TP.HCM đang thực hiện nhiều giải pháp để chống kẹt xe, trong đó có giải pháp tăng lượng người dùng xe buýt, nhưng cảnh dơ bẩn, nhếch nhác ở các nhà chờ xe buýt khiến người dân hết sức ngán ngẩm.
|
Một xe chở rác án ngữ trước trạm dừng xe buýt trên đường Hoàng Sa, Q.3 - Ảnh: Hoàng Lâm |
Nhà chờ xe buýt thành nơi chứa rác
Là người thường xuyên đi làm bằng xe buýt, tôi nhận thấy chất lượng xe buýt đã được cải thiện, đặc biệt là thái độ phục vụ của nhân viên. Thế nhưng, nhiều trạm dừng, nhà chờ xe buýt bẩn quá. Nhiều nơi, người dân đã tận dụng không gian phía sau trạm để mua bán, đổ rác làm cho những nơi này bị ô nhiễm.
Nhà chờ xe buýt gần số 1117 Hoàng Sa, Q.3 lâu nay còn bị biến thành nơi tập kết rác; những ngày nắng, rác bốc mùi hôi nồng nặc; những ngày mưa, nước bẩn chảy lênh láng, khách đứng chờ xe bị nước bẩn văng lên người. Đó là chưa kể nhiều xe rác còn đậu bừa bãi, che khuất tầm nhìn của khách đón xe.
Có hôm, tôi phải đi bộ đến một trạm gần đó để đón xe. Tại một trạm dừng trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5), chúng tôi thường bị chủ cửa hàng bán đồ trang trí chửi bới, xua đuổi mỗi khi đứng nép vào trong để tránh mưa. Chính những điều bất tiện này khiến tôi ngán ngẩm xe buýt.
Anh Trần Đình Tấn (Q.3, TP.HCM)
Cần cải thiện những hình ảnh xấu xí ở các nhà chờ
Rất nhiều trạm xe buýt ở TP.HCM bị biến thành nơi tập kết rác. Một số trạm xe buýt bị người khác chiếm dụng làm nơi buôn bán. Thậm chí, những người thiếu ý thức còn mượn trạm dừng làm nơi phóng uế. Trong trạm xe buýt thì mất vệ sinh, hàng quán lấn chiếm, người dân phải đi ra khỏi khu vực nhà chờ để đón xe; khi xe tới, phải ba chân, bốn cẳng chạy theo, rất nguy hiểm.
Tôi nghĩ, song song với việc tuyên truyền, vận động người dân đi xe buýt, đơn vị chức năng cũng phải nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện những hình ảnh xấu xí ở các nhà chờ để việc đi xe buýt thật sự là một lựa chọn tốt của người dân.
Chị Nguyễn Thị Hương (Q.10, TP.HCM)
Nhà chờ xe buýt phải là không gian văn hóa
Mỗi ngày, tôi thường đứng đợi xe buýt từ 10-15 phút. Lẽ ra, với khoảng thời gian đó, tôi có thể đọc sách, nghe nhạc, nhưng rất khó có nhà chờ nào đạt chuẩn để thực hiện việc đó. Có hôm, tôi ngồi ở nhà chờ xe buýt trên đường Kinh Dương Vương, vừa mở sách ra đọc thì ngay phía sau lưng mình có một người đàn ông ngang nhiên tiểu bậy, khiến tôi phải đóng sách và rời đi nơi khác. Hôm khác, cũng tại trạm này, khi tôi đang chờ xe thì xe chở rác ùn ùn kéo đến khiến tôi phải bắt xe ôm đi làm.
Ở nước ngoài, trạm dừng xe buýt của họ thật sự là một không gian văn hóa. Ở đó, người ta có thể thoải mái ngồi đọc sách, nghe nhạc hay trò chuyện với nhau. Còn ở TP.HCM, có rất nhiều nhà chờ vắng vẻ, tối om, là địa bàn thuận lợi để bọn trộm cắp hoạt động. Theo tôi, cơ quan quản lý cần cải thiện hạ tầng, xử lý nghiêm các hành động vô văn hóa ở các nhà chờ xe buýt để nơi đây trở nên thân thiện, văn minh.
Chị Nguyễn Huỳnh Thanh Phương (Q.Bình Tân, TP.HCM)
Khai thác nhà chờ xe buýt chưa tới nơi
Nhà chờ xe buýt là nơi ngồi đợi xe và tránh mưa tránh nắng của người đi đường. Đó cũng là nơi lý tưởng để đơn vị quản lý xe buýt khai thác quảng cáo. Ngành vận tải TP.HCM cũng có khai thác quảng cáo ở nhà chờ xe buýt nhưng chưa tới nơi. Nhiều trạm còn bỏ trống, để mặc cho người ta vẽ bậy, vì ở đó quá bẩn, quá ô nhiễm, người dân không thèm ngồi nên các doanh nghiệp không quảng cáo.
Việc không khai thác hết quảng cáo ở trạm xe buýt là sự lãng phí lớn. Ở góc độ chủ doanh nghiệp, tôi cũng không hài lòng khi mình bỏ tiền ra quảng cáo ở trạm xe buýt nhưng rồi ai đó lại mang rác đến đổ, dán tờ rơi tràn lan lên quảng cáo hoặc vẽ bậy lên đó.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cần phải cùng nhau cải tổ lại hệ thống trạm dừng, nhà chờ xe buýt. Khi nhà chờ, trạm dừng xe buýt thu hút được đông người dân thì doanh nghiệp sẽ tự đến xin hợp tác quảng cáo.
Anh Nghiêm Minh Tuấn (chủ doanh nghiệp ở Q.3)
Đã nhiều lần yêu cầu không tập kết rác ở nhà chờ
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM thường xuyên cho người đi kiểm tra những điểm tập kết rác gần các trạm xe buýt. Khi phát hiện các đơn vị công ích của quận, huyện tập kết rác gần nhà chờ xe buýt, trung tâm gửi văn bản, yêu cầu không được tập kết rác ở khu nhà chờ, trạm dừng, làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị cũng như vệ sinh môi trường.
Tập kết rác ở nhà chờ, trạm dừng xe buýt gây ảnh hưởng rất lớn đến lượng hành khách đi xe buýt. Chúng tôi mong các địa phương phối hợp với phía trung tâm, thường xuyên chấn chỉnh tình trạng này.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM
Q.3 vẫn chưa kiểm tra các trạm dừng xe buýt
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết, việc bố trí điểm tập kết và trung chuyển rác thông thường do các công ty dịch vụ công ích bàn bạc với chính quyền địa phương cấp xã, phường.
Có thể do ngẫu nhiên, mới có sự lựa chọn địa điểm tập kết rác trùng nơi đặt nhà chờ, trạm dừng xe buýt. Hơn nửa tháng trước, khi Báo Phụ Nữ TP.HCM chuyển phản ánh của người dân về các trạm dừng xe buýt tại Q.3 đến Phòng Tài nguyên và Môi trường Q.3, lãnh đạo phòng này hứa sẽ kiểm tra và tìm hướng giải quyết. Nhưng đến nay, nhiều trạm dừng xe buýt ở Q.3 vẫn là nơi tập kết rác, gây bức xúc cho người dân.
Nghi Anh - Hoàng Lâm (ghi)