Những 'thủ phạm' thực sự gây ngập ở Sài Gòn

08/10/2018 - 06:26

PNO - Trung tâm Chống ngập TP.HCM nhìn nhận, rác là một trong những nguyên nhân gây ngập đường ở TP.HCM. Nhưng theo những người am tường về lĩnh vực thoát nước đô thị, vấn đề không phải nằm ở rác mà là ở… cái miệng thu nước.

Tốn hàng trăm tỷ đồng nâng đường, lắp cống chống ngập, đường càng ngập nặng; miệng cống, đường cống thường xuyên bị rác bít kín; miệng cống chỉ cách kênh 200m mà đường vẫn ngập… là những minh chứng rõ ràng cho sự yếu kém trong công tác chống ngập ở TP.HCM.

Nhung 'thu pham' thuc su gay ngap o Sai Gon
Hàng loạt miệng thu nước trên đường bị lấp bít, hạn chế khả năng thoát nước

Rác “tố cáo” sai lầm trong thiết kế

Trong hồ nước sau khi đã qua xử lý ở nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) vẫn còn vô số mảnh rác nhỏ. Nó cho thấy rác trong đường cống thoát nước ở TP.HCM nhiều đến mức dù chảy qua hàng chục km, qua nhiều hệ thống chắn - lọc, vẫn còn. Từ những mảnh rác còn sót lại ở công đoạn cuối cùng của nhà máy xử lý nước thải nằm xa tít này, đi ngược về những con đường ở trung tâm thành phố, sẽ thấy những điều vô lý về chống ngập dần lộ ra.

Chi hàng trăm tỷ đồng/năm để nạo vét cống

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng cống luôn có rác và bùn đất không chỉ gây ngập nặng mà còn tiêu tốn một khoản tiền lớn trong ngân sách nhà nước để thực hiện công tác duy tu, nạo vét. Số tiền duy tu, nạo vét cống ở những tuyến đường lớn mỗi năm đã lên đến hàng trăm tỷ đồng và có xu hướng tăng lên hằng năm. Mới đây, trước tình trạng cống luôn nghẹt rác, Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM phải lập ra đội vớt rác với 40 công nhân, nhưng lực lượng này cũng không đủ sức dọn hết lượng rác ở các miệng thu nước, nhất là khi mưa xuống.

Theo thiết kế của hệ thống cống thoát nước hiện hữu ở TP.HCM, khi mưa xuống, nước sẽ dồn xuống mặt đường, chảy về các miệng thu nước (miệng cống, hố ga), sau đó sẽ chảy ra kênh rạch rồi đổ ra sông. Do cống thoát nước ở TP.HCM được thiết kế chung để chứa cả nước thải lẫn nước mưa nên một phần nước trong cống sẽ được thu gom, đưa về các nhà máy xử lý (hiện nay, TP.HCM chỉ mới có nhà máy Bình Hưng thu gom và xử lý nước thải cho khu vực nội thành).

Với hệ thống thoát nước vận hành như thế, mỗi khi xảy ra ngập do mưa, Trung tâm Chống ngập TP.HCM thường giải thích là do mưa lớn vượt tần suất thiết kế của cống (lượng nước dồn về lớn hơn tiết diện cống). Tuy nhiên, lượng mưa ở TP.HCM không đều, ở quận này mưa to, quận kia mưa nhỏ. Các trạm đo mưa tại TP.HCM hiện nay cũng rất ít, chưa mang tính đại diện cho từng tuyến đường nên tính thuyết phục của số liệu cũng không cao. Đơn cử, để tính tình trạng mưa ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), phải dùng số liệu lượng mưa đo ở trạm Mạc Đĩnh Chi (Q.1).

Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, suốt từ đầu mùa mưa 2018 đến nay, hầu như lúc nào cũng có vô số miệng thu nước trên đường phố bị rác và bùn đất lấp bít. Nguyên nhân là do người dân có thói quen đem rác bỏ ở miệng cống, thậm chí ở một số nơi, người dân bít miệng cống để ngăn mùi hôi. Mặt khác, do tốc độ bê tông hóa tăng cao, khi mưa xuống, nước dồn hết ra đường với lực chảy mạnh nên cuốn theo rất nhiều rác và bùn đất, chắn bít hết các miệng cống. Bất cứ ai chịu khó quan sát lúc mưa cũng sẽ nhận thấy, có rất nhiều khu vực, do miệng thu nước bị chắn bít nên lượng nước chảy xuống cống rất ít, dẫn đến ngập đường.

Nhung 'thu pham' thuc su gay ngap o Sai Gon
Hệ thống cống thoát nước ở TP.HCM giống như mê hồn trận, chưa được khảo sát kỹ để đưa ra phương án chống ngập hiệu quả

Sau những đợt mưa gây ngập nặng gần đây, Trung tâm Chống ngập TP.HCM cũng nhìn nhận, rác là một trong những nguyên nhân gây ngập đường ở TP.HCM. Nhưng theo những người am tường về lĩnh vực thoát nước đô thị, vấn đề không phải nằm ở rác mà là ở… cái miệng thu nước.

“Sở dĩ miệng thu nước trên đường phố ở TP.HCM luôn bị rác chắn bít là do thiết kế sai. Sai lầm thứ nhất là miệng cống đứng, không có lưới chắn nên rác và bùn đất dồn về dễ dàng và lọt xuống cống. Sai lầm thứ hai là miệng cống hở toàn bộ nên mùi hôi dưới cống thường xộc lên, người dân chịu không nổi nên bít miệng cống lại. Nếu phân tích cụ thể về kỹ thuật, miệng cống thu nước có đến chục lỗi sai về thiết kế” - một chuyên gia chống ngập phân tích.

Đừng hy vọng vào hồ điều tiết

Trong khi hệ thống hồ điều tiết được Trung tâm Chống ngập TP.HCM xem như phương án chống ngập hiệu quả, cần triển khai trong thời gian tới thì những chuyên gia tâm huyết và am tường về lĩnh vực chống ngập lại cho rằng, đây là phương án không khả thi.

“Không nói đến việc khó tìm được quỹ đất để làm hồ, việc dẫn nước về hồ chứa trong bối cảnh hiện nay là vô cùng khó khăn. Nếu dẫn về được thì hồ có sức chứa cũng không đáng kể. Đó là chưa kể, hiện nay, nước thải và nước mưa ở TP.HCM cùng thoát chung vào một cống nên khi có hồ chứa, nó sẽ là nơi chứa nước thải ô nhiễm” - một chuyên gia phân tích.

Vị chuyên gia nói trên cho biết, ông đã đi nhiều nước để tìm hiểu, nghiên cứu và nhận thấy, hầu hết các nước đều thiết kế miệng thu nước nằm dọc theo mặt đường, có lưới chắn rác.

“Ở nhiều nước, dù rác thải trên đường phố không nhiều như bên mình nhưng lượng rác từ lá cây rất lớn; lượng mưa ở nước họ cũng lớn hơn bên mình rất nhiều, nhưng do thiết kế miệng thu hợp lý, rác bị chặn lại bên trên, trong cống lúc nào cũng thông thoáng. Vì thế, nếu nói thẳng, hình ảnh trong cống đầy rác và bùn đất chính là minh chứng rõ ràng nhất cho sự yếu kém trong công tác chống ngập ở TP.HCM trong suốt bao năm qua” - vị chuyên gia này nhận định.

Chưa nắm hiện trạng, đã triển khai chống ngập

Theo Trung tâm Chống ngập TP.HCM, hiện TP.HCM còn hơn 3.000km đường ống cống cũ, đa phần đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo thoát nước, đây cũng là nguyên nhân chính gây ngập. Tuy nhiên, trong bản báo cáo gửi lãnh đạo Thành ủy và UBND TP.HCM mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc một công ty xây dựng ở TP.HCM chỉ ra rằng, đánh giá nói trên chưa chuẩn xác. Trên thực tế, đến nay, Trung tâm Chống ngập TP.HCM vẫn chưa vẽ được bản đồ đầy đủ về hiện trạng cống thoát nước tại TP.HCM.

Nhung 'thu pham' thuc su gay ngap o Sai Gon

Một chuyên gia trong nhóm nghiên cứu này phân tích: “Xin nhấn mạnh thuật ngữ “hiện trạng lòng cống” chứ không phải là “bản vẽ hoàn công đường cống” và từ ngữ chuyên môn hơn gọi là số hóa hệ thống cống (GIS). Nói thế để thấy rằng, khi không có hoặc không đủ bản vẽ hiện trạng, làm sao số liệu hóa được? Mà không có tài liệu hiện trạng để làm dữ liệu đầu vào, làm sao thực hiện công tác thiết kế và đánh giá phương án đầu tư cho cơ sở hạ tầng thoát nước tối ưu được?”. 

Với phân tích trên, nhóm chuyên gia hiến kế chống ngập cho TP.HCM chỉ ra rằng, do chưa có báo cáo tổng thể hiện trạng hệ thống cống thoát nước của TP.HCM, đoạn nào, bao nhiêu đoạn bị lún sụt, gãy, biến dạng, không đồng cốt, chênh lệch cống khi đấu nối… nên rất khó biết được nguyên nhân ngập cụ thể do đâu. Từ đó, khó có thể đưa ra phương án chống ngập tối ưu, nên cứ đổ thừa chung chung là do mưa lớn vượt tần suất, do cống cũ.

Dựa vào số liệu 50 điểm ngập đang tồn tại do Trung tâm Chống ngập TP.HCM báo cáo, nhóm nghiên cứu nói trên tính toán và xác định được, hầu hết các điểm ngập này đều cách kênh, mương và sông không quá 1km, trong đó có rất nhiều đoạn chỉ cách dưới 500m; đặc biệt, có 6 đoạn chỉ cách dưới 200m. 

“Tại sao đến nay, sau hơn 10 năm, mấy chục điểm ngập này cứ ngập đi ngập lại hoài? Nguyên nhân do đâu? Có phải do những đoạn cống tiếp giáp với các cửa xả thường bị lún sụt, đứt gãy hay không? Vấn đề này cần phải khảo sát, điều tra. Nếu không, chúng ta cứ đổ tiền nâng đường, làm cống ở những khu vực bên trên, trong khi đường thoát nước khi ra đến kênh, rạch, mương, sông thì bị tắc lại” - một chuyên gia trong nhóm nghiên cứu trên phân tích và cho rằng, cần phải thuê đơn vị chuyên môn khảo sát hiện trạng lòng cống thoát nước ở những khu vực thường xuyên bị ngập, mới có giải pháp chống ngập hiệu quả.

Nhung 'thu pham' thuc su gay ngap o Sai Gon
 

Công trình chống ngập thi công cẩu thả

Những nghi vấn của nhóm nghiên cứu về hệ thống cống thoát nước nói trên trùng khớp với nhiều tài liệu chúng tôi thu thập được về những bất thường trong công tác chống ngập ở TP.HCM, nhất là về tính kết nối giữa các tuyến cống mới và cũ. Điển hình là tình trạng ngập úng một loạt tuyến hẻm ở đường Phan Văn Khỏe, đoạn qua P.5, Q.6 sau khi các tuyến đường xung quanh khu vực này được nâng cấp chống ngập mới đây.

Theo phản ánh của người dân, vào đầu tháng 7/2018, các tuyến hẻm 111, 121, 134, 140, 145, 221 dọc đường Phan Văn Khỏe bất ngờ bị ngập sau những trận mưa không quá lớn. Điều lạ là những tuyến hẻm này trước đây ít khi bị ngập, trong khi các tuyến đường xung quanh cũng mới vừa nâng cấp chống ngập xong. “Đáng lẽ khi các tuyến đường xung quanh được lắp cống mới, nước phải thoát nhanh hơn, đằng này nước lại không thoát được” - một người dân ở hẻm 111 Phan Văn Khỏe phản ánh. 

Tiếp nhận phản ánh từ UBND P.5, Q.6, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) đã chủ trì, tổ chức đoàn kiểm tra và phát hiện: đơn vị lắp đặt cống thoát nước ở đường Mai Xuân Thưởng thi công đấu nối vào đường Phan Văn Khỏe không đúng kỹ thuật. Đây là công trình thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2, do Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư.

Dù là công trình thuộc dự án lớn của TP.HCM nhưng theo xác định của đoàn kiểm tra, đoạn cống đấu nối từ đường Mai Xuân Thưởng vào đường Phan Văn Khỏe vừa có tiết diện quá nhỏ, vừa có đáy cao hơn đường Phan Văn Khỏe nên nước từ đường Phan Văn Khỏe không thoát được. “Thật không thể tin được là họ có thể thi công chống ngập cẩu thả đến mức đó” - một chuyên gia chống ngập thốt lên khi được chúng tôi cho xem biên bản hiện trường vụ việc.

Nhung 'thu pham' thuc su gay ngap o Sai Gon
Đường Nguyễn Văn Quá tốn 160 tỷ đồng nâng cấp chống ngập nhưng vẫn ngập, thậm chí còn ngập nặng hơn

Một trường hợp khác còn lạ lùng hơn, đó là tình trạng ngập nước triền miên ở đường Nguyễn Văn Quá (Q.12) sau khi tuyến đường dài vài cây số này được đầu tư nâng cấp chống ngập cách đây 2 năm. Dự án này do Ban quản lý Dự án nâng cấp đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, có tổng kinh phí 163 tỷ đồng. Công trình có các hạng mục quan trọng như xây dựng tuyến cống hộp lớn, kích thước từ 1,6x1,6m đến 2,2x2,2m, nâng mặt đường lên cao 1,7m để chống ngập triều.

Thế nhưng, sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, tình trạng ngập không những không giảm mà còn tăng lên: chỉ tính từ cuối tháng 9/2018 đến nay, đường Nguyễn Văn Quá 3 lần bị ngập sâu dù mưa không quá lớn. Kết quả khảo sát do UBND Q.12 thực hiện mới đây cho thấy, tình trạng ngập đường Nguyễn Văn Quá nặng hơn hẳn những năm trước đây. Nguyên nhân ngập được UBND Q.12 xác định là do công tác thiết kế, thi công công trình chống ngập đường Nguyễn Văn Quá không phù hợp, không đồng bộ.

Tương tự, công trình chống ngập đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9, do Trung tâm Chống ngập TP.HCM làm chủ đầu tư) sau khi hoàn thành, cũng gây nhiều bức xúc cho người dân vì tình trạng ngập vẫn không giảm. Một lãnh đạo HĐND Q.9 cho biết, trong năm 2017, HĐND quận đã lập đoàn giám sát, yêu cầu các đơn vị liên quan làm rõ nguyên nhân tái ngập, nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Kỹ sư Vũ Hải - người có hơn 50 năm kinh nghiệm về lĩnh vực thoát nước đô thị - cho rằng, cần phải thay đổi phương thức thực hiện các công trình chống ngập. Trong đó, nên xã hội hóa để các doanh nghiệp tư nhân tham gia và chịu trách nhiệm nếu công trình không đạt hiệu quả. “Theo tôi, nên đánh giá lại các công trình chống ngập đã thực hiện, xem phương án thiết kế kỹ thuật có đúng không, số tiền thực hiện có hợp lý không. Nếu cứ chống ngập theo kiểu để cho các đơn vị nhà nước tự làm như lâu nay thì không biết đến bao giờ, TP.HCM mới hết ngập” - kỹ sư Hải bày tỏ. 

Chưa biết khi nào hết ngập

Theo báo cáo của Trung tâm Chống ngập TP.HCM, nhu cầu vốn chống ngập giai đoạn 2016-2020 của TP.HCM là hơn 96.327 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ nguồn ngân sách của TP.HCM là 6.356 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách trung ương là hơn 15.000 tỷ đồng, từ nguồn xã hội hóa là 21.865 tỷ đồng, từ nguồn ODA kết hợp PPP là 57.518 tỷ đồng (hiện đang tìm nguồn tài trợ). 

Nhu cầu sử dụng vốn của các dự án thuộc quy hoạch thoát nước đô thị chiếm hơn 52.897 tỷ đồng, trong đó có xây dựng 3 hồ điều tiết, kinh phí 950 tỷ đồng; xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết ngập do mưa (65 dự án và 2 chương trình), kinh phí 10.695 tỷ đồng; cải tạo rạch Xuyên Tâm, cần 5.100 tỷ đồng; xây dựng nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao cần 26.363 tỷ đồng; quản lý rủi ro ngập cần 9.789 tỷ đồng. Các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TP.HCM có nhu cầu sử dụng vốn hơn 20.482 tỷ đồng, trong đó có dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có vốn gần 10.000  tỷ đồng; dự án bờ tả sông Sài Gòn cần 1.436 tỷ đồng; cống kiểm soát triều sông Kinh cần 1.200 tỷ đồng; nạo vét, cải tạo 8 trục tiêu thoát nước chính, cần 7.920 tỷ đồng. Hiện dự án chống ngập triều đang trong tình trạng dừng thi công suốt 5 tháng qua do phát sinh nhiều vướng mắc khiến công tác giải ngân bế tắc, nhà đầu tư không có tiền để thi công.

Trong các báo cáo về các dự án chống ngập, chưa thấy Trung tâm Chống ngập TP.HCM “đả động” đến việc khi nào thì TP.HCM sẽ hết ngập.

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI