* Phóng viên: Theo tinh thần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009, các địa phương có trách nhiệm xây dựng quy hoạch khảo cổ, kèm phương án bảo vệ hoặc thăm dò khai quật khi cần. Trong thực tế, đã có địa phương nào ở nước ta thực hiện quy hoạch này chưa, thưa ông?
- PGS-TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: Trước khi có Luật Di sản văn hóa, vào khoảng những năm 1998-2000, Viện Khảo cổ học đã từng bắt tay xây dựng một bản đồ quy hoạch khảo cổ học cho Hà Nội, theo đơn đặt hàng của Sở Văn hóa - Thông tin TP.Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao TP.Hà Nội).
Việc xây dựng bản đồ này diễn ra khá công phu với sự tham gia trực tiếp của các nhà sử học Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng, cùng một số cán bộ khác của Viện Khảo cổ học...
Thời đó, ý chí của các nhà khoa học và quản lý văn hóa là một. Họ ý thức được tầm quan trọng của việc quy hoạch khảo cổ học, ngay cả khi Luật Di sản văn hóa chưa ra đời.
Tiếc là, bản đồ quy hoạch (chủ yếu bốn quận nội thành cũ) sau khi hoàn thành được chuyển về Sở Văn hóa - Thông tin lưu trữ; không hiểu vì lý do gì mà chưa thấy áp dụng bao giờ.
Sau khi có Luật Di sản văn hóa, có hai địa phương là tỉnh Khánh Hòa, Thừa - Thiên Huế thực hiện quy hoạch khảo cổ học. Tuy nhiên, kết quả ra sao, tôi cũng chưa thấy công bố.
Đến nay, trên cả nước, chưa có địa phương nào làm quy hoạch khảo cổ một cách trọn vẹn, kể cả hai thành phố lớn nhất nước là TP.HCM và Hà Nội.
|
PGS-TS Bùi Văn Liêm |
- PGS-TS Bùi Văn Liêm - nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học: Có một số địa phương ngại từ “quy hoạch”. Vì một khi quy hoạch, lại sợ chồng chéo giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... với nhau.
Một số nơi lại nghĩ văn hóa cản bước đi của phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Có nơi dừng lại ở mức độ “kiểm kê” - một trong những bước đầu của quy hoạch. Tuy nhiên, nếu không xây dựng quy hoạch bài bản, sau này, câu chuyện sẽ diễn biến theo hướng rất phức tạp...
* Thực trạng di tích, di chỉ khảo cổ trong thời gian qua ra sao?
- PGS-TS Bùi Văn Liêm: Có rất nhiều di tích, di chỉ khảo cổ học đã biến mất khỏi bản đồ khảo cổ học. Chẳng hạn: di chỉ xóm Cồn (ở P.Cam Linh, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) gần như bị xóa sổ.
Tôi cũng có thể kể ra nhiều di tích, di chỉ khác, đặc biệt là các di tích thuộc thời đại kim khí, từ thời tiền Đông Sơn tới Đông Sơn như văn hóa Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu ở ngoài Bắc và một số điểm miền Trung, miền Nam đều bị ảnh hưởng.
Đây là những tiếng kêu mang tính cấp thiết của các nhà nghiên cứu, nhân dân và công luận. Với những di tích còn lại, ta phải bảo vệ trước, rồi mới tính chuyện quy hoạch, bảo tồn, phát huy.
|
PGS-TS Tống Trung Tín |
- PGS-TS Tống Trung Tín: Trừ những di tích lớn, chẳng hạn như Thăng Long, Thành nhà Hồ... đang được nghiên cứu, tìm giải pháp bảo tồn, thì tất cả di tích lấp để bảo tồn hoặc để ngoài trời đều ở tình trạng bảo quản không tốt, đang bị hủy hoại từng ngày.
Có những di tích có thể bị hủy hoại hoàn toàn. Có những di tích trùng tu không đúng cách. Không ít di tích bị phá hủy ngay sau khi khai quật. Nhìn chung, đó là một thực trạng không tốt, nếu không muốn nói là đau lòng.
* Có tình trạng số lượng di tích, di chỉ khảo cổ được phát hiện tỷ lệ nghịch với bảo vệ di tích, di chỉ. Theo ông, lý do là gì?
- PGS-TS Tống Trung Tín: Lý do chính là ta chưa thực hiện Luật Di sản văn hóa một cách nghiêm túc. Khi thực hiện, cũng không có ai kiểm tra, đôn đốc, giám sát. Tôi cũng chưa thấy có vị nào tự phê bình, xin từ chức hoặc chịu trách nhiệm vì một di tích, di chỉ khảo cổ nào đó biến mất hoặc hư hại cả.
* Mới đây trong một cuộc giám sát về bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TP.HCM, có một người nói rằng, họ rất tiếc khi Lò gốm Hưng Lợi (Q.8) không còn nữa. Ông nghĩ sao về điều này?
- PGS-TS Bùi Văn Liêm: Người ta thường nói câu đó với những việc đã rồi. “Tôi rất đau buồn”, “tôi rất lấy làm tiếc”… khi di tích đó biến mất, khi không giữ được di sản. Đó hình như là câu cửa miệng của những người làm trong lĩnh vực quản lý văn hóa ở ta.
Để không phải nói câu đó, khi di sản chưa bị xâm hại, khi còn “cứu” được, các vị phải làm một cái gì đó đi chứ.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã có những tiếng kêu rất cụ thể, trong nhiều năm qua, hiện nay vẫn đang kêu; nhưng tiếng kêu đó chỉ thực sự phát huy tác dụng khi các cơ quan văn hóa, của các cấp chính quyền vào cuộc.
Trong câu chuyện bảo vệ và phát huy giá trị di sản, đòi hỏi những người quản lý văn hóa, các cấp chính quyền không chỉ có tài, mà cần có tâm và có tầm nữa.
* Có cảm giác, bảo vệ di tích, di chỉ khảo cổ chỉ là ý chí của các nhà khoa học cô đơn, thưa ông?
- PGS-TS Tống Trung Tín: Bảo vệ di tích, di chỉ khảo cổ nói riêng và di sản văn hóa nói chung là chuyện của cả nước, của mọi người, chứ không phải riêng của giới khoa học chúng tôi. Thậm chí, đó cũng là ý chí của Nhà nước, đã được thực tiễn hóa bằng các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, như tôi nói, công tác hậu kiểm ở ta còn tồn tại nhiều vấn đề. Vì thế, nhìn chung, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, chỉ dừng lại ở mấy nhà khoa học già nên hiệu quả không cao. Lắm khi, chúng tôi cũng cảm thấy bất lực.
* Khi một di chỉ, di tích khảo cổ mất đi, cũng đồng nghĩa với điều gì?
- PGS-TS Tống Trung Tín: Cũng có nghĩa, cộng đồng đó, dân tộc đó mất gốc; đồng thời mất trí nhớ. Mất trí nhớ cũng có nghĩa là mất hết.
* Cảm ơn chia sẻ của hai ông.
Cốc Vũ