Vụ việc bản đồ có hình “lưỡi bò” vào cảnh phim hoạt hình Abominable (đã chiếu tại Việt Nam với tựa Everest: Người tuyết bé nhỏ) - một sản phẩm hợp tác giữa DreamWorks Animation (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) - đã cho thấy sự tinh vi của phía Trung Quốc trong công tác tuyên truyền chủ quyền (phi pháp) của họ trên mặt trận văn hóa.
Sự nghi ngờ này càng có cơ sở khi qua bài viết đăng tải ngày 14/10 trên trang AWN.com, nữ biên kịch kiêm đạo diễn phim Jill Culton chia sẻ quá trình làm phim Abominable, phía Pearl Studio tham gia thiết kế các chi tiết của bối cảnh thành phố, căn hộ, tầng thượng nhà cô bé Yi sao cho đậm nét Trung Hoa. Những ai đã xem phim đều có thể thấy, các bối cảnh liên quan nơi ở của Yi đều là nơi xuất hiện tấm bản đồ có đường lưỡi bò.
|
Hãng phim Pearl Studio đặt ở Thượng Hải là đơn vị thiết kế bối cảnh nơi ở của cô bé Yi - nơi xuất hiện hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò |
Đường lưỡi bò hay đường chín đoạn là tên gọi dùng để chỉ đường quốc giới hải vực Biển Đông mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền từ năm 1953 và được nước này thêm vào trong những bản đồ Trung Quốc đang lưu hành cũng như in vào sách giáo khoa giảng dạy ở các cấp phổ thông, đại học, chính thức tuyên truyền trong quân đội.
Bất chấp việc cách đây 3 năm, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết tuyên bố đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ là vô giá trị, Trung Quốc vẫn kiên trì dùng và quảng bá những tấm bản đồ có đường lưỡi bò hòng “lộng giả thành chân” (biến giả thành thật).
“Chiêu bài” này đã phần nào thành công trong sự sơ hở của nước bạn, như trường hợp các thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia của Việt Nam đã cấp phép cho phim Abominable ra rạp. Trước đó vài ngày, kênh truyền hình ESPN phát bản tin đội bóng rổ Los Angeles Lakers và Brooklyn Nets (Mỹ) đến Thượng Hải thi đấu lúc Liên đoàn Bóng rổ quốc gia Mỹ (NBA) và Trung Quốc xảy ra tranh cãi và kèm theo hình bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò với mười đoạn.
Không biết có phải vì chiêu trò bỡn quá hóa thật không hay công tác tuyên truyền của họ đã thành công mà Trung Quốc phản ứng rất gay gắt mỗi khi phát hiện hình ảnh bản đồ Trung Quốc thiếu đường lưỡi bò hoặc thể hiện không chính xác các đảo họ gọi là trực thuộc.
Đầu tháng Tám vừa qua, trong tập 39 của bộ phim truyền hình ngôn tình Cá mực hầm mật (thu hút hơn 30 triệu lượt xem trên Weibo), xuất hiện hình ảnh tấm bản đồ không thể hiện đường lưỡi bò, không có vùng tranh chấp Tây Tạng giữa Trung Quốc và Ấn Độ và hai hòn đảo Đài Loan, Hải Nam có màu sắc khác với màu sắc của phần lãnh thổ Trung Quốc.
Lập tức, Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã hối thúc những đơn vị có thẩm quyền điều tra vụ việc này để sớm xử phạt theo pháp luật.
Tập phim này, sau đó, cũng đã biến mất khỏi YouTube. Khi được phát lại trên các nền tảng khác như Tencent Video, hình ảnh tấm bản đồ đã bị gỡ bỏ.
Năm ngoái, hãng thời trang Gap cũng bị người tiêu dùng Trung Quốc phản ứng mạnh, tuyên bố tẩy chay vì đã tung ra mẫu áo phông in hình bản đồ Trung Quốc nhưng không có hình ảnh đảo Đài Loan, vùng Tây Tạng và đường lưỡi bò, khiến doanh nghiệp này sau đó phải đưa ra lời xin lỗi, thu hồi mẫu áo vì sợ mất khách.
Với “sức mạnh lòng dân” dựa trên chủ nghĩa dân tộc cực đoan và công tác tuyên truyền, giáo dục, Trung Quốc đã (ít nhất) làm cho người dân của họ tin vào yêu sách chủ quyền của chính quyền trên toàn Biển Đông.
Thế nên, mới có chuyện du khách Trung Quốc thản nhiên mặc áo in hình lưỡi bò vào nước ta bên cạnh việc họ cố gắng có con dấu nhập cảnh của các nước trên những tấm hộ chiếu Trung Quốc mang hình đường lưỡi bò.
Giả là giả. Nhưng giả, nếu không bị bóc trần, sẽ có nguy cơ được công nhận. Đến khi đó, mọi sự e là đã muộn.
Quang Huy