PNO - Đứng trên góc nhìn mua sắm và tiêu dùng bình dân, đây là vấn đề năng lực yếu kém của quản lý ngành hàng thời trang tại Big C và các công ty may đối tác, dẫn tới kinh doanh không hiệu quả.
Có thêm một cái quần hay cái áo của doanh nghiệp Việt trên kệ hàng là họ có thêm lợi nhuận. Là nhà buôn, các ông chủ người Thái của Big C dư sức hiểu điều này. Họ luôn ý thức rõ hàng Thái trên kệ thì được bao nhiêu và liệu bao nhiêu người Việt có tiền để mua những thứ ấy.
Thế nên, câu chuyện Big C ngừng đặt hàng các sản phẩm dệt may từ các nhà cung cấp Việt Nam có lẽ không phải là vấn đề hàng Việt hay hàng Thái. Đứng trên góc nhìn mua sắm và tiêu dùng bình dân, đây là vấn đề năng lực yếu kém của quản lý ngành hàng thời trang tại Big C và các công ty may đối tác, dẫn tới kinh doanh không hiệu quả. Đã từ lâu, Big C không phải là chỗ shopping của những tín đồ thời trang bình dân. Nhìn sang các đại siêu thị như Emart, Lotte Mart, Aeon Mall, hàng may mặc Việt ở đó có cách trình bày quầy, kệ, gian hàng và chất lượng hơn hẳn Big C. Hàng thời trang sản xuất trong nước tại đó vẫn có nhiều khách mua. Big C cũng muốn có được điều ấy.
Tiếp quản Big C, người Thái có thể đã nhận ra sự yếu kém trong tổ chức kinh doanh của trưởng ngành hàng thời trang, may mặc. Không biết do vô tình hay hữu ý, hàng chất lượng kém, mang tính thủ công cao, luôn tập trung vào họ; dẫn tới việc khách mua không thèm ngó và hiệu quả kinh doanh thấp. Họ có lẽ đã muốn tổ chức làm lại, chuyên nghiệp hơn. Về phía doanh nghiệp Việt, có hàng ngàn công ty may. Những công ty may cung cấp hàng cho Big C không phải đại diện cho tất cả.
Một chiếc quần jeans ráp bằng robot lập trình tự động luôn đẹp hơn ráp bằng tay. Các chi tiết áo kiểu nữ cắt bằng máy cắt vòng hay máy laser đẹp hơn máy cắt tay truyền thống. Áo thun cotton được mổ trụ cổ bằng máy bao giờ cũng đẹp và chính xác hơn. Cho dù công nhân có khéo tay và nhanh nhẹn cỡ nào cũng không thể theo kịp quy trình sản xuất hiện đại. Định nghĩa sản xuất thời nay vô cùng khác. Trong giới may mặc “có số má” tại Sài Gòn, họ bắt đầu hỏi nhau có bao nhiêu máy lập trình tự động, không còn hỏi công ty có bao nhiêu công nhân như xưa.
Những doanh nghiệp có tư duy như vậy rất ít, nhưng bù lại, các siêu thị rất muốn làm việc với họ. Các doanh nghiệp như vậy thì lại thích cách làm việc của các siêu thị Hàn, Nhật hơn là tư duy cũ kỹ như Big C. Họ có xu hướng đầu tư tâm huyết và công nghệ nhiều hơn cho hàng hóa của họ ở đó. Họ không muốn mệt đầu với những chiêu trò của các quản lý ngành hàng siêu thị. Họ muốn chuyên tâm hơn cho hoạt động sản xuất, nâng cao công nghệ, mẫu mã của mình.
Big C ngừng đặt hàng các sản phẩm dệt may Việt Nam không phải là vấn đề hàng Việt hay hàng Thái - Ảnh: P.Huy
Trong vòng xoáy thị trường mênh mông ấy, vô tình, với cách làm xưa cũ, ngành hàng may mặc của Big C đã gạn lọc lại đa phần các doanh nghiệp may còn ở thời thủ công. Mà thường, sản xuất phụ thuộc quá nhiều vào con người, sản phẩm sẽ không đồng bộ, chưa nói tới sự gian lận, ăn thua và không đồng nhất của sản phẩm khi tới tay người tiêu dùng.
Kinh doanh thời trang là ngành hàng tương đối phức tạp. Khi đã lỗi mốt, lỗi màu là coi như vứt bỏ. Một mẫu nhiều size, mỗi size lại có số lượng khác nhau. Tính toán không khéo giữa ít, nhiều, tồn, bỏ... giá thành sẽ không thực tế. Siêu thị và nhà sản xuất phối hợp với nhau không tốt, không thể khuyến mãi cho khách, cũng là lý do hàng hóa ế ẩm. Cách đây chưa lâu, Co.opmart đã khoán lại cho may Nhà Bè, để họ quản lý kinh doanh ngành hàng phức tạp này một cách chuyên nghiệp hơn.
Đã tới lúc các cơ quan quản lý, các hiệp hội nghề nghĩ đến những người có năng lực thực thụ để tư vấn đầu tư cho doanh nghiệp may Việt, chứ không phải cưỡi ngựa xem hoa kiểu cũ. Từ đó mới mong có những chính sách tốt để phát triển. Một chính sách hỗ trợ nhập khẩu máy móc tự động hóa cũng quan trọng không kém những chính sách về thương mại, thuế quan. Thậm chí, có thể còn quan trọng hơn.
Dệt may Trung Quốc chú trọng điều căn bản này hơn là tham gia các tổ chức và hiệp ước thương mại quốc tế. Họ hỗ trợ tài chính và tạo nhiều điều kiện cho các công ty nhập khẩu máy móc hiện đại; khuyến khích nội địa hóa máy lập trình và hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp sử dụng máy chế tạo trong nước. Trung Quốc nhanh chóng có được hàng chất lượng cao để xuất khẩu là minh chứng cho hướng đi đúng đắn và thực tế ấy. Sản xuất được hàng đẹp, chất lượng để vượt lên mới là chuyện khó; còn phân phối, thương mại hay ký kết các hiệp ước kinh tế đơn giản hơn nhiều.
Quản lý nhà nước ta chú tâm phá bỏ các rào cản thương mại để bán hàng. Nhưng khi nhìn lại, doanh nghiệp chẳng có máy móc, chẳng làm được gì để nâng cao chất lượng cả. Tư duy công nghiệp yếu kém sẽ không có máy móc tốt. Không có máy móc tốt thì không bao giờ có sản phẩm tốt. Không có sản phẩm tốt, dù ta có san bằng mọi biên giới thương mại thì cũng chả có tác dụng gì nhiều với doanh nghiệp nước nhà.
Mãi làm thủ công, con người và tri thức dần tàn lụi. Lúc ấy, các hiệp định thương mại xuyên biên giới liệu sẽ giúp được gì cho doanh nghiệp Việt? Thị trường, cả sản xuất và phân phối, dần rơi vào tay doanh nghiệp ngoại. Khi đó, việc làm “thú vị” nhất là ngồi cãi nhau mãi về danh hiệu và về lòng yêu nước!