Thời tiết cực đoan trong năm 2022 chỉ là sự khởi đầu

28/12/2022 - 15:50

PNO - Các chuyên gia cảnh báo quá trình nóng lên toàn cầu vẫn tiếp diễn, khủng hoảng khí hậu vẫn chưa được giải quyết.

 

Một trận cháy rừng ở khu vực Vườn quốc gia Northumberland và rừng Kielder đã thiêu rụi khoảng 139 hecta - Ảnh: Northumberland Fire and Rescue Service
Một trận cháy rừng ở khu vực Vườn quốc gia Northumberland và rừng Kielder đã thiêu rụi khoảng 139ha - Ảnh: Northumberland Fire and Rescue Service

Báo The Independent của Anh dẫn nguồn tin từ National Trust, một trong các tổ chức chuyên về bảo tồn di sản và thiên nhiên lớn nhất châu Âu, cảnh báo thời tiết khắc nghiệt trong năm 2022 chính là chuẩn mực “bình thường mới” cho hình mẫu thời tiết trong các năm sau, khi quá trình nóng lên toàn cầu vẫn tiếp diễn, khủng hoảng khí hậu vẫn chưa được giải quyết.

Nhiệt độ cao kỷ lục và các vụ cháy rừng đã tàn phá Vương quốc Anh và xứ Wales, cùng với hạn hán bất thường đã phá hủy môi trường sống và làm gián đoạn quá trình sinh sản của các loài động vật quý hiếm trong năm nay và các biến cố sẽ còn lặp lại.

Các chuyên gia khí hậu dự đoán rằng Vương quốc Anh sẽ còn phải chứng kiến nhiều trận mưa ngắn và xối xả hơn, cùng với mùa hè khô nóng hơn và mùa đông ấm hơn nhưng ẩm ướt hơn. Xu hướng này sẽ diễn ra sau khi một số khu vực của nước Anh lần đầu trải qua nắng nóng kỷ lục tới 40 độ C trong mùa hè năm nay. Danh sách 10 năm nóng nhất trong lịch sử khí tượng Vương quốc Anh, tính từ năm 1884, đều được ghi nhận trong thế kỷ này.

Các nơi khác trên thế giới cũng hứng chịu thời tiết khắc nghiệt hơn trong tình hình biến đổi khí hậu. Khoảng 1/3 Pakistan chìm trong nước lũ vào đầu năm, làm hơn 1.000 người tử vong và ảnh hưởng đến 33 triệu người khác. Úc và Nam Phi cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và phần lớn châu Âu bị thiêu đốt bởi các trận cháy rừng tàn khốc và nhiệt độ cao.

Theo RSPB - tổ chức từ thiện về chim, loài chim hải âu là một trong những trường hợp điển hình nhất về các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Hiện tượng nước biển ấm lên đang làm giảm số lượng cá chình cát, một trong các nguồn thực phẩm chính của hải âu. Danh sách “các loài chim đáng quan tâm nhất” của RSPB đã lên tới 70 loài, gấp đôi số lượng trong báo cáo đầu tiên vào năm 1996.

Ông Keith Jones, chuyên gia về biến đổi khí hậu tại National Trust, cho biết: “Các hiện tượng thời tiết cực đoan là minh họa rõ ràng về những khó khăn mà nhiều loài sinh vật phải đối diện, nếu chúng ta không hành động nhiều hơn để ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu, cùng với bảo tồn thiên nhiên, nhưng ngưỡng “bình thường mới” có thể dẫn đến các biến cố thời tiết còn cực đoan hơn hiện nay”.

Bà Ali Morse, chuyên gia nghiên cứu về nước tại tổ chức từ thiện The Wildlife Trusts chia sẻ với The Independent rằng, sông ngòi là nơi hứng chịu các tác động tồi tệ nhất của hạn hán, mực nước không phục hồi đủ nhanh nhưng mưa xối xả sau hạn hán mùa hè đã mang theo các chất ô nhiễm như bụi gạch, kim loại nặng, mảnh lốp xe và dư lượng thuốc trừ sâu vào nguồn nước.

Chuyên gia này cho biết, mực nước thấp hơn có thể ảnh hưởng đến quần thể cá vào năm tới và cũng có thể khiến bất kỳ hóa chất nào trong nước đậm đặc hơn, khiến côn trùng dễ tử vong hơn, tạo ra tác động dây chuyền tới các loài ăn côn trùng trong nước và tiếp tục ảnh hưởng tới các loài chim như bói cá và diệc.

Bà Morse cảnh báo: “Thời tiết cực đoan khiến thảm thực vật, hoa mùa đông và các loại trái cây mọng nước chết sớm hơn bình thường, khiến các loài động vật có vú nhỏ ngủ đông có thể không tích trữ đủ nguồn thức ăn để tồn tại qua mùa đông, vì vậy, năm tới chúng ta có thể chứng kiến sự suy vong của nhiều quần thể”.

Trường An (theo The Independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI