Hộ thành hào là hào nước bao bọc kinh thành Huế, được vua Gia Long khảo sát xây dựng từ năm 1803 đến năm 1832 - dưới thời vua Minh Mạng - mới hoàn thành. Công trình này được đắp bằng đá núi, theo kỹ thuật xếp đá khan, không sử dụng vữa kết dính.
Phá nát kè đá Hộ thành hào
Dự án tu bổ di tích kinh thành Huế được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt ngày 14/9/2011 với tổng mức đầu tư 1.282 tỷ đồng. Trong đó, hợp phần tu bổ, tôn tạo Hộ thành hào là 497 tỷ đồng do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế làm chủ đầu tư.
Riêng hợp phần tu bổ thượng thành, eo bầu, thành hào bao gồm kè đá, lòng hào bắt đầu triển khai từ năm 2013 và đến nay, tổng vốn đã bố trí cho phần tu bổ này là 65,46 tỷ đồng, chiều dài tu bổ kè phía trong (kè tiếp giáp tuyến phòng lộ) 10.443m, bao gồm phần bờ kè phía nam (trừ phần kè của dự án cũ đã thực hiện) 2.478m. Dự kiến đến năm 2020, sau khi tu bổ xong phần phía nam Hộ thành hào, sẽ phát triển tuyến du lịch thuyền rồng thưởng ngoạn kinh thành Huế.
|
Đưa phương tiện cơ giới vào thi công phá nát bờ hào kinh thành Huế. Ảnh chụp ngày 28/2 đoạn trước mặt khu vực Quan Tượng Đài |
Điều đáng nói, khi mới bắt đầu triển khai dự án, đoạn từ Quan Tượng Đài đến cửa Quảng Đức, đã xuất hiện nhiều nghi vấn trong công tác trùng tu. Nhiều người cho rằng, đơn vị thi công đã không làm đúng Luật Di sản văn hóa khi cho phép xe cơ giới phá bỏ bờ kè nguyên gốc của hào nước bao bọc quanh kinh thành, sau đó xây mới bờ kè bằng bê tông cốt thép.
Có mặt tại vị trí vừa hoàn thành thi công, chúng tôi nhận thấy, nhiều đoạn kè phía nam Hộ thành hào đã được cán bê tông, việc múc các đoạn bờ kè khác đã được dừng lại sau khi có phản ứng từ dư luận. Các phương tiện cơ giới đang thi công tuyến kè này đã được đơn vị thi công cho rút đi.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM vào cuối chiều 11/4, ông Phan Văn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án - cho biết, do tác động của thời gian, thời tiết và hoạt động của con người nên bờ kè bị hư hỏng đến 70-80%, có những đoạn bị sụp hoàn toàn. Từ cửa Quảng Đức đến Nam Minh Đài, có tổng cộng 12 vị trí gãy, đứt. Nếu không có sự gia cố, tu bổ, rất khó bảo vệ bờ thành. Việc hạ giải toàn bộ bờ kè đoạn từ cửa Quảng Đức đến nam Minh Đài dài gần 1km là do không còn cách nào gia cố. “Trong quá trình thi công, có những sơ suất. Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ chọn lựa đá kỹ, còn lại phần đá vun cần phải giải phóng để đổ lớp bê tông dày 40cm. Các gói còn lại, chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến của giới nghiên cứu để bảo tồn yếu tố gốc” - ông Tuấn nói.
Có vi phạm Luật Di sản?
Thực tế, sau khi phá dỡ hoàn toàn kè đá, đơn vị thi công đã xây dựng mới một bờ kè hình thang bằng đá granit, ống nhựa, vữa xi-măng, phần chân móng đúc bê tông cốt thép, phần mặt ngoài kè có dán một số viên đá gan gà nguyên gốc pha lẫn đá mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thông - nguyên Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế, thành viên Hội đồng Tham vấn các nhiệm vụ khoa học và nghệ thuật của Trung Tâm BTDTCĐ Huế - nêu ý kiến: “Tôi nhất trí với các ý kiến tại cuộc họp của hội đồng khoa học ngày 20/4/2018 là tận dụng tối đa đá cũ vốn có để xây ít nhất là bề mặt kè thành hồ bằng biện pháp nạo vét trước để gom được tối đa số đá bị tụt xuống lòng hồ. Ở những đoạn không đủ đá, cũng ghè xen kẽ đá cũ với loại đá mới cùng loại. Việc xây mới hoàn toàn là điều cần tránh. Việc xây dựng mới một di tích chưa bị hủy hoại hoàn toàn là chuyện không thể chấp nhận trong công tác bảo tồn. Dự án này đã phân định rõ cách xử lý đối với thực trạng của từng đoạn kè cụ thể, giữ nguyên trạng những đoạn kè còn tốt, chỉ tu bổ và phục hồi những đoạn kè bị hư hỏng nặng. Chúng tôi phản đối nếu không thực hiện đúng với nội dung đã trình bày trước hội đồng khoa học”.
|
Giới nghiên cứu cho rằng việc trùng tu này đã vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản |
Đồng quan điểm, thạc sĩ - họa sĩ Trần Thanh Bình - nguyên giảng viên Trường đại học Nghệ thuật Huế, thành viên hội đồng tham vấn dự án - cho rằng, việc bóc dỡ, thi công như vừa rồi là một sự tùy tiện trong việc trùng tu di tích. Ông nói: “Lẽ ra, khi tháo dỡ bờ kè, cần phải có nhân viên chuyên môn khảo cổ học của phòng nghiên cứu, như quy định của Luật Di sản văn hóa. Đây chưa phải là một công trình cấp thiết, nhưng nó lại là một công trình có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo cảnh quan ngoài tường thành”.
Theo ông Bình, đơn vị tư vấn nói có những đoạn bờ kè còn nguyên vẹn, có những đoạn sụt lún gần như mất dấu vết, mất gạch, mất đá, lòng hào bị bùn lắng, độ sâu mặt nước không còn như trước. Đơn vị tư vấn nêu giải pháp nạo vét hào và làm một số quai để ngăn từng đoạn, trước mắt làm bờ kè ở phía nam để bảo vệ tường thành. Sau khi bàn bạc, hội đồng đưa ra ý kiến: những đoạn tường thành nào sụt lún không còn đá thì cho phép dùng đá vật liệu mới tương tự đá cũ, riêng phía lộ ra ngoài thì phải hoàn toàn dán đá cũ. Một phương án khác là dùng kỹ thuật xếp khan của người xưa (không dùng hồ, vữa); nếu dùng hồ, vữa thì dùng phía bên trong.
Tuy nhiên, thực tế thi công không đúng với những gì mà hội đồng thống nhất. Ở đây, có thể đơn vị tư vấn, thi công đã tự động điều chỉnh mà không thông qua hội đồng. Ông Bình cho rằng: “Nếu trong quá trình thi công, có vấn đề nảy sinh thì phải tổ chức “hội thảo đầu bờ”, nghĩa là mời thành viên hội đồng tham vấn tới tận công trình để cho ý kiến và tìm hướng xử lý, nhưng họ đã không hỏi ý kiến. Việc đơn vị thi công dùng máy xúc, máy ủi can thiệp như vậy trong bảo tồn, trùng tu di tích là sai. Có thể đơn vị thi công muốn rút ngắn thời gian, nâng năng suất làm việc nên đã vi phạm nguyên tắc trùng tu. Vì vậy, đối với những đoạn bờ kè đang chuẩn bị tu bổ, đơn vị thi công, giám sát cần phải cẩn trọng hơn. Các biện pháp cơ giới can thiệp vào quá trình tu bổ di tích phải chặt chẽ hơn”.
Về việc đưa cốt thép vào thi công bờ kè phía nam Hộ thành hào, ông Nguyễn Hoàng Tuấn - Giám đốc Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng Miền Trung (đơn vị thiết kế, thi công) - lý giải, nhằm đảm bảo sự chắc chắn cho bờ kè.
Theo ông Tuấn, toàn bộ kinh thành Huế nằm trên nền địa chất rất yếu, bên dưới là cát và bùn, nên nhiều đoạn bờ kè bị sụt lún, kéo theo phòng thành bị nứt, gãy. Bờ kè xưa xây dựng bằng kỹ thuật xếp đá khan, sau thời gian dài đá bị phong hóa, hết ma sát nên không liên kết với nhau được. “Người thợ ngày nay cũng không thể thực hiện được kỹ thuật xếp đá khan, không có vữa kết dính như ngày xưa. Vì vậy, phải tháo dỡ ra để xây mới hoàn toàn bờ kè. Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến của giới nghiên cứu để bảo tồn yếu tố gốc nhằm khắc phục những thiếu sót ở những phần thi công ban đầu” - ông Tuấn nói thêm.
Luật Di sản quy định “nghiêm cấm chiếm đoạt, làm sai lệch di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh” (điều 13, khoản 1).
Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải bảo đảm: giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích (điều 34, khoản 1, luật di sản văn hóa).
Những hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa: a) Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích như đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với yếu tố gốc cấu thành di tích... (điều 4, khoản 1a Nghị định số 98/2010).
Nguyên tắc trong hoạt động thi công tu bổ di tích: ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích (Thông tư 18/2012).
|
Thuận Hóa