Clip: Sự thật về ngôi chùa cổ Địa Ngục của sư Thích Thanh Toàn và kế hoạch chiếm trọn Ao Dứa của Sun Group

27/09/2019 - 08:41

PNO - Chùa Địa Ngục giữa rừng quốc gia Tam Đảo nhiều lần được giới thiệu là chùa cổ, do sư Thích Thanh Toàn tìm thấy qua… giấc mơ. Thực tế ngôi ‘chùa cổ’ ấy trông như thế nào?

Khi chúng tôi vượt núi, băng rừng, tìm đến được chùa Địa Ngục, chính xác cái gọi là “chùa cổ” ấy hiện ra trước mắt như một lán trại lớn được dựng bằng cọc sắt, mái tôn, bên trong là một chiếc bàn với lèo tèo vài lư hương và mấy chai nước khoáng. Cái gọi là mộ cổ, giếng cổ cũng trông rất mới, được xây dựng khá vụng về. Thứ to lớn, hoành tráng và đắt tiền ở đây chính là chiếc chuông mà sư Toàn đã cho chặt cây, mở đường đưa đến.

Clip: Su that ve ngoi chua co Dia Nguc cua su Thich Thanh Toan va ke hoach chiem tron Ao Dua cua Sun Group
Đây là cái được gọi là chùa cổ Địa Ngục, được sư Thích Thanh Toàn tìm thấy qua... giấc mơ

Dù Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định chùa Địa Ngục chưa phải là nơi thờ tự Phật giáo, dù Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định ngôi chùa này không có điển tích, ngay cả những người đồng hành cùng sư Toàn năm xưa đi tìm “đốm sáng trong rừng” theo giấc mơ của sư Toàn cũng khẳng định là “Chẳng có cái gì cả. Từ mộ cổ đến giếng cổ đều do sư Toàn dựng lên hết”, ngôi chùa vẫn tiếp tục được xây dựng, bất chấp việc xây dựng ấy được xác nhận là trái phép.

Sư Toàn, kẻ từng bị trục xuất khỏi sư môn - Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, người bị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tam Đảo xác nhận là có biểu hiện hoạt động tà giáo, mê tín dị đoan cùng một ngôi chùa giả lại là những nhân tố, yếu tố nền tảng cho dự án Tam Đảo II của Sun Group, khi được đặt ở vị trí trung tâm dự án.

Trong câu chuyện của chúng tôi với ông Trần Minh Sơn - Phó chủ tịch Sun Group, ông Sơn có nói về Ao Dứa - một cái hồ rộng mấy chục héc-ta - nơi mà theo tiến sĩ Trần Trọng Nghĩa, nguyên giảng viên Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội là cái phễu, gom góp nước từ các vùng cao hơn trên đỉnh núi, chuyển chúng thành các dạng nước ngầm, cung cấp cho các dòng suối vùng chân núi, giúp những con suối luôn có nước, kể cả trong mùa khô.

Trong mắt ông Sơn, việc nước Ao Dứa rút đi trong mùa khô (chảy vào các dòng suối - PV), hẳn là điều khó chấp nhận, vì một cái hồ lớn như thế trên đỉnh núi là cực kỳ hiếm. Chẳng thế mà ông đã rắp tâm xây đập để giữ nước lại trong Ao Dứa, trong Tam Đảo II của Sun Group. Tài nguyên quốc gia, nước của trời đang đối mặt với nguy cơ trở thành nước của “ông trời” mang tên Sun Group.

Nếu đến lúc này bạn vẫn chưa hình dung được những gì đang xảy ra ở Tam Đảo II, xin hãy xem đoạn clip dưới đây và xin hãy lắng nghe tiếng nổ giữa rừng quốc gia Tam Đảo…

Xem clip:

 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI