Chỉ đến khi ổ nhóm cờ bạc này bị bắt, người dân sống xung quanh khu đô thị đó mới giật mình “người ở đâu ra mà lắm thế”.
Bí ẩn tại Our City
Từ quán bia hơi trên đường Phạm Văn Đồng (P.Hải Thành, Q.Kinh Dương, TP.Hải Phòng), nhìn chếch sang phía bên kia là khu đô thị Our City. Vài khách du lịch hỏi bà chủ quán: “Mấy trăm người bị trục xuất khỏi đây, hẳn là bà chủ tiếc lắm?”. Đang chặt thịt gà, bà Hoan cắm phập con dao xuống thớt: “Chả ảnh hưởng gì. Nhà chị có bán được gì cho họ bao giờ đâu. Họ đều tự nấu cơm, chỉ thỉnh thoảng có người sang ăn đĩa bún đậu hay bát phở. Chị bán cho người Việt hay người nước ngoài đều như nhau, mà họ nghĩ chị bán đắt hay sao đó, chẳng bao giờ thấy người nào quay lại lần thứ hai”.
Cùng dãy phố, quán nước kiêm tiệm tạp hóa của bà Loan nằm đối diện khu đô thị Our City. Nhắc chuyện bắt ổ bạc mấy trăm người, bà Loan vẫn chưa hết bàng hoàng: “Khi công an bao vây, bắt tội phạm, chúng tôi mới biết là bên đó có đến mấy trăm người”. Bên khu đô thị Our City, có cái đài phun nước; thỉnh thoảng, cháu bà Loan và mấy đứa trẻ trong khu chạy sang bên đó chơi, nên bà có chạy qua đón cháu về. Bà bấm đầu ngón tay: “Khu này có từ năm Ngọ, đến nay là năm thứ sáu, nhưng tôi chưa bao giờ đến chỗ nào ngoài cái đài phun nước, cũng chưa bao giờ biết về những người sống trong đó”.
Một tiệm tạp hóa tại khu đô thị Our City
Bà Loan bảo, bà ấn tượng về người sống bên khu đô thị Our City duy nhất một chuyện, là họ mua hàng rất “chắc”: “Có người mua bao thuốc lá Thăng Long mềm, hỏi bao nhiêu tiền, nghe tôi nói 9.500 đồng, họ lắc đầu, không mua nữa. Có người mua phong kẹo cao su, tôi nói 5.000 đồng, họ trả lại tôi và ra hiệu bảo ở nước họ, giá chỉ 4.000 đồng thôi”.
Bà Loan nhớ lại: “Khi bên đó xây dựng, công nhân đều là người Trung Quốc, nhưng không bao giờ họ sang bên này mua bán bất cứ thứ gì. Lúc xây xong khu này, họ căng quảng cáo trên xe chạy khắp thành phố, rao “mua một tầng tặng một tầng”. Giá mỗi căn 5-7 tỷ đồng nên cũng không ai quan tâm”.
Ông Lê Văn Hưng - nhân viên của một hãng vận tải, hằng ngày vẫn kiểm tra khách ở khoảng sân lớn của khu đô thị - chợt phỏng đoán: “Căn hộ, giá bảy tỷ ở rìa thành phố thì ai mua? Bảy tỷ bây giờ mua được cả căn biệt thự ven sông trong khu đô thị hiện đại. Có khi nào họ cố ý đưa giá cao để người Việt mình không ai quan tâm?”.
“Phố Tàu” dẹp được, đặc khu thì… khó
Dự án khu đô thị Our City được cấp phép từ năm 2005 và là dự án bất động sản đầu tiên của Việt Nam có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Những người dân như bà Loan, ông Hưng vẫn nhớ khi đó, họ được biết Our City sẽ trở thành khu đô thị quy mô, hiện đại tầm cỡ quốc tế, với rất nhiều hạng mục được “vẽ” ra. Nhưng đến bây giờ, sau 14 năm, Our City chỉ có một dãy nhà mặt tiền, chắn ngang tầm mắt người qua lại, chẳng ai biết bên trong có những gì.
Người dân chỉ thấy những cửa hàng tiện ích, những quán cà phê hoặc nhà hàng mang đậm “màu” Trung Quốc. Khi khu đô thị này chuẩn bị đi vào hoạt động, cháu gái của ông Hưng đã đi học tiếng Trung để xin vào làm ở nhà hàng của Our City. Ông nghe cháu gái kể, nhà hàng đó 100% khách là người Trung Quốc, chưa bao giờ có một vị khách Việt nào, và bất cứ ai không phải là người Trung Quốc đều bị từ chối phục vụ.
Một con đường của xã Ngũ Lão, nơi từng được gọi là “phố Tàu”
Ông Hưng thở dài bảo, Our City hoàn toàn là “lãnh địa” của người Trung Quốc, và họ hoạt động quá “hoàn hảo”: “Tôi làm ở đây mấy năm trời, bao lần chờ khách, kiểm khách nhưng hầu như không thấy ai ra vào bao giờ. Chỉ có khoảng 10 người thường xuyên đi lại, ngoài số đó ra, không bao giờ tôi thấy mặt một ai khác. Thỉnh thoảng, có xe 16 chỗ chở người đến, cứ tưởng là khách du lịch Trung Quốc vì bên đó có khách sạn Qbox cho thuê phòng qua mạng, có những đoàn mấy chục người đến ở một thời gian rồi lại đi”.
Ông Hưng cũng chứng kiến quán ăn, nhà hàng ở Our City luôn đông khách vào buổi tối. Ngày nào cũng có 10-20 xe taxi chở khách Trung Quốc đến ăn. Ông kết luận: “Họ che đậy quá bài bản, như thể đã có “kế hoạch” dài hạn ngay từ khi khu đô thị đi vào hoạt động. Gần 6 năm trời và chừng đó con người không bao giờ thò mặt ra khỏi phòng. Nhà hàng kia là để phục vụ gần 400 người đó. Cơm 80.000 đồng/suất, có người đưa đến tận phòng chứ họ cũng không được ra ngoài ăn”. Đặc biệt, trong 380 người đó, chỉ 27 người có đăng ký tạm trú.
Bà Loan, bà Hoan, ông Hưng đều thắc mắc: mức tiêu thụ điện, nước của 380 con người là quá khác so với con số 27 người đăng ký, sao đến năm thứ sáu đi vào hoạt động, Our City mới “vỡ ổ chuồn chuồn”?
Nơi các đối tượng tổ chức đường dây đánh bạc
Our City không phải là khu “phố Tàu” duy nhất của TP.Hải Phòng. Trước đây, ở các xã Ngũ Lão, Tam Hưng, Minh Đức (H.Thủy Nguyên), từng có những “làng Trung Quốc”, “phố Trung Quốc” với hàng ngàn lao động không có hộ chiếu, visa. Những dãy phố, biển quảng cáo dày đặc chữ Hán được dựng lên để phục vụ người Trung Quốc. Khi dư luận phản ánh, những “phố Tàu” này đã được các cơ quan chức năng xử lý. Thế nhưng, khu đô thị Our City gần như là đặc khu, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Không chỉ người dân, chính quyền cơ sở mà không ít cơ quan chức năng cấp thành phố cũng thừa nhận, việc vào khu đô thị này là rất khó khăn. Đất của Our City thuộc tổ 2A, P.Hải Thành, nhưng ông tổ trưởng Phạm Quang Đảo chưa bao giờ gặp được ban quản lý khu đô thị mỗi khi địa phương có chương trình ủng hộ người nghèo hay vùng bão lụt.
Vì sao Our City lại là nơi “nội bất xuất, ngoại bất nhập?”. Lý do, Our City là khu đô thị có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, nên mọi vấn đề liên quan đều do cơ quan chức năng cấp thành phố quyết định. Thậm chí, theo lời nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng, “công an hay lực lượng an ninh cũng vậy vì doanh nghiệp nước ngoài này khép kín nên mình vào rất khó khăn”. Còn cấp quận, kể cả có đến làm việc cũng phải có kế hoạch cụ thể và thông báo trước cho ban quản lý khu đô thị. Cùng với đó, là công tác quản lý cư trú đối với người nước ngoài hiện nay đang bị chồng chéo giữa các đơn vị (công an thành phố, sở ngoại vụ, ban quản lý khu kinh tế).
Chiều 27/7, gần 1.000 chiến sĩ cảnh sát đã bao vây, đột kích khu đô thị Our City, khám xét hơn 100 phòng, tạm giữ 380 người Trung Quốc tham gia đường dây cờ bạc. Cơ quan chức năng xác định, số tiền đã giao dịch trên hệ thống mạng đánh bạc là hơn 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng hơn 10.000 tỷ đồng). Tại đây, công an thu giữ gần 2.000 điện thoại di động thông minh, 533 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt, cùng nhiều vật dụng, tài liệu liên quan đến vụ án. Rạng sáng 1/8, Công an TP.Hải Phòng và Bộ Công an đã tổ chức dẫn độ 380 đối tượng người Trung Quốc bị bắt trong chuyên án này ra biên giới Việt - Trung để bàn giao cho công an phía Trung Quốc.
An Vũ - Uông Ngọc
Dấu hỏi lớn về trách nhiệm của cơ quan quản lý
Theo pháp luật Việt Nam, hành vi của nhóm đối tượng người Trung Quốc có thể bị truy tố tội “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” theo điều 322 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Về nguyên tắc, mặc dù các đối tượng tham gia là người Trung Quốc, giả định thực hiện trên không gian mạng của Trung Quốc nhưng vẫn có thể bị truy tố theo pháp luật hình sự Việt Nam vì mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam đều chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự, bất kể người thực hiện hành vi phạm tội là người nước ngoài hay người Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện gần 400 nghi phạm đã được dẫn độ để giao cho công an Trung Quốc tiếp quản, xử lý. Cơ quan chức năng của Việt Nam không tiếp tục điều tra, xét xử các nghi phạm này dù Việt Nam có quyền tài phán. Lý do là bởi Bộ luật Hình sự cũng quy định, nếu người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, họ phải chịu trách nhiệm hình sự theo pháp luật Việt Nam nhưng trách nhiệm hình sự có thể được giải quyết theo các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế (nếu có) hoặc được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp nên hai quốc gia thực hiện theo thỏa thuận tại điều ước này và thực hiện dẫn độ các nghi phạm về Trung Quốc để xử lý.
Nếu có người Việt Nam tham gia đường dây tổ chức đánh bạc này, các đối tượng đó có khả năng bị truy tố tội “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” và họ không thể tránh được việc phải chịu trách nhiệm hình sự tại Việt Nam. Điều khác biệt nằm ở quốc tịch của người thực hiện hành vi phạm tội. Nếu người nước ngoài vi phạm pháp luật thì quốc gia mà đối tượng đó mang quốc tịch có thể yêu cầu dẫn độ về nước để điều tra, xử lý. Mục đích của hoạt động dẫn độ tội phạm là nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Trong vụ này, việc khu đô thị Our City tại TP.Hải Phòng được lấy làm “đại bản doanh” của gần 400 nghi phạm người Trung Quốc, hoạt động trong một thời gian dài mà không bị phát giác khiến tôi đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý người nước ngoài.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, khi người nước ngoài đến Việt Nam thì các cơ quan có thẩm quyền quản lý là cơ quan xuất nhập cảnh, cơ quan quản lý cư trú, chính quyền địa phương (các cấp phường, quận, thành phố). Nhiều cơ quan có thẩm quyền quản lý thì đương nhiên có sự chồng chéo, thiếu kết nối thông tin và phối hợp thực hiện.
Gần 400 người Trung Quốc nhưng chỉ có vài chục người có giấy tờ tạm trú, có nghĩa rằng, công tác quản lý về cư trú có vấn đề. Chính quyền phường, quận thừa nhận khả năng tiếp cận của các cấp này đối với khu đô thị Our City bị hạn chế do thẩm quyền quản lý thuộc về chính quyền thành phố. Việc để chính quyền thành phố quản lý thì đương nhiên sẽ không sát sao và kịp thời được.
Tôi nghĩ rằng, quy định của pháp luật là một chuyện, nhưng quan trọng là việc thực thi các quy định đó - hay nói cách khác là công tác quản lý trên thực tế - như thế nào mới là vấn đề cần quan tâm và bàn luận. Việc cần thiết phải làm hiện nay là tìm ra giải pháp phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan khác nhau trong việc quản lý người nước ngoài tại Việt Nam. Trong đó có sự cân nhắc giữa việc đảm bảo chính sách mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhưng vẫn bảo đảm trật tự xã hội cũng như công tác phòng, chống tội phạm và đồng thời không ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế giữa các quốc gia.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.