Dân nghèo bấm bụng sống cạnh đống tro tàn của Rạng Đông

06/09/2019 - 06:46

PNO - Sau vụ cháy Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, người có điều kiện thì di dời cả con cái, nhà cửa ra khỏi khu vực nguy hiểm, những người lao động nghèo chỉ biết chịu đựng, bám trụ bên cạnh đống tro tàn của nhà máy.

Đã hơn một tuần kể từ khi xảy ra vụ cháy tại Công ty Rạng Đông (P.Hạ Đình, Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội), hàng chục hộ dân sống bên cạnh công ty này đã phải chuyển chỗ ở để đảm bảo sức khỏe, an toàn. Có người đi thuê nhà, người ít tiền hơn thì ở nhờ để mong sớm qua cơn bĩ cực. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người vẫn phải bám trụ để mưu sinh hoặc do không có tiền để “chạy trốn” khỏi mối nguy từ nhà máy.

Dan ngheo  bam bung song canh dong tro tan cua Rang Dong
Bà Nguyễn Thị Thủy

Ông Ngô Văn Lực, quê ở H.Chương Mỹ, TP.Hà Nội, làm thuê cho cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng đằng sau nhà máy của Rạng Đông - cho biết, vụ cháy tại Công ty Rạng Đông đã làm cửa hàng vật liệu và khu nhà ông ở cháy rụi, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhưng từ khi xảy ra vụ cháy, phía Rạng Đông chưa liên hệ để đền bù hay có động thái nào hỗ trợ người dân. 

“Từ sau vụ cháy, tôi cảm thấy sức khỏe mình yếu đi nhiều, ăn uống khó khăn, ngủ không sâu giấc. Gia đình nhà chủ đi khám hết rồi, nghe đâu hết gần 2 triệu đồng, mình không có tiền đi xét nghiệm, đành phải chịu” - ông Lực ngậm ngùi.

Biện pháp duy nhất mà ông Lực có thể làm để bảo vệ mình là mỗi ngày đi hơn 30km từ quê đến cửa hàng để trông đống vật liệu, thay ca cho một người bạn trông đêm. Chỉ vào một khu lán gỗ lụp xụp, ông Lực lắc đầu thương hại: “Trong đó có ông bạn làm cùng tôi, ông ấy ngủ ở đây để trông đêm. Cũng không có tiền nên phải bám trụ mà làm. Dạo này ông ấy cũng kêu khó chịu, sức khỏe yếu đi”.

Dan ngheo  bam bung song canh dong tro tan cua Rang Dong
Ông Ngô Văn Lực

Sau nhiều ngày, không rõ môi trường đã ở ngưỡng an toàn hay chưa, nhưng để có thể ngồi làm việc, ông Lực phải dùng một chiếc quạt lớn để thổi bớt mùi hôi, đến lúc không chịu được thì lại đứng dậy đi lại cho bớt mùi. Chỉ vào hai ngôi nhà lớn sát bức tường của Công ty Rạng Đông, ông Lực cho biết, đó là nhà chủ nhưng cả gia đình đã chuyển đi ở nhờ chỗ khác. “Lương mình có vài triệu, đi xét nghiệm mất 2 triệu đồng rồi còn đi thuê nhà nữa, cuối tháng làm gì còn đồng nào mà nuôi gia đình” - ông Lực chua xót. 

Có hoàn cảnh kinh tế khá hơn, gia đình bà Nguyễn Thị Thủy - làm nghề sửa xe máy, nhà bị ảnh hưởng nặng nề từ vụ cháy Công ty Rạng Đông - đã phải thuê một căn nhà ở xa, tiền thuê 7 triệu đồng/tháng. Bà cũng đã đến Bệnh viện Bạch Mai khám sau khi thấy sức khỏe mình bất ổn.

“Ăn thì đi chợ xa, uống thì tôi mua bình nước đặt trong nhà để tránh dùng phải nước bị ô nhiễm. Nhưng khi thấy sức khỏe sa sút, gia đình tôi sợ lắm. Người ta nói nhà mình có tiền mới bám trụ được nhưng thực ra gia đình tôi mưu sinh ở đây, đóng cửa thì lấy tiền đâu mà ăn. Cứ mở cửa, mỗi ngày có khách quen họ vứt xe cho mình sửa, làm xong thì họ đến lấy mới có đồng ra đồng vào. Hai vợ chồng làm gì có công ăn việc làm ngoài việc trông vào cái cửa hàng này” - bà Thủy tâm sự.

Điều khiến những người bám trụ tại đây bức xúc hơn cả, đó là phản ứng hời hợt của chính quyền. Vụ cháy đã xảy ra hơn một tuần nhưng chưa có thông báo chính thức nào cho người dân, rằng khu vực này an toàn hay nguy hiểm, để họ biết đường tự ứng phó. Ông Lực cho hay, để biết thông tin về vụ cháy, mọi người phải lên mạng tìm đọc, nhưng thông tin mỗi lúc một khác, mỗi cơ quan công bố một kiểu khiến người dân rất hoang mang. 

“Đọc mãi mà chẳng biết ai đúng ai sai, phường cảnh báo, quận nói an toàn rồi hôm trước lại công bố mức thủy ngân vượt ngưỡng. Thôi thì trời kêu ai người ấy dạ” - ông Lực bức xúc. 

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI