PNO - 7g30, tôi bước vào chợ. “Anh đi mua heo hả?” - mấy bà dồn ánh mắt về tôi, lấp ló hy vọng. Tôi lắc đầu. Bao lần đi qua ngõ chợ này, tôi đều chịu không nổi, bởi mùi nặng quá. Rơm rác, phân, nước, người, xe tràn kín, lấn sát tận bờ sông Bà Rén, bất luận nắng mưa. Chợ heo lớn nhất dọc Quốc lộ 1A (khu vực huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) này vừa hứng chịu hậu quả cơn bão dịch kinh hoàng, giờ trở nên xơ xác.
“Heo mà coi như... sâm”
Tôi đếm, cả thảy 6 con heo thịt, 24 heo con và... 34 người. Lần đầu tiên, tôi thấy chợ heo mà sạch sẽ, không mùi khẳm, gió lồng vun vút lạnh từ đầu đến cuối chợ. Ở góc cuối nhà lồng, rọ, giỏ tre, sắt sắp chồng lên gọn gàng. Người bán, kẻ mua đứng tụm lại, tán chuyện. Một bà ngó bộ dạng như “trùm” ở đây, tên Nhân, sán lại: “Bữa ni là đông nhất rồi đó em, mấy bữa như cái chùa không sư”. “Bán buôn kiểu ni, tết lấy tiền đâu đánh bạc?” - tôi chọc. “Thôi lạy, kiếm đồng tiền chảy máu con mắt, bạc với đồng”.
Chợ Bà Rén, ngày thường bán 3.000-4.000 con heo các loại, giờ như “chùa Bà Đanh”
Ai đó giật tay tôi: “Bỏ nghề nhà báo đi buôn heo hả?”. Dì của một đồng nghiệp. Bà tuôn một hơi: “Đói meo con ơi, bán buôn chi nữa, mà mấy chục năm ni làm nghề ni”. Hơn 150.000 con heo đã bị tiêu hủy, chiếm 30% sản lượng đàn heo tại Quảng Nam… là những con số từ thống kê của chính quyền. Dịch làm heo chết, người nuôi không dám tái đàn, heo còn thì găm hàng… Chợ heo này cung cấp heo thịt, heo giống cho cả tỉnh, ra tận Đà Nẵng, vào Quảng Ngãi. Dịch từ đầu năm ngoái, đến giờ chưa dừng.
“Mua không được hả?”. “Được, nhưng họ hô trên trời”. Một ông tên Thành, người ở xã Quế Xuân, H.Quế Sơn, bán thịt heo quay, hút hết điếu thuốc này lại mồi điếu khác, cười lộ hàm răng mẻ lởm chởm, chỉ con heo đang nằm trong rọ sắt, nói với chủ: “Bà bán giá nớ thì ôm về ăn cho hết”. Chị kia trợn mắt: “Tôi mua 85.000 đồng/kg, chừ (bây giờ) cắn răng bán 65.000 đồng đó ông”. Ông kia lắc đầu. Tôi hỏi: “Đắt hả anh?”. “Không đắt mới lạ. Thịt ba chỉ 200.000 đồng/kg, quay xong bán nhích lên 300.000 đồng là dân nhậu lắc đầu. Chưa kể, ôm về, xương, lòng họ cũng lắc”. “Xương mấy?”. “110 ống, mà sườn là 180 nghe, lòng 80”. Ông ném tàn thuốc: “Kiểu ni tết, bánh chưng cũng lên”.
Bà Nhân liếc: “Lên con khỉ, bỏ mỡ trong nớ chứ chi, mỡ 20.000 đồng/kg mà bán lên thì có bóp họng”. Ông kia nhướng cổ: “Bà không biết thì im, mua được hai mươi ngàn, bà để trên bụng tôi nấu. Lên bốn mươi ngàn rồi mẹ ơi, ở Đà Nẵng là sáu mươi đó”. “Ngoài chợ, thịt ba chỉ 180.000-200.000 đồng/kg, có xuống đâu” - tôi góp chuyện. “Làm chi có xuống” - bà Nhân nói như rít, nhìn ông kia vẻ khinh khỉnh - “Bánh chưng không có thịt thì bỏ thêm đậu. Nhiều chuyện. Nuốt cho lắm mỡ vô, giày không mang mà cứ tìm guốc (bệnh gút)”.
Chị chủ có con heo vừa cãi với ông kia, mặt như dài ra: “Hôm qua cũng đưa lên, chừ lại chở về”. Bà tên Thống hầm hè: “Mi tham, nãy ông nớ mua 62 thì bán đi, giữ đó ăn cho hết”. “Thôi em ráng”. Thêm một đồng, với họ, ngang với tiền triệu của người giàu. Mặc nhà nước chủ trương nhập thịt, các phương tiện truyền thông dẫn nguồn này nọ là thịt heo đã quay đầu giảm giá, nhưng đó là ở siêu thị, chợ bình ổn giá, chứ ở chợ quê, chuyện đó nghe xa lắm. Càng về tết, giá càng bốc.
Bà người quen tôi bình luận: “Ông nhà nước tính răng (sao) lạ. Heo dịch từ đầu năm, để miết không cho tái đàn, chừ không có thịt”. Ông Thanh dài giọng: “Bà dật dờ. Chết nữa, ai chịu? Cho tiền cũng chưa dám nuôi lại”. Dân không dám là đúng, canh bạc này không giỡn được, coi chừng ra đường ở vì trắng tay. Tết gần sát rồi, nhu cầu thịt heo càng lớn, vì thói quen của dân miền Trung là ăn uống, cúng bái đều phải có thịt heo. “Ở chợ, mấy bà bán thịt nói răng xuống giá được, nhà nước giỏi thì tới bắt mấy người bán heo thịt hạ đi, thì ra lò mới hạ được”. Một bà trả lời tôi: “Chứ chi nữa! Em không buôn không biết, mình tới nhà họ hỏi, họ ngó… nửa con mắt, heo mà coi như sâm. Mà mấy bà bán thịt cũng kiểu cách bày đặt, mổ để cả đống không ai mua, về nện vô tủ lạnh, mai đem ra lại cũng treo đó”.
Lồng nhốt heo con rít lên. Át cả tiếng heo là hai bà cãi nhau. “Tui ngán bà quá rồi” - bà mặc áo xanh cười như mỉa mai. Bà kia là người mua, huơ tay: “Có mấy con “trộng” hơn thì 12 là được, chứ ba con nớ da không sáng”. Tôi hỏi ông Thành “12 là mấy”, ông nói: “Là 1,2 triệu đồng/con đó. Khỉ khô, ra tết họ bán loạn lên 400.000 đồng/con, cho không thèm lấy”. Bà áo xanh vẻ ức hiếp: “Thôi, “trình” của bà tới đó, tui không nói nữa”. “Hạ đi”. “Không, nói rồi là bảo hành, không ưng trả đây, heo ni họ nuôi 25 ngày rồi”. “Thôi mi ơi, hơn một tháng thì có”. “Mấy cũng chừng nớ”. Tôi hỏi: “Bảo hành sao?”. “Trong vòng 4 ngày, heo bệnh, chết, tới đây tôi đền. Qua ngày thứ năm, nếu có chuyện chi, mời về bên kia thế giới”. Tiếng cười rộ lên: “Con nớ văn chương lắm”. Như được tiếp sức, bà áo xanh “bốc” liền: “Đi ra cho biết bạn hiền/ Đi buôn để biết đồng tiền ra răng”, rồi cười. Tết, không heo thì ăn gà, vịt
Gần một giờ, chẳng ai mua. Một ông chạy xe tới, ngó con heo mà chị chủ nói mua 65.000 đồng/kg hơi, hất hàm: “Mấy?”. “Bảy chục”. “Bà heo ni to như ri, thịt dở ẹc, hô cho lắm vô”. “Mệt ông quá, thịt thơm lắm đó”. Ông đi quanh, con heo thì nằm, mắt lơ đễnh. “Cho nói lại đó, không thì khỏi mua”. “Sáu lăm”. “Rọ đâu?”. Chị kia như cô dâu “lên nhầm kiệu hoa, được chồng như ý”, mặt sáng bừng, chạy thiếu điều mất dép tìm cái rọ. Cân nhảy số 63. Trừ cái rọ 10kg. “Đưa mượn rọ hỉ”. “Mô (đâu), bữa ni em đi bắt heo nữa mà”. Bên kia, tiếng bà áo xanh he hé: “Xúc hết luôn nghe”. Mặc cả một trận rồi bà mua heo con kia cũng chịu mua hết 10 con. “Chị về nuôi hả?”. “Ừ, về “giâm” (tái đàn) lại, không lẽ cứ dịch hoài”. “Tháng Ba là bán được hè (nhỉ)?”. “Không bệnh thì tháng Hai âm thôi”. “Sợ không?”. “Không sợ thì không đúng, nhưng cứ sợ thì lấy chi ăn em, rồi không lẽ dịch miết” - giọng bà cứng rắn.
Người ta kỳ vọng vào lứa heo con này sau tết
Nhà nông nuôi đàn heo, luôn đi kèm bao dự định ngắn ngày. Bán để mua giống, kiếm tiền ăn học cho con, sắm sửa, lo chuyện phải không với thiên hạ, thuốc thang. Ngắn, nhưng cuộc sống hối thúc cái ăn hằng ngày, nên với họ là sự đánh đổi không kém phần quyết liệt. Dịch tả heo kéo dài, nông dân nhanh chóng tính đường khác làm ăn. Tôi về các làng, thấy gà vịt được nuôi thả tăng lên, nhiều người làm quen các chủ nhà hàng, quán lớn để bỏ mối. Trong bữa giỗ, tôi nghe chú tôi nói với mọi người: “Không heo thì gà, vịt. Các ông đừng nhiều chuyện, chừ (bây giờ) cứ nói không có heo cúng, nhưng không có thiệt, không lẽ ông bà không về hả? Ăn tết, không heo thì cái khác. Ngày xưa cần thịt heo tết vì đói, cứ trông tết là kiếm miếng ngon, chừ thiếu chi mà cứ đòi, không lẽ chết hả? Mấy ông đừng có làm lớn chuyện lên”…
Chuyện lớn hay nhỏ tùy thuộc cái nhìn. Người nhà quê không quen ăn heo đông lạnh. Câu cửa miệng của họ là “tết ni không có heo ăn”, nhưng chẳng ai nói không heo thì chết. Cái cần chính là nuôi làm sao hạn chế được dịch để tăng thu nhập. Người dân nuôi heo theo hộ gia đình, thiếu vệ sinh, phòng dịch; các trang trại lớn thì có cách ly, phòng trừ kín kẽ nên heo ít bị bệnh. Kỹ thuật chăn nuôi như kiến thức y học dự phòng trong dân quê, lung tung lắm.
Nhìn mấy người ngồi ngáp vặt ngó mấy con heo còn lại chẳng ai đụng tới, tôi hỏi: “Không lẽ miết thế này hả?”. “Ai biết được”. Bà Nhân nói: “Tôi nói thiệt với mấy người, heo nhập bán ở siêu thị giá thấp bằng 1/3 của chợ, họ mà đổ đi mua thì mấy bà bán thịt ngoài chợ, mấy bà găm heo trong chuồng có khóc ré chứ làm chi. Thiệt đó, nhà nước làm mạnh đi, là giá hạ liền, nhưng hạ vừa vừa, được người bán, người mua, mới bán buôn được. Ra tết, giá khác cho coi”. “Dân mình không sợ cái chuyện không thịt heo đâu chị” - tôi nói. “Nhà chị không ăn cũng không răng, cá gà đầy đó, nghỉ vài tháng chẳng bị ung thư đâu mà sợ. Thằng con nuôi bầy gà đã 3 tháng rồi. Tết sợ chi, chơi chứ ăn chi mà ham cho lắm”. Bà áo xanh “trổ”: “Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”. “Thôi mệt quá mi ơi, người chứ phải heo đâu mà hèm cũng nuốt. Mi coi có ai vô bệnh viện vì không có thịt heo chưa?”.
Dịch tả heo châu Phi thời đỉnh điểm đã qua, và bây giờ, khi tết gõ cửa, người ta cuống lên vì thiếu thịt. Nhà nước nắm thị trường, đã bị trừ một điểm trong trận đấu này bởi dự báo phập phù. Chuyện này, bữa ăn ở thành phố xem ra nặng hơn, bởi tiền có, chưa chắc mua được, chứ ở quê, miếng thịt heo tết gây nỗi nhớ là chính, chứ ăn, chỉ cần qua bữa là xong. Tết tới rồi, không heo thì coi như quên nó đi, chạy tìm thứ khác để kiếm tiền và nuôi hy vọng.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.