Hơn 10 năm trước, khi nguồn nước ở Q.8, TP.HCM bị ô nhiễm nặng, ông Trịnh Văn Tân - một trong những người nuôi cá cảnh nổi tiếng ở quận này phải bỏ ao, chuyển ra H.Bình Chánh (TP.HCM) tìm nơi có nguồn nước sạch hơn để tiếp tục bám nghề. Bây giờ, nguồn nước ở ngoại thành cũng quá bẩn, ông Tân đành phải từ bỏ cái nghề đã gắn bó với mình mấy chục năm qua.
|
Ông Trịnh Văn Tân - một trong những người nuôi cá cảnh ở H.Bình Chánh phải bỏ nghề do bị nguồn nước đen bủa vây khiến cá không sống nổi - Ảnh: Hoàng Nhiên |
Nước thải độc hại chặn đường mưu sinh
Với hơn 15 năm kinh nghiệm, ông Tân đã hướng dẫn cho nhiều người dân ở xã Tân Nhựt, H.Bình Chánh nuôi cá cảnh thành công. Nhưng mấy năm gần đây, do nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng, cá chết liên tục, ông Tân đành phải đóng ao, trả lại đất thuê và tìm nghề khác kiếm sống.
“Tôi đã ráng cầm cự mấy năm nay với hy vọng nguồn nước sẽ được cải thiện, nhưng nước càng ngày càng đen. Nếu ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, mình còn có phương án xử lý, còn ô nhiễm hóa chất độc hại thải ra từ nhà máy thì bó tay” - ông Tân lắc đầu. Ông nói thêm, hiện ông không tìm được nơi nào ở TP.HCM có nguồn nước tốt để nuôi cá an toàn.
Phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan giám sát
Khi doanh nghiệp và nhà nước đã đầu tư những khoản tiền lớn để lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động mà vẫn xảy ra tình trạng xả nước thải ô nhiễm môi trường thì phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý giám sát, cụ thể là Trung tâm Quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Có hai vấn đề cần làm rõ là: vì sao hệ thống quan trắc đang vận hành mà không phát hiện được tình trạng xả nước thải ô nhiễm ra môi trường; năng lực của những người đang thực hiện chức năng giám sát thông qua hệ thống quan trắc này ra sao? Nếu không làm rõ trách nhiệm thì việc đầu tư hệ thống quan trắc sẽ trở nên vô nghĩa.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM
|
Tình trạng nước đen bủa vây những trại nuôi cá ở xã Tân Nhựt đã được UBND H.Bình Chánh phản ánh lên UBND TP.HCM từ năm 2017. Theo UBND H.Bình Chánh, nguồn nước ô nhiễm không chỉ từ các hoạt động công nghiệp ở huyện này mà còn từ nhiều nơi khác đổ về khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, nguồn nước ô nhiễm đã làm ảnh hưởng đến hơn 1.700 hộ dân nuôi cá và trồng lúa ở xã này.
Trở lại những điểm nóng ô nhiễm ở H.Bình Chánh, chúng tôi nhận thấy, màu nước trên các tuyến kênh rạch không những không được cải thiện mà càng đen đặc hơn.
Vào buổi trưa, dòng kênh nằm phía sau nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp (KCN) Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh), nước thải sau khi qua xử lý, xả ra kênh vẫn còn màu nâu đỏ và sủi bọt trắng xóa. Mỗi khi mực nước trên dòng kênh nằm trong KCN này xuống thấp, dòng nước chuyển sang màu đen tuyền và bốc mùi hóa chất.
Từ KCN Lê Minh Xuân, bám theo các dòng kênh B, C đi ngược về hướng KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM), chúng tôi không khỏi kinh ngạc về mức độ ô nhiễm nguồn nước ở ngoại thành khi hầu như dòng kênh nào cũng một màu đen kịt. Giống như ở KCN Lê Minh Xuân, các dòng kênh nằm sau cửa xả nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Tân Tạo cũng đều biến thành kênh chết.
Cơ quan giám sát bị “bịt mắt”?
Theo kết quả quan trắc mẫu nước do Công ty Quản lý và Khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM thực hiện trong tháng 10 và tháng 11/2018, hầu hết dòng kênh nói trên đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Cụ thể, ở khu vực gần KCN Lê Minh Xuân, qua phân tích chất lượng nước kênh B, kết quả là các chỉ tiêu coliform vượt quy chuẩn đến 61,3 lần, amoni vượt 3,4 lần, sắt vượt 2,53 lần… Trên kênh C, ở đầu cầu Tân Tạo, chỉ tiêu coliform cũng vượt mức cho phép 32 lần, amoni vượt 4 lần, sắt vượt 2,4 lần…
|
Nước trên tuyến kênh nằm trong khu công nghiệp Lê Minh Xuân đen sì - Ảnh: Hoàng Nhiên |
Từ kết quả quan trắc chất lượng nước cũng như qua khảo sát thực tế, Công ty Quản lý và Khai thác dịch vụ thủy lợi TP.HCM xác định, tại hai KCN Lê Minh Xuân và Tân Tạo, có dấu hiệu xả nước thải ô nhiễm ra kênh, rạch. Theo tài liệu của chúng tôi, hiện tượng ô nhiễm tại KCN Lê Minh Xuân đã từng được đoàn kiểm tra UBND H.Bình Chánh phát hiện từ năm 2017 nhưng vẫn có dấu hiệu tái diễn. Qua nhiều đợt kiểm tra trong năm 2017, UBND H.Bình Chánh xác định, trong KCN Lê Minh Xuân, có tình trạng nước thải công nghiệp ô nhiễm chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa, sau đó đổ ra kênh.
Trao đổi với chúng tôi về công tác giám sát chất lượng nước thải ở các KCN, một cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường của Ban Quản lý các khu chế xuất - KCN TP.HCM (Hepza) cho biết, khoảng từ năm 2014, trạm quan trắc môi trường tự động đã được lắp đặt tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung ở các KCN.
Theo đó, kết quả quan trắc chất lượng nước thải sau khi đã qua xử lý được kết nối với hệ thống quan trắc tự động của Trung tâm Quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM. Do đó, nước thải sau khi xử lý, nếu không đạt quy chuẩn cho phép, sẽ bị đơn vị giám sát phát hiện ngay.
Trên lý thuyết, việc lắp đặt các trạm quan trắc môi trường tự động sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước phát hiện kịp thời tình trạng xử lý nước thải không đạt chuẩn và ngăn chặn được hành vi xả thải ô nhiễm ra môi trường. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thực tế, cơ quan giám sát đã bị “bịt mắt”.
Bằng chứng là qua điều tra, trong tháng 8 và tháng 9/2018, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP.HCM đã lập biên bản, xác định nước thải sau khi qua xử lý tại KCN Lê Minh Xuân và KCN Tân Tạo vẫn có nhiều chỉ tiêu vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần.
Phạt chủ đầu tư hai khu công nghiệp hơn 4,2 tỷ đồng
Căn cứ vào kết quả điều tra của Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP.HCM về hành vi xả nước thải ô nhiễm ra môi trường tại KCN Lê Minh Xuân và KCN Tân Tạo, trong tháng 10/2018, UBND TP.HCM đã ban hành hai quyết định xử phạt hành chính đối với hai chủ đầu tư hạ tầng hai KCN này với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng.
Cụ thể, chủ đầu tư hạ tầng KCN Tân Tạo (Công ty cổ phần Đầu tư KCN Tân Tạo) bị phạt hơn 2,1 tỷ đồng và chủ đầu tư KCN Lê Minh Xuân (Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc) bị phạt hơn 2,1 tỷ đồng. Theo Phòng Cảnh sát môi trường, hai KCN này có tổng khối lượng nước thải hơn 8.500m3/ngày; nếu tình trạng xả thải ô nhiễm nói trên không được khắc phục kịp thời, lượng nước nguy hại xả ra môi trường là rất lớn.
|
Nhóm phóng viên