Cũng làm du lịch, nhưng Genting khác hẳn Bà Nà

01/10/2019 - 20:35

PNO - Giống nhau ở chỗ, cùng làm kinh tế từ du lịch, nhưng nằm ở hai đất nước khác nhau, nên nó bộc lộ quan điểm phát triển kinh tế, sự tôn trọng pháp luật, tính minh bạch trong tài chính, sự tôn vinh của cộng đồng khác nhau.

Lời tòa soạn: Bài viết dưới đây của nhà văn Bùi Công Dụng đưa ra so sánh giữa Khu du lịch cao nguyên Genting ở Malaysia, do một tập đoàn tư nhân của Malaysia đầu tư xây dựng, và Khu du lịch Bà Nà, do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng. Phát triển kinh tế bền vững là vấn đề được Đảng, Nhà nước, Chính phủ lâu nay hết sức quan tâm và phần lớn khởi động từ các tập đoàn kinh tế, nhưng bao giờ mới được thực hiện trên cam kết nhân văn và văn hóa?

***

Khu du lịch cao nguyên Genting có nguồn gốc là một vùng đồi núi hoang sơ thuộc bang Pahang (4.940ha), có dính một phần nhỏ với bang Selangor (1.110ha) của Liên bang Malaysia. Khu du lịch được bắt đầu xây dựng vào cuối năm 1960. Cao nguyên Genting có độ cao cách mực nước biển 1.800m.

Khu du lịch Bà Nà có nguồn gốc là vùng đồi núi hoang sơ (30.206ha) được xây dựng vào năm 2007.  Khu du lịch Bà Nà có độ cao cách mực nước biển khoảng 1.500m.

Cả hai đều có chung hình ảnh khu du lịch sương mù mờ ảo huyền diệu, nhưng về mệnh danh, một bên là "Thành phố trong mây", còn một bên là "Khu du lịch trong mây", tầm vóc thua kém hơn nhiều, chỉ đáng học hỏi, không đáng so sánh.

Cung lam du lich, nhung Genting khac han Ba Na
Các dự án ở Genting đều nằm trong thung lũng hoặc xung quanh các vịnh nhỏ

Khu du lịch cao nguyên Genting do ông Dato’s Lim Got Tong - sinh năm 1917, tổng giám đốc một tập đoàn tư nhân ở Malaysia - đầu tư xây dựng. Việc đầu tiên là ông mở các con đường bộ, đường rừng, nhằm phục vụ cho mọi phương tiện xe buýt, tắc-xi, xe đạp, người đi bộ, sau này là đường hàng không, cáp treo, cho dân chúng tự do đi đến được điểm cuối cùng là Khu du lịch cao nguyên Genting. Từ đây, khu du lịch mới bắt đầu thu tiền dịch vụ vui chơi, giải trí…

Khu du lịch Bà Nà do Tập đoàn  Sun Group đầu tư xây dựng. Việc đầu tiên là tập đoàn này cho xây dựng hệ thống cáp treo - tuyến đường độc đạo, duy nhất. Ngay từ ga đầu tiên của tuyến cáp treo này, ông bắt đầu thu tiền. Các tuyến này liên tục được hoàn thành: tuyến 1, ga Suối Mơ - Bà Nà (ngày 25/3/2009); tuyến 2, ga Debay - Morin; tuyến 3, ga thác Tóc Tiên - Indochine (ngày 29/3/2013); tuyến 4, ga Hội An - Marseille (năm 2017); tuyến 5, ga Bordeaux - Louvre (năm 2017)… Tức là Sun Group sẵn sàng tận thu tận gốc, chặn đứng mọi con đường vốn có mà thiên nhiên đã mang lại cho dân chúng.

Đối tượng làm việc của Dato’s Lim Got Tong là các cơ quan quản lý nhà nước về rừng (các phòng quản lý rừng, thiết kế rừng, công nghiệp rừng, các phòng chức năng đặc biệt như đào tạo, kế hoạch, kinh tế lâm nghiệp, lâm sinh, trồng rừng… của các bang Pahang và Selangor, thuộc Cục Lâm nghiệp Malaysia (được thành lập năm 1901), đồng thời quán triệt Luật Lâm nghiệp năm 1993 (điều chỉnh luật năm 1984) của Malaysia, trong đó có nội dung: các hành vi phá rừng và khai thác lâm sản bất hợp pháp bị phạt tiền tối đa từ 5.000RM lên 500.000RM, phạt tù tối đa từ 4 năm lên 14 năm.

Còn ở Đà Nẵng, cụ thể là Bà Nà thì khác. Lợi dụng các điều khoản cấm ghi một cách chung chung trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991 (điều 20); Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 (điều chỉnh bổ sung luật năm 1991) ở điều 12; không tuân thủ quy định "chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phải được Thủ tướng cho phép" ở điều 28… (các quy định sơ hở này này không hề có một chế tài phạt cụ thể nào như luật của Malaysia), từ đó phá rừng.

Bà Nà đã được Chính phủ công nhận là khu dự trữ thiên nhiên từ năm 1986. Năm  2003, Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đến năm 2010 (Quyết định số 192/2003/QĐ-TTg ngày 17/9/2003), trong đó ghi rõ: "Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm và có thẩm quyền cao nhất đối với việc thực hiện chiến lược này ở mỗi tỉnh, thiết lập cơ cấu tổ chức phù hợp ở địa phương, lập các kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện chiến lược, chỉ đạo cấp huyện thực hiện các nội dung của chiến lược; phối hợp với các bộ, ngành ở trung ương và các nhà tài trợ thu hút các nguồn vốn và trợ giúp kỹ thuật nhằm đẩy mạnh thực hiện chiến lược". 4 năm sau, năm 2007, lãnh đạo TP.Đà Nẵng giao toàn bộ cái "trách nhiệm và thẩm quyền cao nhất" đó cho Sun Group tại Bà Nà.

Cung lam du lich, nhung Genting khac han Ba Na
Nhiều công trình xây dựng ở Genting được "giấu" vào thiên nhiên

Về công trình xây dựng, Khu du lịch cao nguyên Genting của Dato’s Lim Got Tong được xây dựng theo quan điểm bảo vệ rừng và bảo tồn văn hóa, đó là bố trí các dự án nằm trong thung lũng hoặc xung quanh các vịnh nhỏ, nơi mà công trình có thể được “giấu” vào trong thiên nhiên. Những dự án xây dựng hòa vào cảnh quan tự nhiên ngay từ tính chất của vật liệu xây dựng, để hài hòa với khung cảnh xung quanh; không xây dựng công trình ở đỉnh đồi và các điểm cao để bảo vệ cây xanh, chống bão lũ; chỉ tác động nhẹ nhàng lên mặt đất, giảm thiểu tới mức thấp nhất những dấu tích xây dựng trên cảnh quan tự nhiên, nhằm bảo vệ rừng và hệ động vật…

Tuy các bang được quyền quyết định, bảo vệ rừng là vấn đề rất lớn, nên ở cấp liên bang lại có một hội đồng lâm nghiệp quốc gia, do một phó thủ tướng điều hành; ủy viên hội đồng là cục trưởng các bang. Dato’s Lim Got Tong tiếp tục làm việc với cấp hội đồng quốc gia này khi có vấn đề.

Trong khi đó, Khu du lịch Bà Nà của Sun Group được xây dựng theo quan điểm tàn phá rừng và châu Âu hóa. Đầu tiên, họ cho phá rừng, xây nhiều tuyến cáp treo, lên đến tận đỉnh. Cơ sở hạ tầng thì từ cái gốc là vài công trình cũ của Pháp để lại, chủ trương là chỉ cần tôn tạo, giữ gìn di tích, dưới bàn tay Sun đã “thăng hoa” thành những kiến trúc phương Tây hiện đại, chói lóa trước mắt người dân. Dưới bàn tay Sun, Bà Nà của Việt Nam, văn hóa Á Đông, văn hóa Việt đã biến mất. Như một nhà báo dũng cảm đã viết về bê tông hóa Bà Nà: "…Nhưng kèm theo đó là cảm giác bất an, bê tông cốt thép cứ gặm nhấm dần thiên nhiên hoang dã".

Về vấn đề minh bạch, công khai tài chính, Dato’s Lim Got Tong, bằng những con số đơn giản, giải thích với chính quyền rằng: Genting (năm 1970) làm ra lợi nhuận 2 triệu RM mỗi năm (khoảng 550.000 USD/năm), 40% của nó là chi nghĩa vụ thuế (khoảng 220.000 USD), còn lại 330.000 USD chi cho đầu tư phát triển, là con số rất ít ỏi. Nếu được ưu đãi 5 năm miễn thuế, toàn bộ lợi nhuận thu được sẽ đem đầu tư trở lại làm khách sạn, dịch vụ du lịch, hồ nhân tạo, hệ thống cáp treo, sân gôn và các dự án khác, thì lợi nhuận lúc đó sẽ tăng gấp nhiều lần, và đến năm thứ sáu, nghĩa vụ thuế sẽ vượt quá cả tổng số thuế thu được trong 5 năm miễn thuế kia.

Một tuần sau, Chính phủ chấp nhận lý luận của ông và cho ông được hưởng cơ chế ưu đãi miễn thuế 5 năm, bắt đầu từ ngày 8/5/1971. Với số tiền thuế được miễn, ông tiếp tục đầu tư mở rộng dự án. Năm 1975, khi lên thăm Genting Highlands, vị thủ tướng thứ hai của Malaysia lúc đó là ông Tun Abdul Razak đã trầm trồ ngợi khen nơi đây và ví nó như một Thụy Sỹ của châu Á. Thấy rõ hiệu quả việc cho miễn thuế đối với Genting, thủ tướng quyết định sẽ kéo dài thời gian miễn thuế thêm 1 năm nữa…

Sun Group giấu biệt thông tin. Mặc dù Luật Kế toán năm 2003 đã quy định chế độ báo cáo tài chính hằng năm, mặc dù Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 về hướng dẫn chế độ kế toán hành chính doanh nghiệp đã quy định cụ thể, mặc cho Điều 130 của thông tư này cũng đã nói rõ: "Ủy ban nhân dân, sở tài chính, cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện thông tư này", nhưng qua nhiều năm, Tập đoàn Sun Group  vẫn không công khai tài chính nộp ngân sách thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Duy nhất có lần nhân dân được biết, đó là  đầu năm nay (tháng 2/2019), Phó bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng - Võ Công Trí - đến chúc tết và động viên Công ty cổ phần  Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group), ca ngợi Sun với gần 1.300 tỷ đồng nộp vào ngân sách thành phố năm 2017, là doanh nghiệp nộp ngân sách đứng thứ hai của thành phố, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 2.100 lao động

Bao nhiêu năm, Sun Group đã dùng bao nhiêu tài nguyên quốc gia, nộp ngân sách bao nhiêu? Thông tin cứ thế mù mờ. Ủy ban nhân dân, Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố  Đà Nẵng cũng im lặng.

Bùi Công Dụng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI