Sau 10 tháng bị đình chỉ đứng lớp, nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo, từ ngày 18/2/2019, bà Trần Thị Minh Châu - giáo viên môn toán Trường THPT Long Thới (H.Nhà Bè, TP.HCM) đã trở lại bục giảng. Theo thời khóa biểu, bà Châu dạy toán ở hai lớp 10A4 và 10A9. Ngay sau đó, có ý kiến của học sinh lớp 10A4 phản ánh về giáo viên này: giảng bài qua một lần, học sinh chưa hiểu, hỏi lại, cô giáo không giảng lại, ném vở, ném bài kiểm tra của học sinh xuống đất…
Có chút bất ngờ với sự trở lại nhanh nhảu của bà Châu, nhưng tôi hoàn toàn không ngạc nhiên, kể cả cái hệ quả ném bài ném vở kia. Tôi cũng chẳng lấy làm lạ, thậm chí biết trước phản ứng để có phần thông cảm cho các giáo viên chủ nhiệm khi chỉ mới nghe liên hệ, họ liền vội cáo bận. Nhưng thật sự, điều gì đang xảy ra bên trong ngôi trường đã từng rất “nổi tiếng” ấy? Điều gì đang nhân danh phấn trắng bảng đen để khi thì tự cho mình cái quyền im lặng, lúc lại ban phát sự mắng mỏ, sỉ nhục người khác?
Chưa đầy một năm trước, với hành vi không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của người thầy khi giảng dạy tại lớp (không giảng bài khi lên lớp trong suốt bốn tháng), bà Trần Thị Minh Châu đã nhận đánh giá từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM là “ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi học sinh, gây bức xúc cho phụ huynh, xã hội, ảnh hưởng uy tín đội ngũ nhà giáo”. Vậy mà, tính từ lúc bị đình chỉ đứng lớp, nhận mức kỷ luật cảnh cáo (ngày 13/4/2018), qua kỳ nghỉ hè, đến học kỳ II năm học 2018-2019, bà lập tức được phục hồi công tác giảng dạy.
Hóa ra, việc thi hành kỷ luật đối với giáo viên Trần Thị Minh Châu chỉ là sự đối phó với dư luận (ở thời điểm cuối học kỳ II năm học 2017-2018), còn tính chất, quá trình, nguyên nhân, hệ quả của hành vi sai phạm cũng như tư chất nhà giáo, tư cách giáo viên ở con người ấy thì hầu như không được soi chiếu. Bởi nếu có, đã không thể phục hồi nhanh và dễ dãi công tác giảng dạy cho một giáo viên phản sư phạm, phản giáo dục như thế. Bởi nếu có, phải xét tới quá trình theo dõi, thử thách, đánh giá trước khi xem xét phục hồi, hoặc loại bỏ nhân sự ấy ra khỏi môi trường sư phạm.
Năm 2018, khi tiếng nói Phạm Song Toàn vang lên, án kỷ luật được đưa ra, quyết định đình chỉ đứng lớp đối với giáo viên Trần Thị Minh Châu đã công bố, vậy mà trong nhiều cuộc tiếp xúc với phụ huynh, học sinh sau đó, tôi vẫn bắt gặp sự ám ảnh đến 18 năm của cậu học trò Nguyễn Lưu Anh Tuấn - từng bị cô Châu định kiến, cô lập, của nam sinh Đ.H.T - phải chuyển trường để không bị cô Châu trù dập. Thậm chí, nữ sinh D. - bây giờ đã là mẹ của hai đứa con nhỏ - vẫn không dám lên tiếng chỉ vì “sợ con em sau này biết đâu lại học lớp cô Châu”…
Thử nhìn lại “sự nghiệp trồng người” của bà Trần Thị Minh Châu qua gần 20 năm. Từ năm 2000 - 2005, khi còn dạy ở Trường THPT Long Thới, giáo viên này bị đồng nghiệp tố cáo lén lấy 100 bài thi đã chấm, đem về nhà sửa rồi đổ cho đồng nghiệp chấm sai. Sự việc được báo cáo lên sở, sở điều bà Châu qua Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4) từ năm 2005 - 2012. Hơn sáu năm tại đây, bà Châu cũng kịp tạo “dấu ấn” với bảng “thành tích”: o ép, trừng phạt, trù dập học sinh, có hành vi và ứng xử thô lỗ với phụ huynh, nói xấu đồng nghiệp, để cuối cùng lãnh án kỷ luật buộc thôi việc với 5/5 phiếu đồng ý của Hội đồng kỷ luật Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ. Kết quả lại được báo cáo, gửi về sở, sở tiếp tục… điều bà Châu trở lại Trường THPT Long Thới, dĩ nhiên, án xóa, tích bôi. Cho đến ngày bung bét vụ “bốn tháng lặng thinh”.
20 năm, một con người - với tư chất, tư cách như thế, vẫn thản nhiên, ngược ngạo trên mảnh đất trồng người, mặc những chỉ đạo xử lý nghiêm, khách quan, dứt điểm đến từ Thành ủy TP.HCM, UBND TP.HCM, Văn phòng phía Nam Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Xin đừng bao biện rằng, bà Châu giảng bài khiến học sinh tiếp thu tốt. Đó là đòi hỏi căn bản của một giáo viên, không phải là ưu thế vượt trội để đánh đổi mọi bất chấp, sai lầm mà bao che, dung dưỡng. Cũng không thể ngụy biện rằng, học sinh mong mỏi được học giờ toán của cô giáo này. Kiến thức của hệ thống giáo dục phổ thông vốn mang tính căn bản, được hạn định khung - chuẩn; cái cần và đủ để tạo dựng nền tảng cho một con người ở năm tháng đầu đời và đang trưởng thành là ở phẩm chất, tính cách, hành vi. Ngoài con số và những phương trình, đẳng thức, điều mà lứa tuổi học trò lĩnh hội chính là lòng nhân ái, sự trung thực, tôn trọng sự khác biệt…
Ngày 11/3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký công văn về việc tăng cường chỉ đạo, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo. Những “ngổn ngang” ngoài kia như nâng điểm đổi tiền, xâm hại học trò thì việc gây ra sự chịu đựng bị xúc phạm, câm lặng trong sỉ nhục, gieo trồng một hay nhiều thế hệ học trò chỉ biết cúi đầu, bất chấp đúng sai, tuân phục trong thói quen bầy đàn… liệu có được xem xét, chấn chỉnh, khắc phục từ công văn kia không? Hay chỉ đạo cứ ban, công văn cứ phát, còn thực thi hay không là chuyện của... người thực thi? Ông hiệu trưởng Bùi Minh Bình hẳn cũng tự xóa cái án kỷ luật khiển trách cho mình sau khi xóa án cảnh cáo cho bà Trần Thị Minh Châu? Chỉ như vậy mới nhanh nhảu đưa trở lại bục giảng một con người không đủ tư cách làm thầy.