Ai đã đem di huấn Bác Hồ đổ biển?

30/09/2019 - 08:16

PNO - Những cánh rừng ở Tam Đảo II được xếp vào loại rừng giàu theo cách phân loại lâm sinh. Hơn 300 héc-ta của vùng dự án du lịch sinh thái của Tập đoàn Sun Group lại thuộc khu vực giàu có về đa dạng sinh học.

Trong các trước tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi nhận khoảng thời gian từ năm 1957 đến năm 1962, khi đến thăm và nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ, cán bộ các tỉnh miền núi phía Bắc, bao giờ Người cũng căn dặn phải đặc biệt chú trọng công tác trồng cây gây rừng, trồng cây nào phải tốt cây ấy, phải lo bảo vệ rừng, cấm phá rừng.

Ngày 15/6/1957, về dự hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, Hồ Chủ tịch phát biểu: “Ý thức bảo vệ của công còn kém… Ta thường nói rừng vàng, biển bạc, thế mà đồng bào Hà Tĩnh chẳng những bảo vệ kém mà còn một số lại tự do chặt phá, làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân, của Nhà nước. Chặt phá thì dễ nhưng trồng lên thì khó, phải tốn hết nhiều công, nhiều của”.

Ngày 8/5/1959, Người về thăm Sơn La: “Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông”.

Nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Nguyên, ngày 13/3/1960, Bác chỉ rõ: “Vừa rồi Thái Nguyên trồng nhiều cây nhưng chăm sóc kém, cây trồng chết đến 90% như xoan. Cán bộ và công nhân khu gang thép đốt cháy mất hơn hai vạn cây. Đó là một việc rất đáng phê bình”.

Nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Hà Bắc, ngày 17/10/1963, Bác phê bình: “Tục ngữ ta có câu “Rừng vàng biển bạc”. Gây rừng và bảo vệ rừng là rất cần thiết. Hiện nay tỉnh ta còn cái tệ phá rừng, thế thì khác nào đem vàng đổ xuống biển? Đồng bào và chính quyền phải nghiêm khắc ngăn ngừa tệ hại ấy”.

60 năm sau, “nhiều nơi thấy rừng bị phá”, hẳn không chỉ mỗi Sơn La, tệ phá rừng “đem vàng đổ xuống biển” nào chỉ phải Hà Bắc!

Ai da dem di huan Bac Ho do bien?
Nạn phá rừng, khai thác gỗ ngày càng tàn bạo

Tôi nhớ, tháng 6/2016, một trong những hành động mạnh mẽ, quyết liệt đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Chính phủ là ông ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu héc-ta rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan quốc phòng, an ninh.

Vậy mà một năm sau, trong hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, người đứng đầu Chính phủ đã phải thốt lên: “Chúng ta có hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, có cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng, rồi quyết tâm chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND rất lớn nhưng nhiều địa phương vẫn diễn ra tình trạng phá rừng. Sự việc xảy ra trên địa bàn, cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không biết”.

Ba năm sau kể từ khi lệnh đóng cửa rừng, nạn phá rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên vẫn cứ diễn ra dưới nhiều dạng thức, vỏ bọc tinh vi hơn, tàn bạo hơn.

Và nhìn chung, 7 tháng đầu năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.740,5 héc-ta, cao gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến năm 2018, diện tích đất có rừng trên cả nước là gần 14,5 triệu héc-ta, trong đó rừng tự nhiên là trên 10 triệu héc-ta, rừng trồng trên 4 triệu héc-ta. Điều đáng nói, trong số rừng tự nhiên ấy, tỷ lệ rừng giàu rất thấp, chưa vượt qua con số 10%.

Trong tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc 41,65% hiện nay, mặc dù có tăng nhưng là tăng tỷ lệ rừng trồng, trong đó mức đa dạng sinh học thấp. Còn diện tích rừng nguyên sinh với mức đa dạng sinh học cao thì lại suy giảm trầm trọng.

Những cánh rừng ở Tam Đảo II được xếp vào loại rừng giàu (tự nhiên) theo cách phân loại lâm sinh. Hơn 300 héc-ta của vùng dự án du lịch sinh thái của Tập đoàn Sun Group lại thuộc khu vực giàu có về đa dạng sinh học.

Ai sẽ phải trả lời trước di huấn của Người để lại, là nhân dân, là chính quyền hay những “ông trời” ngay giữa hạ giới?

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI