Trung tâm Quan trắc môi trường TP.HCM: AirVisual không có cơ sở để tin cậy

09/10/2019 - 17:49

PNO - Cơ quan quản lý môi trường TP.HCM tuyên bố, không tin cậy kết quả đo ô nhiễm không khí của app AirVisual.

Chiều 9/10, ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - trả lời báo chí xoay quanh tình hình ô nhiễm không khí tại TP.HCM.

Trả lời câu hỏi “Liệu người dân có nên tin tưởng vào kết quả đo ô nhiễm không khí của app AirVisual”, ông Cao Tung Sơn cho biết: “Bản thân tôi cũng có app này. Tôi cũng lên xem, nhưng chưa thấy thông tin về trang thiết bị và phương pháp mà app này dùng để quan trắc môi trường. Muốn quan trắc môi trường, cần có trang thiết bị, quy trình và phương pháp chuẩn khi lấy mẫu.

Tuy nhiên, tôi đoán app này đo ô nhiễm không khí bằng cách dùng sensor. Nếu dùng sensor thì sai số rất cao, nhất là khi thời tiết không thuận lợi về nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, ánh sáng… App này là của nước ngoài và không đưa ra cơ quan chuyên ngành nào giám sát kết quả quan trắc. Vì thế, chúng tôi  chưa có cơ sở để tin cậy về số liệu quan trắc môi trường của app AirVisual”.

Trung tam Quan trac moi truong TP.HCM: AirVisual khong co co so de tin cay
Ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM

Ông Cao Tung Sơn cho biết, việc quan trắc môi trường của Trung tâm Quan trắc môi trường TP.HCM được thực hiện dựa trên Thông tư 24 của Bộ Tài nguyên và môi trường. Trong đó, quy định cụ thể từng chỉ tiêu và phương pháp lấy mẫu. Kỹ thuật lấy mẫu cũng phải đảm bảo theo quy chuẩn của Việt Nam. Ngoài ra, Thông tư 23 và 24 của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng quy định thời gian bắt buộc các trang thiết bị phải được kiểm chuẩn và hiệu chuẩn trong 12 tháng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên vì sao có sự chậm trễ đến gần 1 tháng khi công bố kết quả ô nhiễm không khí, ông Cao Tung Sơn cho biết: “Trước đây, các bảng điện tử là do Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chịu trách nhiệm quản lý nội dung và vận hành. Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM mới phối hợp để thông tin kết quả quan trắc trên 48 bảng thông tin điện tử.

Tuy nhiên, nội dung còn hạn chế, vì quan trắc thực hiện theo phương pháp lấy mẫu thủ công gián đoạn, nên cần có thời gian phân tích mẫu. Sau khi có kết quả, mới phối hợp để đưa thông tin lên bảng điện tử. Nếu có hệ thống quan trắc tự động thì sẽ tức thời hơn”.

Trung tam Quan trac moi truong TP.HCM: AirVisual khong co co so de tin cay
Bảng thông tin điện tử về tình hình ô nhiễm không khí tại TP.HCM

Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy:

- Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép (QCVN 05:2013/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và QCVN 26:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn).

- Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép.

Nhìn chung, nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 30 vị trí quan trắc trong 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018.

Trung tam Quan trac moi truong TP.HCM: AirVisual khong co co so de tin cay
Người dân được khuyến cáo "không ra ngoài đường" khi có hiện tượng mù quang hóa - Ảnh: Minh Thanh

Ông Cao Tung Sơn cũng cho biết, chất lượng môi trường không khí thấp tại TP.HCM là do ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông, công nghiệp, xây dựng kết hợp với hiện tượng mù quang hóa: “Hiện tượng mù quang hóa diễn ra là do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam, khiến thời tiết tại TP.HCM luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết, khiến hơi nước bám vào, nên xuất hiện sương mù. Ngoài ra, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt, làm cho các khí ô nhiễm (phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân...) nằm ở lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được, gây tích tụ ô nhiễm”.

Trung tam Quan trac moi truong TP.HCM: AirVisual khong co co so de tin cay
Hiện tượng mù quang hóa xảy ra tại TP.HCM - Ảnh: Minh Thanh

Một trong những khuyến cáo của ông Cao Tung Sơn với người dân khi có hiện tượng mù quang hóa là: “Hạn chế ra ngoài, hạn chế tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời”.

Theo kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc môi trường không khí từ ngày 3/9/2019 đến 20/9/2019, cho thấy: Có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, bụi mịn PM10, bụi mịn PM2.5) trong các ngày 18/9/2019 - 20/9/2019, cao nhất là ngày 20/09, với mức tăng các chất ô nhiễm lần lượt là: bụi lơ lửng tăng 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần, PM10 tăng 1,9 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần và nồng độ các chất ô nhiễm giữa thời điểm buổi sáng và buổi chiều không có sự chênh lệch cao.

Đặc biệt các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao trong ngày 20/9 với các mức lần lượt là 50%, 25%, 50%.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI