Ngày 3/7/2019 Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhiều tàu hải giám có vũ trang vào vùng EEZ của Việt Nam - gần bãi Tư Chính để thăm dò địa chấn (lô RJ03 và RJ27), quấy rối hoạt động dầu khí của Việt Nam và đối tác.
Việc xảy ra gần bãi Tư Chính từ đó đến nay không còn là tranh chấp chủ quyền biển đảo và tài nguyên dầu khí như trước, mà đây là hành động xâm lược bằng lực lượng hải giám có vũ trang của Trung Quốc.
Ngày 3/8, Trung Quốc rút đi, nhưng tàu Hải Dương 8 chỉ chạy về đậu ở đảo chiếm đóng trái phép cách bãi Tư Chính khoảng 7 giờ hành trình. Ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Báo Phụ Nữ TP.HCM xin gửi đến những ý kiến, phân tích, nhận định ở các lĩnh vực như luật pháp, ngoại giao… để độc giả có cái nhìn rộng hơn về hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông trong một tháng rưỡi qua.
PGS-TS Nguyễn Bá Diến - giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải quốc tế,
Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo:
|
PGS.TS Nguyễn Bá Diến |
Phóng viên: Thưa phó giáo sư, từ cách mà Trung Quốc ứng xử với phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ Philippines thắng kiện về vấn đề Biển Đông, đến việc hơn một tháng nay, Trung Quốc đưa cả tàu thăm dò Hải Dương 8 và nhiều tàu hải giám có vũ trang vào vùng EEZ của Việt Nam - gần bãi Tư Chính đã thể hiện rất rõ sự ngang ngược và nguy hiểm của những âm mưu và các hành vi này.
Chủ trương của Việt Nam luôn là kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, nhưng dường như chúng ta càng muốn hòa bình thì họ càng lấn tới?
PGS-TS Nguyễn Bá Diến: Việt Nam là một quốc gia thành viên Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển (UNCLOS) và do đó, chủ trương của Việt Nam luôn là kiên trì sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp. Nhưng, cũng theo UNCLOS, nếu các biện pháp hòa bình không có hiệu lực, thì các quốc gia có quyền sử dụng đến biện pháp tư pháp.
Việt Nam cần ưu tiên giải quyết tranh chấp trên Biển Đông dựa trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, dựa trên các cơ sở pháp lý bao gồm Hiến chương Liên hiệp quốc, UNCLOS, thỏa thuận giữa ASEAN với Trung Quốc và nhận thức chung của lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Các biện pháp pháp lý là giải pháp căn cơ, bền vững và lâu dài, văn minh, phù hợp với sự thật khách quan, phù hợp với xu thế chung của nhân loại và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là giải pháp tối ưu nhất của Việt Nam thời hiện đại. Việc chậm trễ sử dụng các biện pháp pháp lý có thể khiến chúng ta phải trả giá nặng nề hơn.
* Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, ông đã cho rằng thời điểm đó, Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc?
- Mục đích của việc Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế là để cho thế giới thấy rõ lập trường chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không bao giờ thay đổi. Việt Nam có chính nghĩa, có đầy đủ căn cứ pháp lý, trong khi Trung Quốc không hề có bất cứ một chứng lý nào. Những lập luận mà phía Trung Quốc đưa ra là bịa đặt, cắt xén, ngụy tạo, phi khoa học.
Chính vì không có bằng chứng, không có căn cứ pháp lý nên nhiều năm qua Trung Quốc không hề muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông; dù họ đang có rất nhiều chuyên gia làm việc tại Tòa án công lý quốc tế của Liên hiệp quốc (ICJ), Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS), Tòa án Trọng tài thường trực La Haye (PCA)…
* Không ít ý kiến lo ngại, khi chúng ta kiện Trung Quốc, thì rồi thái độ của họ đối với phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế cũng sẽ giống vụ Philippines kiện họ. Ông đánh giá sao về lo ngại có căn cứ này?
- Điều này cũng đã được dự báo trước, nhưng cái quan trọng không phải là việc Trung Quốc có thi hành hay không, mà việc Việt Nam kiện Trung Quốc sẽ là đòn giáng mạnh vào uy tín của Trung Quốc trước quốc tế. Bởi họ là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Trung Quốc cũng giữ ghế tại các tổ chức khu vực và quốc tế.
Lẽ thường tình thì Trung Quốc phải làm gương, làm tròn bổn phận của một thành viên, của một “ông lớn” trước cộng đồng quốc tế và đúng như những gì họ rêu rao bấy lâu nay “về sứ mệnh hòa bình”.
Nếu Trung Quốc tiếp tục ngồi xổm lên luật pháp quốc tế, chà đạp lên dư luận quốc tế thì lúc ấy tự các quốc gia sẽ đặt dấu hỏi về mối quan hệ của họ với Trung Quốc - không ai muốn quan hệ với những kẻ phá hoại hòa bình, coi thường công lý quốc tế. Trong lịch sử loài người, nhất là trong thời đại ngày nay, các dân tộc yêu chuộng hòa bình không bao giờ chấp nhận và dung thứ cho các hành vi bạo ngược của Trung Quốc.
* Điều gì đã biến một nước tự nhận mình là trung tâm tinh hoa (Trung Hoa) và luôn tự hào về văn hóa trở thành một “đại diện” sẵn sàng chà đạp lên sự yêu chuộng hòa bình của nhân loại tiến bộ, thưa phó giáo sư?
- Trung Quốc muốn giành giật chủ quyền, chiếm giữ Biển Đông vì hai nguyên nhân: Biển Đông là nguồn tài nguyên hết sức phong phú, cả về nguồn lợi hải sản và khoáng sản. Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu tới 60% dầu mỏ và đến năm 2030, họ sẽ nhập khẩu đến 2/3 lượng dầu mỏ trên thế giới. Trung Quốc đã dự báo từ lâu và ngày càng thấy rõ hơn cơn khát khó thỏa mãn này của họ.
Thứ hai, Biển Đông vốn được đánh giá là con đường hàng hải lớn nhất nhì thế giới, sau Địa Trung Hải, nhưng bây giờ phải khẳng định Biển Đông chính là con đường hàng hải số 1 của thế giới với 40% lượng hàng hóa đi qua. Biển Đông còn là tuyến đường hàng hải cho các hạm tàu quân sự. Những hành động của họ trên Biển Đông là phớt lờ luật pháp quốc tế, giẫm đạp lên những quy định của luật pháp quốc tế, tự định ra luật riêng.
Một nước tuyên bố muốn thành điển hình của thế giới, thay Mỹ dẫn dắt thế giới, là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc... mà đi theo một con đường phi pháp, phi văn hóa như vậy, thì sẽ dẫn dắt thế giới này như thế nào?
Đấy là vô luật, là cảnh báo cho nhân loại, cho các quốc gia láng giềng và cũng cảnh báo chính quyền Trung Quốc rằng nếu nước này muốn trở thành một quốc gia văn minh thì hãy gương mẫu hành động. Bởi không có ai tâm phục, khẩu phục điều đó.
Những hành vi của họ, cũng là cảnh báo cho nhân dân yêu chuộng hòa bình Trung Quốc, phải có tác động để cảnh tỉnh chính quyền của họ; bởi nhà cầm quyền Trung Quốc đang dẫn dắt dân tộc mình đi vào ngõ cụt vì quay lưng với nhân loại, chống lại các quốc gia
láng giềng.
Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền Về hành vi đưa tàu khảo sát địa chất 8 trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa - EEZ của nước ta, ngày 16/8/2019, bà Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao - đã nêu rõ: đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế. Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế. |
Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ:
Tàu Hải Dương 8 trở lại bãi Tư Chính, là nằm trong tính toán của Trung Quốc
|
Tiến sĩ Trần Công Trục |
Việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 trở lại “quậy” ở bãi Tư Chính - vùng đặc quyền EEZ của Việt Nam có thể còn là sự đánh lạc hướng dư luận trong nước họ (khi họ đang có những khủng hoảng, bất ổn ở Hồng Kông, Tân Cương...). Mượn chuyện bên ngoài để giải quyết nội bộ của Trung Quốc có thể là một trong những khả năng, nhưng không phải là chủ yếu và nguyên nhân quyết định.
Việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 trở lại vùng đặc quyền EEZ của ta, chủ yếu là nằm trong tính toán của Trung Quốc nhằm triển khai chủ trương hợp thức hóa yêu sách đường lưỡi bò của họ, để họ nhanh chóng độc quyền sử dụng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên trong cuộc tranh chấp vị trí siêu cường quốc quốc tế với Mỹ. Trung Quốc cũng đã và đang chuyển từ chiến tranh “xâm lược cứng” sang “xâm lược mềm” - mục tiêu nhằm vào lĩnh vực kinh tế, khiến các nước nhỏ trong khu vực phải lệ thuộc vào họ.
Đại tá Vũ Hồng Khanh - Nguyên trưởng Ban Quốc tế, Viện Chiến lược Quốc phòng (Bộ Quốc phòng):
Vừa hợp tác, vừa đấu tranh để bảo vệ quyền lợi quốc gia
|
Đại tá Vũ Hồng Khanh |
Tác động tới các nước trong khu vực, cũng như các nước chuộng hòa bình trên thế giới để giữ gìn hòa bình trên Biển Đông là công việc chính của Viện Chiến lược Quốc phòng.
Tuy nhiên, chúng tôi chủ yếu tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Nhà nước, Đảng và Chính phủ về những biện pháp ứng phó với các tình huống; dựa trên luật pháp quốc tế. Như tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào thềm lục địa của ta, thì rõ ràng là họ vi phạm Công ước Luật biển 1982. Dựa trên luật, chúng ta kiên quyết bảo vệ, vì đây là lợi ích quốc gia chứ không phải vấn đề mơ hồ.
Theo Công ước Luật Biển 1982, tất cả các loại phương tiện đều được đi trên biển, nhưng nếu đã dừng lại là phải xin phép. Ta đã và đang đấu tranh bằng quyền chủ quyền và quyền tài phán với những vi phạm đó của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Việc phản ứng thì có nhiều cách, một là giao thiệp với đại sứ quán, hai - ở mức cao hơn là dùng công hàm phản đối. Những phản ứng của ta thời gian qua vừa thể hiện được sự kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền, vừa giữ được mối quan hệ.
Trước tiềm lực kinh tế, quân sự của Trung Quốc, ta hiểu rõ điều đó, nên vừa hợp tác vừa đấu tranh là vì thế. Quan trọng nhất là ta nắm rõ quyền lợi của mình ở đâu để bảo vệ, bên cạnh đó phải đấu tranh với họ. Còn việc họ dùng các cách thức này, cách thức khác thì đó cũng là chuyện bình thường. Ta phải dựa vào chính mình chứ không nên dựa vào ai cả.
Thứ nhất mình phải thể hiện rõ sự kiên quyết, thứ hai phải có sự đồng thuận trong xã hội. Hiện nay việc đồng thuận của ta đang khó, vì có một số người không biết, không nắm bắt được vấn đề, tình hình nhưng vẫn phát biểu thiếu chính xác dựa trên các phán đoán của nước ngoài.
Trong thực tế, trên thực địa khác hoàn toàn với những phán đoán đó. Hễ va chạm mà ta nổ súng sẽ dẫn đến nhiều chuyện bất lợi về mọi mặt. Có ở thực địa, mới biết họ đang khiêu khích, nếu mình mắc mưu họ thì hậu quả khôn lường. Cho nên điều cốt lõi là ta vẫn phải ứng xử khéo léo và đấu tranh dựa trên luật pháp quốc tế.
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam:
Luôn rút kinh nghiệm để ứng phó với tình hình thực tế
|
Thiếu tướng Ngô Ngọc Thu |
Thực tế trên biển từ trước đến nay, chúng ta vẫn kiên quyết và kiên trì giữ vững, bảo vệ quyền chủ quyền. Những cách ứng xử trên biển của ta, ta không thể nói rõ hết được, từ quan điểm, đường lối chiến lược. Cái khó là chúng ta không thể nói rõ hết được, còn nếu chỉ nói nửa vời thì lại dễ dẫn đến nhiều cách hiểu suy diễn, sai lệch. Vì thế, có nhiều việc mình chỉ có thể lặng lẽ làm thôi.
Chủ trương chung thì không có gì thay đổi, nhưng việc ứng xử ở từng thời điểm thì không thể giống nhau. Năm 2014, sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào khu vực Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, thì ta cũng đã rút được nhiều kinh nghiệm để có những ứng xử khác như hiện nay. Cái khác đó là những đấu tranh ở trên đất liền, đấu tranh về ngoại giao để phù hợp với hoàn cảnh bây giờ.
Ngọc Minh Tâm (thực hiện)