Thời tiết cực lạnh kỷ lục thế giới ở Mông Cổ

01/01/2021 - 14:11

PNO - Kỷ lục thế giới mới liên quan đến áp lực không khí ở mức cực cao cùng tình trạng thời tiết cực lạnh vừa được xác lập tại một thung lũng nằm trên đỉnh núi ở Mông Cổ.

Trạm quan trắc tự động được đặt ở ngôi làng Tsetsen-Uul, tỉnh Zavkhan đã ghi nhận mức áp suất cao so với mặt nước biển lên đến 1,094.3 mb cùng với nhiệt độ khắc nghiệt ở mức -45,5 độ C vào những ngày cuối năm 2020.

Các nhà khoa học đã xác nhận, kỷ lục mới này đã vượt qua kỷ lục trước đó với mức 1,089.4 mb được xác lập ngay tại  Mông Cổ, cũng vào ngày 30/12 cách đây đúng 16 năm.

Tuyết rơi dày và đóng thành băng ở ngôi làng nằm trên đỉnh núi cao ở Mongolia - Ảnh: Getty Images/iStockphoto
Tuyết rơi dày và đóng thành băng ở ngôi làng nằm trên đỉnh núi cao ở Mông Cổ - Ảnh: Getty Images/iStockphoto

Stephen Burt, một nhà khoa học thuộc Đại học Reading (Anh), cho biết: “Đây quả thực là một kỷ lục độc nhất vô nhị. Và nó được ghi nhận một cách chính xác bởi không chỉ một trạm quan trắc”.

Theo tiến sĩ Burt, việc xảy ra hiện tượng áp lực không khí cao và tình trạng lạnh cực độ là những điều hết sức bình thường bởi chúng xảy ra một cách thường xuyên vào thời điểm cuối cùng của năm.

“Mông Cổ nằm cách rất xa biển, vì vậy, vùng đất này ít chịu ảnh hưởng bởi sự ấm lên từ đại dương. Chính điều đó đã khiến không khí rất lạnh, tạo nên áp lực không khí rất cao”.

“Tình trạng này chỉ chấm dứt vào mùa xuân khi mặt trời xuất hiện cùng ánh nắng tạo sức nóng làm cho áp suất không khí giảm xuống”, tiến sĩ Burt giải thích.

Tuy nhiên, vẫn theo tiến sĩ Burt, thì “những gì đang diễn ra năm nay với thời tiết giá lạnh cùng áp suất không khí cao như thế này lại là một điều bất thường”.

Thời tiết cực lạnh cùng với áp suất không khí cực cao khiến mọi thứ gần như bị đông cứng ngay lập tức - Ảnh: Oleg/Independent
Thời tiết cực lạnh cùng với áp suất không khí cực cao khiến mọi thứ gần như bị đông cứng ngay lập tức - Ảnh: Oleg/Independent

Theo các nhà khoa học, những hiện tượng thời tiết cực đoan đang gửi đi những thông điệp bất lợi cho con người liên quan đến vấn đề khủng hoảng môi trường làm ảnh hưởng đến tình trạng biến đổi khí hậu.

“Mặc dù chúng ta thường hiểu rằng, biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng cực ấm hơn là cực lạnh nhưng điều đó không có nghĩa là không xảy ra vấn đề ngược lại với tình trạng cực lạnh xuất hiện ngày một thường xuyên hơn. Và đó là điều rất đáng lo ngại”, tiến sĩ Burt kết luận.

Nguyễn Thuận (theo Independent)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI