc mái và hư hỏng hơn 20 căn nhà; làm ngã đổ 19 cây xanh, gãy đổ 30 cây xanh. Một vụ sạt lở nghiêm trọng (trên 500m2) đã xảy ra tại rạch Bà Chiêm, xã Phước Kiểng, H.Nhà Bè, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân.
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan (nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ), hiện miền Bắc và miền Nam đã vào mùa mưa. Tuy nhiên, thời tiết năm nay đang có nhiều biểu hiện bất thường như: mưa trễ, ngắt quãng không đều, gây ra những cơn mưa giông gió lớn.
Chẳng hạn, tại khu vực miền Bắc do mưa không đều, khi có một rãnh không khí lạnh đi ngang qua tạo ra sự xung đột dữ dội với một luồng không khí nóng ở khu vực, gây ra tình trạng mưa to, gió lớn trong vài ngày gần đây. Cơn giông lớn đã gây ra thiệt hại nặng nề. Tương tự, tình trạng mưa ngắt quãng xen lẫn nắng nóng cũng xảy ra ở khu vực miền Nam, người dân cần đề phòng mưa to gió lớn, kèm sấm sét gây nguy hiểm.
DUNG NHI - PHAN TRÍ