Thói sĩ diện

12/07/2015 - 08:22

PNO - PN - Nói người Việt hay mắc “bệnh” sĩ diện nghe có vẻ hàm hồ, nhưng thực tế thì... không sai.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thoi si dien

Nguồn ảnh: internet.

Có những người không giỏi ngoại ngữ nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài lại không thừa nhận sự yếu kém của mình, mà luôn tỏ ra thông hiểu, để rồi sau đó họ nghe một đàng, làm một nẻo hoặc không nhớ (hay không hiểu?) người kia nói gì.

Giá mà họ chịu khó hỏi lại những gì họ chưa rõ hoặc nghe không kịp, có lẽ kết quả cuộc đối thoại đã khác. Nếu không phải vì sĩ diện mà họ ngại thừa nhận là mình nghe kém, nói (ngoại ngữ) kém thì vì cái gì?

Anh bạn Việt kiều về chơi, mời cả nhóm bạn học đi ăn. Hóa đơn tính bộn tiền. Ăn xong, anh bạn thản nhiên xin chiếc hộp đem thức ăn thừa về. Đám bạn nhìn nhau ngụ ý: “Tên này xài kỹ!”.

Không ít khi tôi đi ăn với mọi người, thức ăn thừa mứa nhưng ai cũng ngại đem về để rồi tiếc số tiền phải trả không ít, tiếc mớ thức ăn thừa vẫn còn ngon, không dám đem về chỉ vì ngại mang tiếng “bần”, sợ bị cười chê. Tiền của mình bỏ ra mua một cách đường hoàng, ăn không hết đem về sao lại xấu hổ?

Nhiều người ráng cạy cục để con được vào học trường chuyên, lớp chọn ngay cả khi con họ không đủ khả năng. Nói đâu xa, chị họ tôi cho con luyện thi cả năm trời, ngày nào thằng bé cũng phải đi cả hai chục cây số nhưng cuối cùng vẫn rớt. Học phờ cả người mà vẫn bị la mắng vì không đạt được kỳ vọng của bố mẹ là có con học trường chuyên như con cái của bạn bè, liệu cậu bé có phải là nạn nhân của thói sĩ diện của bố mẹ không? Nhìn rộng hơn, nếu không vì sự sĩ diện giữa các giáo viên với nhau, giữa trường này với trường khác hay giữa ngành giáo dục của tỉnh này với tỉnh khác, thì học sinh có được xếp loại giỏi vô tội vạ với tỷ lệ đậu tốt nghiệp lý tưởng?

Khi được hỏi đang làm nghề gì sau khi tốt nghiệp đại học ở Mỹ, cô bạn tôi đã trả lời một cách tự hào về công việc y tá tại bệnh viện. Không ít người cười thầm: “Tưởng bác sĩ thì ngon chứ cái nghề hầu hạ người khác ấy có gì đáng nói?”. Tôi thấy tư tưởng này khá phổ biến trong một bộ phận không nhỏ người Việt, nhất là giới trẻ: cứ nghĩ tốt nghiệp đại học là phải làm... sếp, thậm chí không ít người thà thất nghiệp hoặc chấp nhận công việc bàn giấy công sở chứ nhất định không chịu làm “cu li”, “dưới cơ” để người khác sai bảo.

Nhiều người cho rằng giới trẻ dễ mắc “bệnh sĩ” hơn do thiếu trải nghiệm, chưa nhận thức được những giá trị đích thực của cuộc sống nên dễ nương nhờ những giá trị mang tính hình thức, bề nổi. Nhiều bạn trẻ chưa làm ra tiền nhưng vẫn thích “lấy le” với bạn bè bằng những bộ cánh thời trang, những chiếc điện thoại xịn được tậu bằng tiền bố mẹ.

Người trẻ đã thế, người lớn cũng không khá hơn. Để không thua kém người khác, nhiều người sẵn sàng chi cả chục triệu đồng để mua chiếc điện thoại đời mới mà không hề khai thác hết các tính năng của nó. So với thu nhập bình quân tính theo đầu người, con số một tỷ đô-la/năm mà người Việt bỏ ra để mua smart phone đủ cho thấy căn bệnh sĩ diện của người Việt “trầm kha” đến mức nào. Cũng vì sĩ diện mà nhiều người tậu xe hơi về để... trùm mền vì không kham nổi chi phí nếu dùng chiếc xe đó để đi lại mỗi ngày.

Một cô gái cười khẩy khi thấy bạn mình cúi nhặt tờ 10.000đ ai đó đánh rơi. Tôi thì lại thấy vui khi đặt tờ giấy bạc nhàu nát ấy vào chiếc nón của bà cụ hành khất bên đường. Quan niệm về “sĩ diện” giữa họ không giống nhau.

Bạn có mắc “bệnh sĩ” không? Tôi không tin là bạn “miễn nhiễm” hoàn toàn với căn bệnh mang tính cộng đồng và rất dễ lây lan này, có thể ít hay nhiều, nặng hay nhẹ mà thôi. Chỉ khi nào loại bỏ được căn bệnh này, chúng ta mới có thể ngẩng cao đầu tự hào về những giá trị đích thực mà mình đang có, thay vì những giá trị ảo mà mỗi người đang đeo mang.

NGỌC VI
Bài vở tham gia trên trang Bạn đọc, vui lòng gửi về email: bandocphunu@gmail.com.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI