Thương hiệu lớn bị làm giả, khách hàng khốn khổ đòi quyền lợi

10/12/2018 - 16:41

PNO - Tình trạng mua phải hàng nhái, hàng giả đang diễn ra phổ biến. Một trong những nguyên nhân là do mức xử phạt chưa đủ sức răn đe.

Khi chẳng may mua phải hàng giả, khách hàng phải mất rất nhiều công sức để đòi quyền lợi, có khi “được vạ thì má đã sưng”.

Mất tiền tỷ, rước trúng hàng “dỏm”

Anh V.K.T. - ngụ tại Q.3, TP.HCM - cho biết, năm 2017, anh có ký hợp đồng với Công ty TNHH Thương mại kỹ thuật Hùng Quang (gọi tắt CT Hùng Quang, ở Q.Tân Phú, TP.HCM) lắp đặt hệ thống thang máy cho nhà hàng của mình ở tỉnh Bình Dương. Theo hợp đồng, CT Hùng Quang sẽ lắp đặt 4 thang máy hiệu Mitsubishi cho nhà hàng của anh T. với tổng giá trị là 2,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi CT Hùng Quang mang thang máy đến, anh T. phát hiện thang này không giống như hợp đồng. Mặc dù bên ngoài thang máy có nhãn hiệu của Mitsubishi nhưng nguồn gốc lại không rõ ràng.

Thuong hieu lon bi lam gia, khach hang khon kho doi quyen loi
Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) triệt phá một cơ sở làm mỹ phẩm giả hồi tháng 11/2018.

Tháng 8 và 9/2018, anh T. gửi công văn yêu cầu CT Hùng Quang bổ sung, giải trình rõ nguồn gốc các chứng từ nhưng không được đáp ứng. Ngoài ra, anh T. đã thanh toán cho phía CT Hùng Quang gần 2 tỷ đồng nhưng đến nay, 4 thang máy vẫn nằm “xếp xó” chứ chưa được lắp đặt.

Trong hợp đồng giữa CT Hùng Quang và doanh nghiệp do anh T. làm chủ thể hiện, CT Hùng Quang sẽ cung cấp 4 thang máy nhãn hiệu Mitsubishi P24-2SO-90mp, Mitsubishi P18-4SO-60mp-CO, Mitsubishi 630kg-P8-4SO-60mp-CO. Thế nhưng, Công ty TNHH Thang máy Mitsubishi Việt Nam và Công ty Mitsubishi Elevator Asia Co., Ltd (trụ sở tại Thái Lan) đều có công văn xác nhận các nhãn hiệu thang máy trên không phải của Mitsubishi và không phải do Mitsubishi sản xuất. Ngoài ra, Công ty Thang máy Mitsubishi Việt Nam cũng xác nhận “CT Hùng Quang không phải là đại lý của Công ty Mitsubishi”. Theo anh T., với những xác nhận trên, có thể nhận thấy, CT Hùng Quang giao hàng không đúng chủng loại.

Trả lời phóng viên, ông Trần Hùng - Giám đốc CT Hùng Quang - cho biết: “Bên mình cung cấp sản phẩm chất lượng đúng như thỏa thuận với họ chứ có làm sai đâu. Thang máy của mình là lắp ráp chứ không phải nhập nguyên chiếc của Mitsubishi. Nếu nói giao thang máy không đúng thì trong hợp đồng có quy định rõ rồi, tòa án họ xử bên nào sai thì bên đó chịu”.

Anh T. cho biết, phản hồi của ông Trần Hùng không đúng với thực tế. Bởi lẽ, hợp đồng anh ký kết với CT Hùng Quang là giao thang máy Mitsubishi nhưng sản phẩm anh nhận được không phải của nhãn hàng này. Đáng nói, trong hồ sơ năng lực, hồ sơ giới thiệu công ty và cả danh thiếp của Trần Hùng đều thể hiện CT Hùng Quang là đại lý của Công ty Thang máy Mitsubishi Nhật Bản và của nhiều công ty thang máy nổi tiếng khác. Nhưng phía Mitsubishi lại xác nhận ngược lại. Nhận thấy việc cung cấp thang máy của CT Hùng Quang có dấu hiệu vi phạm pháp luật, anh T. đã làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Thuong hieu lon bi lam gia, khach hang khon kho doi quyen loi

Một khách hàng khác mua phải hàng giả là anh N.D.K. - ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM. Anh K. cho biết, tháng 8/2018, anh lên mạng, thấy có người bán thanh lý 100 chiếc bu-gi NGK với giá 20.000 đồng/chiếc. Thấy rẻ, anh K. bỏ ra 1 triệu đồng mua 50 chiếc về phân phối lại cho một số cửa hàng xe máy của người quen. Khi sử dụng, có nhiều cái không đánh lửa được, một số cái dùng vài hôm thì bị hư. “Tôi liên lạc lại với chỗ bán thì họ biểu lên khiếu nại với nhà phân phối, nhưng khi liên hệ với nhà phân phối thì họ nói lô hàng tôi mua là hàng giả” - anh K. kể. Cũng theo tìm hiểu của anh K., những chiếc bu-gi làm nhái, làm giả như anh mua, ở chợ Tân Thành (TP.HCM) bán giá dưới 10.000 đồng/chiếc. Anh K. chẳng biết gõ cửa nơi nào để đòi quyền lợi.

Hiện còn có tình trạng mua trúng hàng giả tại các cửa hàng mạo danh các thương hiệu lớn. Chị Phương Vy - ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM - mua điện thoại iPhone X hàng xách tay với giá 24,5 triệu đồng tại cửa hàng Bạch Long (767 đường 3/2, P.8, Q.10, TP.HCM), sau 3 ngày sử dụng, điện thoại bị lỗi, chị Vy gọi đến tổng đài, mới biết cửa hàng Bạch Long không thuộc hệ thống bán lẻ của Công ty TNHH Thương mại công nghệ Bạch Long - đơn vị bán điện thoại xách tay có uy tín trên thị trường. 

Trần ai đòi quyền lợi

Anh T. cho biết, 4 chiếc thang máy mà CT Hùng Quang giao cho anh đều có gắn nhãn Mitsubishi. Để chứng minh đây là sản phẩm giả, anh phải gửi công văn đến Mitsubishi yêu cầu xác nhận để lấy đó làm cơ sở tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng. “Để tố cáo hàng giả, hàng kém chất lượng, mình phải chứng minh được đó là hàng giả. Tôi làm doanh nghiệp nên còn biết cách gửi công văn này nọ, nếu là người dân bình thường, sẽ rất khó đòi quyền lợi” - anh T. nói.

Theo luật sư Nguyễn Hà Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM), khi mua nhầm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng nên giữ nguyên hiện trạng hàng hóa và các chứng từ liên quan để liên hệ người đã bán hàng cho mình, yêu cầu đổi hàng, hoàn trả tiền hoặc bồi thường, đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý thị trường hoặc cơ quan công an gần nhất. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể đến các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khiếu nại tại Sở Công Thương địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) để được tư vấn và xem xét giải quyết, thậm chí có thể khởi kiện ra tòa và trọng tài thương mại để xử lý.

Thuong hieu lon bi lam gia, khach hang khon kho doi quyen loi

Đối với cơ sở kinh doanh hàng giả, theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ, tùy mức độ vi phạm mà có thể phạt tiền, tịch thu hàng hóa, tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, buộc phải đổi trả hoặc hoàn tiền và bồi thường cho khách hàng. “Nếu cửa hàng làm ăn gian dối, từng bị xử phạt mà vẫn tiếp tục làm ăn gian dối để lừa người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Nguyễn Hà Phong nói.

Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, khi mua phải những sản phẩm giả, nếu giá tiền thấp, người mua thường không tố cáo vì ngại phiền phức. Với những hợp đồng có giá trị lớn, để đòi quyền lợi, bên mua phải khởi kiện ra tòa. Với trường hợp như anh T., nếu chờ tòa án giải quyết, sẽ trễ hạn khai trương nhà hàng nên anh đành phải thuê một đơn vị khác lắp đặt thang máy, còn số thang máy nghi làm giả vẫn đang “xếp kho” chờ cơ quan chức năng xử lý.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), để cơ quan chức năng xử lý hành vi bán hàng giả mạo, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp (đã đăng ký sở hữu trí tuệ đối với nhãn mác của đơn vị mình) phải đến Trung tâm Nghiên cứu sở hữu trí thuệ thuộc Cục Sở hữu trí tuệ để xác định có sự giả mạo. Sau khi có xác nhận nhãn hiệu đã bị xâm phạm, doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài liệu đó đến cơ quan quản lý thị trường. Còn theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, chủ sở hữu nhãn hiệu bị xâm phạm phải có đơn khiếu nại, cơ quan chức năng mới có cơ sở để kiểm tra, xử lý. Tiếp đến, quản lý thị trường sẽ kiểm tra để chứng minh rằng sản phẩm vi phạm đã được bán trên thị trường. Lúc này, tùy theo mức độ mà xử phạt hành chính hoặc chuyển sang xử lý hình sự.

Tình trạng mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn ra phổ biến và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mức xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao - vẫn thường nói trong các cuộc họp về hàng gian, hàng giả rằng, những người làm hàng giả chỉ vì mục đích lợi nhuận nhưng họ không biết rằng hành động đó đang phá hoại nền sản xuất, cướp mất niềm tin của người tiêu dùng về hàng Việt Nam, làm mất cơ hội phát triển của những người làm ăn chân chính. Tất cả là do sự kiểm soát, quản lý thị trường cẩu thả, lỏng lẻo.

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ thông tin để tránh mua phải hàng giả, nói không với hàng giả dù giá rẻ, kịp thời thông báo cơ quan chức năng khi phát hiện hoặc mua phải hàng giả. 

Triệt phá nhiều đường dây làm hàng giả

- Đầu tháng 11/2018, Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) phát hiện một cơ sở nằm trong hẻm 98 Trần Quang Cơ sản xuất mỹ phẩm, nước hoa không rõ nguồn gốc. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện các công nhân đang san chiết, đóng gói nhiều loại mỹ phẩm, nước hoa mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Gucci, Chanel, D&G với hàng ngàn sản phẩm.

- Tháng 10/2018, Công an tỉnh Quảng Nam bắt quả tang Nguyễn Văn Tùng (48 tuổi, ở P.Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) đang làm bột ngọt giả thương hiệu Aone, thu giữ 1.250 gói, cùng nhiều vật liệu, phương tiện để làm bột ngọt giả.

- Tháng 5/2018, Công an TP.Cần Thơ phát hiện kho hàng của chi nhánh Doanh nghiệp tư nhân Bành Âu Hấu (H.Phong Điền, TP.Cần Thơ) sản xuất hơn 2.000 lít dầu nhớt giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường như Castrol, Shell, BP.

Sơn Vinh - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI