Nước mắt cùng quẫn ở một làng miền tây

28/09/2018 - 06:26

PNO - Nhiều năm nay, người dân ở H.Đức Hòa, tỉnh Long An kéo nhau đi xuất khẩu lao động để đổi đời; nhiều gia đình chấp nhận bán trâu, bò, cầm giấy tờ nhà, vay nóng...

Nắm bắt được tâm lý này, một tay giám đốc “rởm” đã đến đây giăng bẫy chiếm đoạt tiền của hàng chục hộ nghèo. 

Nuoc mat cung quan o mot lang mien tay
Ở ấp Hòa Thuận 2, xã Hiệp Hòa, có hàng chục gia đình nông dân nghèo lâm vào cảnh nợ nần do bị Bình lừa.

Trâu bò, nhà cửa “đội nón” ra đi

Hay tin chúng tôi về xã Hiệp Hòa, H.Đức Hòa, tỉnh Long An tìm hiểu về chuyện lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ), anh Nguyễn Hoàng Nam đang làm việc ngoài đồng không kịp rửa tay, vội vã lao lên bờ: “May quá, anh chị đến đây vào Chủ nhật nên sẽ gặp được nhiều người. Sau vụ bị lừa tiền XKLĐ, hầu hết bọn em phải bỏ quê đi làm ăn xa để mong có tiền trả nợ, cuối tuần mới về nhà. Giờ tụi em khổ quá, không biết khi nào đòi lại được tiền”.

Đưa chúng tôi đến một căn nhà lợp mái tôn trống hoác, ngả màu đen sì, anh Nam phân trần: “Nhà này của bà chị thứ năm, cũng bị lừa cả trăm triệu đồng tiền XKLĐ. Cả vùng này có đến mấy chục người bị lừa, nên anh chị yên tâm ngồi đợi tí, em gọi họ tới”. Dứt lời, anh Nam móc điện thoại gọi một hồi theo danh sách nạn nhân bị lừa tiền đi XKLĐ dài ngoằng. Người ít thì vài chục triệu đồng, người nhiều cũng vài trăm triệu. Nghe tin có phóng viên về tìm hiểu vụ lừa XKLĐ, các nạn nhân lần lượt kéo đến. Họ là những nông dân nghèo, những thanh niên, thiếu nữ ngày đêm đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng. 

Năm ngoái, bỗng dưng xuất hiện một tay "giám đốc" tên Đoàn Duy Bình đến xã Hiệp Hòa này gợi ý giúp người dân nghèo ở đây sang Nhật Bản làm việc. Ở xã này, từng có mấy người đi lao động ở Nhật về, có tiền xây nhà cửa nên người dân ở đây ai cũng mơ được đi nước ngoài làm việc. Gã "giám đốc" Bình “nổ” rằng, mình được nhà tuyển dụng bên Nhật Bản giao trọng trách tuyển dụng nhân sự nên có quyền bảo lãnh cho bất cứ ai muốn qua đó làm việc. Tưởng được trao cơ hội vàng để đổi đời, người dân xã Hiệp Hòa ùn ùn đóng tiền cho gã. Nhà nào không có tiền thì bán trâu bò, cầm giấy tờ nhà, vay nóng để đóng cho kịp. Anh Trần Văn Sang (ở ấp Hòa Thuận 2) kể: “Ở quê, làm hoài không khá nổi nên ngay khi gặp ông Bình, thấy ổng đã từng đưa được một người trong xóm sang Nhật thành công, tôi liền về bàn với gia đình thế chấp nhà vay ngân hàng, đóng cho ông Bình tổng cộng 143 triệu đồng”. 

“Giám đốc” Bình là ai?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người bị tố cáo lừa đảo XKLĐ là Đoàn Duy Bình, sinh năm 1984, thường trú tại đường Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp, TP.HCM. Trước đây, Bình có lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hajime, có trụ sở trên đường Phan Huy Ích, P.12, Q.Gò Vấp nhưng vào năm 2015, công ty bị tố cáo lừa đảo nên Bình đóng cửa. Tuy vậy, Bình vẫn dùng “mác” giám đốc đi lừa tiền của mọi người với lời hứa giải quyết cho họ XKLĐ.

Những người đóng tiền cho ông Bình hầu hết là công nhân, nông dân nghèo. Nghe ông Bình vẽ ra viễn cảnh làm việc bên Nhật, lương 30 - 40 triệu đồng/tháng, nhiều gia đình không ngần ngại vay nóng hàng trăm triệu đóng cho ông Bình để ông này bảo lãnh cùng lúc hai, ba thành viên sang Nhật. “Riêng một mình tôi cũng đã kéo cả đường dây hơn chục người đến với ông Bình, đóng cho ổng hơn 1 tỷ đồng. Số tiền đó, chúng tôi toàn đi vay nóng, lãi suất 10 - 20%/tháng” - chị Nguyễn Thị Hải rơm rớm nước mắt. Theo chị Hải, sau khi tư vấn cho chị chỗ ăn, ở, công việc ngon lành tại một công ty điện tử ở Nhật với thu nhập 30 - 40 triệu đồng/tháng, ông Bình cam đoan, mọi chi phí sang Nhật làm việc chỉ gói gọn trong 100 triệu đồng. Đang chưa biết đào đâu ra tiền thì ông Bình tiếp tục: “Chỉ cần đóng 1.500 USD, số còn lại có thể trừ dần vào tiền lương khi qua bên đó làm việc”. Lời hứa từ ông Bình quá ngon lành khiến chị không chút nghi ngờ.

Nuoc mat cung quan o mot lang mien tay
 

Ngày 21/6/2017, chị Hải đi mượn tiền đóng cho ông Bình 1.500 USD phí hồ sơ. Sau đó, ông Bình đăng ký cho chị đi học lớp tiếng Nhật. Nửa tháng sau, ông ta tiếp tục yêu cầu chị đóng thêm 550 USD chi phí vé máy bay và hành lý sang Nhật. Ít hôm sau đợt đóng tiền này, ông Bình gọi điện, báo rằng vị giám đốc người Nhật - sếp tương lai của chị - đang có mặt ở Việt Nam, sẵn sàng trò chuyện cùng chị để trao đổi công việc. Ái ngại vì ngôn ngữ chưa thông, chị Hải từ chối. Mười ngày sau, chị Hải tiếp tục đóng thêm 2.000 USD chi phí chống bỏ trốn cho ông Bình (theo ông Bình, do có nhiều người Việt sang Nhật Bản làm việc đã bỏ trốn nên chính phủ nước này yêu cầu đóng thêm khoản tiền nhằm “trói chân” người lao động nhập khẩu). Sau đó, chị Hải mừng rỡ nhận yêu cầu đi khám sức khỏe, chờ ngày nhận visa lên đường sang Nhật.

Trước khi gặp ông Bình, chị Hải đang làm quản lý cho một công ty lớn ở Q.Bình Tân, TP.HCM. Nghe tin chị Hải nghỉ việc để chuẩn bị đi XKLĐ, nhiều đồng nghiệp tò mò hỏi thăm, bày tỏ mong muốn được đi theo “con đường” của chị. Chị Hải không ngần ngại đưa cho họ số điện thoại của ông Bình. Nhiều đồng nghiệp của chị sau đó cũng nghỉ việc, vay mượn tiền đóng cho ông Bình tổng cộng hơn 100 triệu đồng/người để được đi XKLĐ. 

Khi nghe Bình “chém gió” là chị Hải chỉ còn chờ nhận visa sang Nhật Bản làm việc, hai anh trai và mấy người bạn của chị càng háo hức muốn đi theo. Chị Hải liền gọi cho ông Bình, hỏi có thu xếp cho những người thân của mình làm cùng công ty ở Nhật hay không, ông Bình… vẽ: “Thật ra, công ty này chỉ cần thêm 4 người, nhưng để anh liên lạc với giám đốc bên đó xem sao”. Chưa đầy 1 giờ sau, ông Bình trả lời: “Giám đốc đồng ý rồi, công ty đó có tổng cộng 17 người Việt đang làm việc nên họ cũng muốn tuyển thêm người Việt. Chỗ quen thân, giám đốc giao cho anh quyền tiến cử thẳng nên không có vấn đề gì đâu, nhưng mà nhanh lên nhé, kẻo họ tuyển được người”. Vui mừng lẫn sợ mất cơ hội, những người trên nhanh chóng đi vay nóng hơn 100 triệu đồng/người đóng cho Bình.

Nuoc mat cung quan o mot lang mien tay
Anh Sang bị đối tượng Bình lừa hơn 140 triệu đồng

Bằng chiêu thức này, chỉ trong vòng nửa năm, Bình đã lừa gạt hàng chục người. Chỉ riêng ở ấp Hòa Thuận 2, ông Bình đã “ẵm” được của dân nghèo hàng tỷ đồng. Điều lạ lùng là thay vì ký hợp đồng XKLĐ như quy định, ông Bình chỉ ký hợp đồng vay tiền của mọi người với thời hạn vài tháng, không lãi suất. Theo người dân, họ thấy sự bất thường của các hợp đồng vay nhưng sợ mất cơ hội sang Nhật làm việc, trong khi ông Bình lại liên tục hối thúc, nên họ đành “chơi liều”.

Anh Lâm Văn Bảnh (ở xã Hiệp Hòa) nhớ lại: “Tôi đồng ý cho con trai đi theo đường dây của Bình vì hắn có về đây nhậu, giao lưu mấy lần với gia đình. Khi Bình yêu cầu đóng tiền đợt 1, trong nhà không còn đồng nào, tôi phải vội vàng đi vay nóng 20 triệu đồng để đưa. Đến đợt 2, Bình bảo tôi đóng tiếp 20 triệu đồng nữa nhưng tôi lu bu quá, đành kêu bà xã mang tiền lên Sài Gòn gặp Bình, đóng ở quán cà phê. Lúc về, vợ tôi đưa cho tôi vỏn vẹn cái giấy chứng nhận Bình vay nợ thằng Tú 40 triệu đồng. Tin tưởng nên tôi có nghĩ ngợi gì về cái giấy chứng nhận này đâu”. Người dân nơi đây tin tưởng ông Bình đến mức không để ý phương thức giao - nhận tiền của ông ta: có lúc, ông Bình đến tận nhà để thu, khi thì hẹn mọi người đóng tiền tại một quán cà phê ở TP.HCM, mọi giao dịch diễn ra chóng vánh và ông Bình không khi nào đếm lại tiền sau khi nhận. Bà Nguyễn Thị Nga ngao ngán: “Chúng tôi đưa tiền xong, ông Bình chẳng khi nào thèm đếm lại. Ông chờ chúng tôi đi xong rồi cứ thế “hốt” tiền cho vào ba-lô, không phân biệt của người nào với người nào”.

Khốn khổ vì vay nóng

Sau khi thu 100 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Nga để đưa con gái bà là Hoài Anh sang Nhật, ông Bình yêu cầu Hoài Anh đi khám sức khỏe. Sau đó, ông báo tin Hoài Anh không đủ sức khỏe để sang Nhật Bản làm việc, nhiều lần hứa lèo rồi cắt liên lạc với chị Nga, đẩy chị vào cảnh khốn đốn với khoản nợ 100 triệu đồng vay của “tín dụng đen”, lãi suất 10%/tháng. Hơn 1 năm nay, lãi mẹ đẻ lãi con, gia đình bà Nga suốt ngày bị “xã hội đen” đến đòi nợ, chửi bới khiến bà không lúc nào yên. Bức quá, bà Nga dùng số điện thoại khác “năn nỉ” ông Bình, xin mỗi tháng chỉ cần trả lại đủ số tiền đóng lãi, còn nợ gốc, bà sẽ tự xoay. Ông Bình cũng hứa hẹn sẽ giúp bà đóng lãi, nhưng chỉ hứa suông.

Nuoc mat cung quan o mot lang mien tay
Sau khi nhận hơn 100 triệu đồng, "giám đốc" Bình liền cắt liên lạc với chị Nga.

Nếu thấy số điện thoại của các nạn nhân, ông Bình không nghe máy; nếu các nạn nhân dùng số khác gọi đòi tiền, ông Bình luôn nói mình đang… đi xa. Lên các trang mạng xã hội tìm kiếm ông Bình, người dân giật mình khi thấy ông ra tận ngoài Bắc, đến các vùng quê để tiếp tục lừa gạt người nuôi mộng XKLĐ. “Trong khi tôi lao lực đi tìm kiếm ông Bình thì ổng lại đi lừa người khác. Con người này sao ác độc quá vậy” - anh Nguyễn Hoàng Nam tức tưởi. Tháng 10/2017, cũng vì tin tưởng Bình, anh Nam về xin cha mẹ bán trâu bò, mấy bao lúa, gom đủ 40 triệu đồng đóng cho Bình chi phí làm hồ sơ. 

Đến nay, cha anh Nam vẫn không hề hay biết vợ con mình bị lừa. Số tiền gần 50 triệu đồng bán trâu và mấy giạ lúa ban đầu, mẹ anh giấu chồng đưa con đóng chi phí làm hồ sơ, nhưng lại nói với chồng là gửi vào ngân hàng, để dành sửa nhà. “Căn nhà cấp 4 không được tô tường xi măng, giờ gạch đổ ra, nhiều chỗ dột, ba tôi hối thúc mẹ ra ngân hàng lấy tiền về sửa, nhìn mẹ ấp úng nói với ba ráng chờ thêm vài tháng cho đủ tiền mà lòng tôi đau như cắt” - anh Nam sụt sùi. Mười ngày sau, anh Nam nhờ mẹ vay thêm 45 triệu đồng đóng tiền đặt cọc “chống trốn”.

Nửa tháng sau, ông Bình thông báo đã có visa, yêu cầu đóng thêm 45 triệu đồng, anh Nam tiếp tục nhờ mẹ đi vay nóng. Nghĩ đến số tiền đã mất và khoản nợ phải trả, anh Nam đau đớn: “Phải chi lúc đó, tôi nghe lời ba tôi thì đã không đến nước này”. Ngày anh Nam thổ lộ ý định qua Nhật làm cơ khí, thu nhập mỗi tháng hơn 30 triệu đồng, cha anh đã phản đối vì ông bà chỉ có một người con, không muốn con xa gia đình. Mẹ anh phải giấu chồng, lo tiền để anh được sang Nhật. 

Nuoc mat cung quan o mot lang mien tay
Tờ cam kết của đối tượng Bình với nạn nhân nhưng không thực hiện
Sở Lao động - Thương binh và  Xã hội vào cuộc

Tháng 5/2018, sau khi biết mình bị lừa, anh Nam lên TP.HCM tìm việc làm tại một nhà hàng, thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng vẫn không đủ giúp mẹ trang trải khoản lãi vay hằng tháng. Mỗi lần thấy con trai từ thành phố về, mẹ anh lại sốt ruột: “Sao rồi con, người ta có trả cho mình được đồng nào không?”. Thấy con trai lắc đầu, bà buồn phiền không nói năng gì. “Tôi nhìn mẹ nửa tìm cách giấu ba, nửa tiếc nuối vì mất tiền mà không biết phải làm sao. Cha mẹ tôi đã già yếu, nhiều bệnh tật, lần nào về nhìn ba mẹ rồi nhìn căn nhà dột nát, tôi chỉ biết khóc” - anh Nam ôm ngực, nghẹn ngào.

Nghĩ đến gia đình, hễ quay lại thành phố làm việc, anh Nam tranh thủ lúc tan ca, ôm ba-lô rảo khắp các nơi ông Bình từng hẹn gặp anh hòng tìm thấy ông Bình, mong đòi lại được đồng nào hay đồng đó. Đêm xuống, anh xin các quán cà phê cho ngủ lại, hy vọng, biết đâu một sáng nào đó sẽ bắt gặp ông Bình đến quán uống cà phê. Anh Nam rưng rưng: “Có lần, lúc 4g sáng, tôi bị đau bao tử mà trong túi không còn đồng nào. Đau quá, tôi ráng lê người đến nhà người bạn hỏi mượn tiền để nhập viện mà thấy tủi phận, cay đắng. Tôi không biết khi dùng những đồng tiền lừa gạt được, ông Bình có nghĩ đến nước mắt đau khổ của chúng tôi không”.

Chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hải bức xúc: “Cũng vì gia cảnh khó khăn, muốn giúp đỡ cha mẹ nên chúng tôi đặt hết niềm tin vào ông Bình. Biết là ra xứ người làm việc không sung sướng gì, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận, mong sau này có vốn liếng trả nợ, làm ăn. Giờ chúng tôi đều trở thành con nợ hết. Thiệt quá đau lòng”. Bây giờ, từ một người có nhiều bạn bè, chị Hải ngại tiếp xúc với mọi người vì gặp ai cũng bị hỏi “chuyện đi Nhật sao rồi”. Sau một năm kể từ ngày nghỉ việc để đi học tiếng Nhật, chị Hải đã tìm được việc làm ở một công ty khác, nhưng trước đây chị làm quản lý, giờ phải đi làm công nhân với thu nhập ít hơn, công việc nặng hơn. “Tôi trở lại công ty cũ cũng được, nhưng mặt mũi nào mà xin trở lại?” - chị Hải cố ngăn dòng nước mắt.

***

Chiều muộn, khi chúng tôi rời ấp Hòa Thuận 2, xã Hiệp Hòa, lại có một đoàn người đang khăn gói chuẩn bị lên TP.HCM học tiếng Nhật. Hỏi ra mới biết, sau khi bị ông Bình lừa, họ lại cầm giấy tờ nhà, vay mượn tiền để theo đường dây môi giới XKLĐ khác. “Bây giờ, không đi nước ngoài làm thì lấy tiền đâu mà trả nợ? Tụi em nghe nói chỗ này uy tín lắm, đã từng đưa được mấy người xã bên qua Nhật làm rồi nên mới liều lao theo” - cậu thanh niên chừng 18 tuổi giải thích về việc tiếp tục giấc mơ XKLĐ. Chúng tôi hỏi nếu bị lừa nữa thì sao, cậu thanh niên lắc đầu rồi đáp giọng buồn thiu: “Chắc em tự vẫn quá”. 

Chúng tôi lấy làm lạ vì ở một nơi có nhu cầu XKLĐ rất lớn như H.Đức Hòa hay xã Hiệp Hòa nói riêng, người dân lại không được cơ quan chuyên trách tư vấn, làm cầu nối với các công ty uy tín để được XKLĐ một cách bài bản, ít tốn kém, ít rủi ro. Anh Lâm Văn Bảnh cho biết, cũng vừa vay mượn một khoản tiền để đưa cậu con trai theo đường dây XKLĐ mới, nhưng rất hồi hộp về kết quả. “Nếu ngành lao động - thương binh và xã hội địa phương đứng ra tư vấn, hướng dẫn thì chúng tôi đâu phải tự tìm chỗ rồi dính bẫy như hôm nay” - anh Bảnh nói. 

Công an TP.HCM điều tra

Hiện tại, khoảng 50 người dân đã gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Đoàn Duy Bình. Ngày 17/9, khi Báo Phụ Nữ TP.HCM đăng bài Hàng chục người dính bẫy lừa xuất khẩu lao động, cơ quan điều tra Công an TP.HCM đã liên hệ, nắm bắt thông tin liên quan đến vụ việc. Theo nguồn tin của phóng viên, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng, Công an TP.HCM đã lấy lời khai của các nạn nhân để điều tra hành vi lừa đảo của Bình.

Tuyết Dân - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI