40 dự án 'thấp' lại lọt vào khu công nghệ cao

24/12/2018 - 06:51

PNO - Khu Công nghệ cao TP.HCM được cho là “điểm đến đáng tin cậy” về đầu tư công nghệ cao nhưng lại có sự hiện diện của nhiều dự án không liên quan gì đến... công nghệ cao cả.

Tọa lạc tại cửa ngõ đông bắc của TP.HCM, Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) là một trong ba khu công nghệ cao quốc gia do Chính phủ thành lập năm 2002. Sau 16 năm, SHTP được cho là “điểm đến đáng tin cậy” về đầu tư công nghệ cao (tập trung vào các lĩnh vực: vi điện tử - công nghệ thông tin - viễn thông, cơ khí chính xác - tự động hóa, công nghệ sinh học áp dụng trong dược phẩm và môi trường, năng lượng mới - vật liệu mới - công nghệ nano) lại có sự hiện diện của nhiều dự án không liên quan gì đến công nghệ cao.

Hàng loạt dự án làm sản phẩm, dịch vụ thương mại 

Kết quả kiểm toán hoạt động đầu tư, thực hiện các mục tiêu xây dựng và phát triển của Kiểm toán nhà nước đối với Ban quản lý (BQL) SHTP mới đây cho thấy, việc chậm áp dụng ba tiêu chí, gồm hai tiêu chí của Luật Công nghệ cao và một theo quy định tại Thông tư 32/2011/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2012-2017 đã ảnh hưởng đến kết quả thẩm định hàng loạt dự án được cho là “công nghệ cao”.

40 du an 'thap' lai lot vao khu cong nghe cao

Cụ thể, có 3 dự án được cấp phép là “dự án sản xuất công nghệ cao” nhưng các sản phẩm của dự án không phải là sản phẩm công nghệ cao theo quy định của Chính phủ. 

Đó là các dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex, thực chất là dự án sản xuất hàng điện tử gia dụng và công nghiệp hỗ trợ, nhưng không phải hỗ trợ ngành công nghệ cao; dự án Công ty TNHH Công Nghệ G7 và dự án Công ty Semist Hàn Quốc sản xuất thiết bị chiếu sáng không thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao. 

Tương tự, có 5 dự án được cấp phép “đầu tư dịch vụ công nghệ cao”, nhưng không hề thuộc dịch vụ công nghệ cao theo quy định, gồm: dự án Trung tâm dữ liệu và tòa nhà văn phòng Ngân hàng HDBank; dự án Nghiên cứu cải tiến, chế tạo thử nghiệm vật liệu và trang thiết bị máy bay, đào tạo, huấn luyện phi công và nhân viên kỹ thuật hàng không của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet Air; dự án Trường đại học Fulbright Việt Nam đầu tư vào phân khu R&D (nghiên cứu và triển khai); dự án dịch vụ giám định của Công ty TNHH Micro Precision Calibration Việt Nam và dự án dịch vụ bán lẻ của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển và Dịch vụ công nghệ cao. 

Hai tiêu chí của Luật Công nghệ cao quy định: một là, doanh thu bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 60% trong tổng doanh thu hằng năm, từ năm thứ tư trở đi phải đạt 70% trở lên; hai là, số lao động của doanh nghiệp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển phải đạt ít nhất 5% tổng số lao động.

Và theo quy định tại Thông tư 32/2011/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, sản phẩm được tạo ra từ dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và có thể thay thế sản phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, còn có 9 dự án hoạt động kinh doanh thương mại thuần túy không thuộc lĩnh vực được đầu tư vào SHTP, 12 dự án được cấp phép đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp in, công nghiệp hỗ trợ, không thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao cần ưu tiên phát triển theo Quyết định 1483/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

Giải trình về việc cấp phép cho 13 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao được đầu tư vào SHTP, ban quản lý khu này cho biết, họ thực hiện theo Quyết định số 458/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể SHTP.

Từ đây, UBND TP.HCM phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết SHTP giai đoạn II tỷ lệ 1/2.000, trong đó có bố trí một phân khu ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, theo điều 31 Luật Công nghệ cao, khu công nghệ cao chỉ là “là nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, ươm tạo doanh nghiệp, đào tạo nhân lực, sản xuất và kinh doanh sản phẩm và cung ứng dịch vụ công nghệ cao” mà thôi.

Có cả dự án “nhà hàng tiệc cưới”

Đáng ngạc nhiên, trong SHTP, có 3 dự án được cấp phép  mà chưa có căn cứ pháp lý, không cho thấy sự cần thiết của các loại sản phẩm, dịch vụ cần được đầu tư và phát triển. Đó là dự án tòa nhà văn phòng cho thuê của Công ty Chíp Sáng, dự án Công viên Thiên Niên Kỷ của Công ty cổ phần Dệt may Sài Gòn và dự án suất ăn công nghiệp, nhà hàng tiệc cưới của Công ty TLD Hi-Tech.

40 du an 'thap' lai lot vao khu cong nghe cao
 

Bên cạnh đó, có 2 dự án dịch vụ cho thuê kho bãi tại SHTP mà đối tượng thuê lại là đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh bên ngoài SHTP. Lại còn có 5 dự án sản xuất ngành hàng công nghiệp hỗ trợ được cấp phép đầu tư vào phân khu quy hoạch sản xuất hàng công nghệ cao, sau đó tiếp tục được cho đầu tư nhà xưởng cao tầng để cho thuê.

Trong SHTP, còn có dự án được cấp phép đầu tư là Trung tâm Nghiên cứu và phát triển khoa học sự sống kết hợp bệnh viện công nghệ cao, với số vốn đầu tư lên đến 5.625 tỷ đồng, được cấp phép cho liên doanh giữa Công ty Quantus Corporation (Hoa Kỳ), hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật và Công ty cổ phần Phát triển công nghệ Cao Sinh Biomed Việt Nam.

Hai nhà đầu tư này thực hiện dự án nhưng không chứng minh được năng lực tài chính để góp vốn, không có chứng thư cam kết bảo lãnh của ngân hàng tài trợ dự án, không có kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực nghiên cứu và hoạt động về y tế, quản lý bệnh viện. Riêng doanh nghiệp Cao Sinh Biomed Việt Nam chỉ mới được thành lập ngày 15/10/2016, chưa phát sinh doanh thu.

Ban quản lý SHTP cho biết, hiện hai chủ đầu tư nói trên đang trong quá trình chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư mới.

Theo Kiểm toán nhà nước, việc cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực hoạt động và sản phẩm dự án được khuyến khích đầu tư vào SHTP theo quy định của Chính phủ dẫn đến không đạt được mục tiêu chung của đề án phát triển khu công nghệ cao, kéo theo việc xác định “nhầm” ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, ưu đãi đất đai sai đối tượng.

Thất thoát thuế, giá thuê đất hàng trăm tỷ đồng

Theo kết quả kiểm toán, Ban quản lý SHTP đã cấp phép cho 7 doanh nghiệp hoạt động thương mại thuần túy và 10 doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ (là loại hình dự án không được đầu tư vào SHTP).

Từ đó, các dự án này được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu tài sản cố định, tiền thuê đất... Ban quản lý SHTP còn áp dụng ưu đãi đầu tư “đặc biệt” cho các dự án như của Công ty cổ phần Chíp Sáng với mức thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 10% lợi nhuận thu được trong suốt thời gian thực hiện dự án.

40 du an 'thap' lai lot vao khu cong nghe cao

Dự án của tập đoàn Samsung tại SHTP không thuộc trường hợp được miễn tiền thuế đất.

Ban quản lý SHTP cũng tham mưu cho UBND, HĐND TP.HCM chấp thuận ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex với mức thuế suất 10% trong thời hạn 30 năm, được hỗ trợ từ ngân sách số tiền bằng 50% thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp nộp 100% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách, với thời gian ưu đãi bổ sung là 3 năm.

Tổng diện tích đất giao cho SHTP là 913ha; trong đó, diện tích đất thương phẩm có thể cho thuê là 617,58ha. Việc đánh giá, thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thời gian thuê đất, các điều kiện cho thuê đất đối với các dự án đầu tư, dù có sự khác nhau qua từng thời kỳ, nhưng vẫn dựa trên cơ sở chung là mục tiêu dự án, tổng vốn đầu tư mà nhà đầu tư cam kết trong hồ sơ giải trình công nghệ, nhu cầu diện tích sử dụng đất và suất đầu tư trên đất do ban quản lý đặt ra trong từng giai đoạn.

Cũng do việc đánh giá chưa hiệu quả, vẫn có dự án được cấp phép đầu tư vào SHTP và được thỏa thuận cho thuê đất trong khi năng lực tài chính chưa được thẩm định, việc xác định lĩnh vực đầu tư vào SHTP còn sai sót, một số nhà đầu tư chưa tuân thủ tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư; một số dự án đầu tư vào phân khu R&D được miễn tiền thuê đất có tỷ lệ diện tích xây dựng chưa cao, diện tích cây xanh và đường giao thông nội bộ chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, việc thực hiện thẩm định nhu cầu sử dụng đất của dự án chưa bảo đảm tính hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng đất.

Kiểm toán nhà nước cho rằng, việc xác định đơn giá cho thuê đất cụ thể đối với từng dự án là thông qua đàm phán với nhà đầu tư, căn cứ vào hiện trạng hoàn thiện cơ sở hạ tầng và san lấp, dẫn đến tình trạng các dự án có cùng các điều kiện cho thuê đất nhưng lại được thuê với các giá khác nhau. Có trường hợp các dự án cùng lĩnh vực, đầu tư vào lô đất trên cùng một trục đường có vị trí địa lý và lợi thế thương mại tương đồng, thời điểm thuê đất cùng năm nhưng đơn giá thuê đất lại khác nhau.

Đối với dự án được miễn tiền thuê đất, Ban quản lý SHTP ký hợp đồng cho thuê đất miễn tiền thuê phần diện tích đất công cộng phục vụ kinh doanh sai quy định tại khoản 2 điều 54 Luật Đất đai.

Việc miễn tiền thuê đất cho hoạt động đào tạo chính sách công, khoa học xã hội nhân văn không thuộc danh mục hoạt động đào tạo, nghiên cứu, triển khai theo Quyết định 5754/QĐ-UBND năm 2007 của UBND TP.HCM, chưa thu hồi chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư được miễn tiền thuê đất theo quy định tại điều 13 Nghị định 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Dự án của Tập đoàn Samsung tại SHTP không thuộc trường hợp được miễn tiền thuê đất tại đây, nên việc UBND TP.HCM ký thỏa thuận với Công ty Samsung Asia Pte. Ltd. về việc miễn tiền thuê đất cho dự án của tập đoàn này căn cứ bản ghi nhớ có điều kiện giữa Samsung và Ban quản lý SHTP là không phù hợp với quy định của Chính phủ về nguyên tắc và các trường hợp được miễn tiền thuê đất theo Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành khác.

Việc Ban quản lý SHTP ký hợp đồng thuê đất trên cơ sở sai phạm về thỏa thuận đơn giá tính thu tiền khi sử dụng đất trong SHTP đối với Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex tại thỏa thuận khung phát triển giữa UBND TP.HCM và Công ty Samsung Asia Pte. Ltd. đã dẫn đến việc thu không đúng, không đủ tiền thuê đất theo quy định, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 534,415 tỷ đồng. Đây là chênh lệch giữa số phải thu về tiền thuê đất theo quy định và số tiền mà Samsung đã nộp khi sử dụng đất trong SHTP theo hợp đồng thuê đất.

Tổng số tiền phải xử lý do Kiểm toán nhà nước kiến nghị lên đến 977,672 tỷ đồng, gồm kiến nghị tăng thu tiền thuê đất là 947,114 tỷ đồng, thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng 30,557 tỷ đồng. Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước cũng xác định, diện tích đất đã cho doanh nghiệp đầu tư sai đối tượng vào khu công nghệ cao là 680.901m2.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI