Sau 17 phiên giám sát đối với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan về công tác chống ngập, sáng 13/6, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM đã tổ chức phiên giám sát cuối cùng đối với UBND TP.HCM về tiến độ, hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên toàn thành phố.
|
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM |
Mưa xuống là dân không đi được
Nhìn vào biểu đồ thành tích xóa giảm ngập do mưa, xóa giảm ngập do triều do UBND TP.HCM tổng kết, đại diện Đoàn giám sát HĐND TP.HCM cảm thán: “Biểu đồ thì đẹp, nhưng thực tế thì…”.
Theo đó, biểu đồ xóa giảm ngập do mưa của UBND TP.HCM cho thấy, năm 2008, TP.HCM tồn tại 126 điểm ngập và cuối năm 2018, chỉ còn 18 tuyến đường trục chính bị ngập. Tương tự, năm 2008, TP.HCM tồn tại 95 tuyến đường trục chính ngập do triều và đến cuối năm 2018, đầu năm 2019 chỉ còn 5 tuyến đường trục chính bị ngập.
Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ tịch HĐND TP.HCM - không mấy tin tưởng: “Chống ngập kiểu gì mà giờ đây người dân, báo chí đều nói toàn thành phố chỉ còn một điểm ngập, đó là ngập toàn thành, thậm chí ngập nặng hơn trước“.
Bà Lệ đơn cử, các tuyến đường như Mai Xuân Thưởng, Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Văn Quá đầu tư rất lớn về kinh phí nhưng không phát huy được hiệu quả, khiến dân tình bức xúc. “Người dân tin tưởng vào công tác chống ngập và mong mỏi một kết quả tốt đẹp, để rồi bây giờ mưa xuống là họ không đi được” - bà Lệ nói.
Mới đây, trong chuyến thực địa, khảo sát các tuyến, điểm ngập mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh, HĐND TP.HCM ghi nhận: mới vào đầu mùa mưa nhưng các tuyến đường này ngập rất nặng.
Do đó, bà Lệ yêu cầu UBND TP.HCM làm rõ các dự án mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh, theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Tuy nhiên, yêu cầu của bà Lệ không nhận được những giải trình thỏa đáng. Các đơn vị liên quan đồng loạt xin nợ lại câu trả lời, và sẽ thay bằng một báo cáo cụ thể, có cập nhật thêm tình hình. “Bỏ đồng tiền rất lớn thì phải đánh giá hiệu quả của công trình mình làm” - bà Lệ yêu cầu.
|
Biểu đồ kết quả xóa ngập do mưa, do triều của TP.HCM |
Thay đổi thiết kế chỉ vì vướng một căn nhà
HĐND TP.HCM thông tin, mặc dù tiêu tốn tổng kinh phí lên đến 33.200 tỷ đồng cho 97 dự án và hai chương trình chống ngập, nhưng hầu hết các dự án đến nay đều đang chậm tiến độ. Các đơn vị chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu vẫn là vướng chuyện bàn giao mặt bằng.
Phân tích dự án đường Mai Xuân Thưởng mà Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh, các đơn vị giải trình, đã hoàn tất 90%, chỉ còn vướng duy nhất một căn nhà chưa chịu giao mặt bằng, dẫn đến phải thay đổi thiết kế công trình bằng biện pháp tình thế là thay cống.
Ngay từ đầu, căn nhà này vốn được giải quyết bằng cách dùng nguồn vốn ngân sách mua lại nhưng sau đó, xem xét lại thì Luật Ngân sách không có quy định chi trong trường hợp này, đồng thời 10 người đang sống tại đây không ai được cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà. Hiện các đơn vị đang tính đến phương án thu hồi đất và hỗ trợ di dời.
“Chỉ vướng một nhà dân mà phải thay đổi cả thiết kế, trách nhiệm của các cơ quan ban ngành ở đâu?” - bà Lệ đặt vấn đề.
Theo Đoàn giám sát HĐND TP.HCM, từ các cuộc giám sát, có thể nhận ra ba nhóm người dân trong việc thực hiện chủ trương giải tỏa, đền bù mặt bằng cho các công trình chống ngập: thiện chí (giao đất trước khi nhận tiền), sòng phẳng (nhận tiền rồi mới giao đất, đề nghị được đền bù thỏa đáng) và cố tình vi phạm (không chấp hành, không chịu các đơn giá đền bù), nhưng UBND TP.HCM vẫn thực hiện giải quyết đền bù như nhau là không công bằng, không hiệu quả.
Không có chính sách khích lệ cũng là một trong các nguyên nhân khiến một số hộ lúc đầu chấp hành, sau đó đổi ý.
Trước chất vấn của đoàn giám sát, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - thừa nhận “Công tác chỉ đạo của UBND TP.HCM nói thẳng là còn rất lúng túng. Các đơn vị tham mưu còn hạn chế, chỉ dừng lại ở các kịch bản đối phó theo tình hình thực tế chứ chưa có tầm nhìn, quyết sách lâu dài”.
Ông Hoan còn cho rằng, công tác chống ngập có vướng: những quy hoạch về xây dựng, thoát nước, chống ngập của các dự án này đều đã rất lạc hậu, cũ kỹ, không còn phù hợp cho sự phát triển của thành phố.
Hiện UBND TP.HCM đã có sự nghiên cứu và đề nghị các sở, ban, ngành khẩn trương nghiên cứu các đề án quy hoạch mới, nhưng chưa có sản phẩm để triển khai thực hiện.
|
Ông Võ Văn Hoan (trái) và Ngô Minh Châu (phải) là 2 tân Phó chủ tịch UBND TP.HCM kể từ ngày 6/6/2019 |
Liên quan đến các vướng mắc làm chậm tiến độ bàn giao mặt bằng, theo ông Hoan, đây là chuyện rất khó giải quyết.
“Đơn giá bồi thường của mình đã không còn phù hợp. Trong quy định bồi thường, giá bồi thường phải tiệm cận dần với giá thị trường. Trong khi đó, bảng giá bồi thường mình đã xài hết rồi, đụng khung, không thêm được nữa, dẫn đến mức bồi thường quá thấp so với đơn giá thị trường, khiến dân không chịu” - ông Hoan lý giải.
Ông khẳng định, để giải quyết việc này, UBND TP.HCM sẽ sớm kiến nghị Chính phủ ra một khung giá mới cho công tác bồi thường, đúng thực tế, bởi: “Thử đặt mình là người dân trong trường hợp đó sẽ cảm thấy thế nào. Sở hữu miếng đất thì bất cứ ai cũng phải tính đến lợi nhuận 5, 10 năm trên miếng đất đó, vậy thì việc bồi thường phải sao cho phù hợp để họ ổn định cuộc sống”.
Sau cùng, ông Hoan mong mỏi, trong quá trình chỉnh trang đô thị, cần sự thông cảm của người dân: “Ngập là một đặc điểm rất tự nhiên của thành phố”.
Ông Hoan dẫn nhạc của Trịnh Công Sơn “Em còn nhớ hay em đã quên/ Trong lòng phố mưa đêm trói chân/ Dưới hiên nhà, nước dâng tràn/ Phố bỗng là dòng sông uốn quanh” và kết luận, việc ngập của thành phố phần nào là một hình ảnh… rất đẹp.
Tuyết Dân
Chiều 6/6/2019, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã trao quyết định phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho 2 tân Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhiệm kỳ 2016-2021, gồm ông Võ Văn Hoan giữ Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách lĩnh vực kinh tế; ông Ngô Minh Châu giữ chức Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách lĩnh vực nội chính.
Ông Võ Văn Hoan năm nay 54 tuổi, quê ở huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông có bằng thạc sĩ quản lý công, cử nhân luật, cử nhân kinh tế, cao cấp lý luận chính trị. Ông từng làm Chủ tịch UBND quận 6, Chánh văn phòng UBND TP.HCM.
|